Công tác giáo dục học sinh khuyết tật gặp nhiều trở ngại
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 788 HS khuyết tật hòa nhập tại 172 trường từ bậc MN đến THPT. Việc hòa nhập học tập đã bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội học tập cho HS khuyết tật. Tuy nhiên, công tác giáo dục HS khuyết tật tại các trường đang gặp không ít khó khăn.
NHIỀU KHÓ KHĂN, TRỞ NGẠI
Điều 27, Luật Người khuyết tật quy định, Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân. Người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân người khuyết tật không đáp ứng được; miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập. Bên cạnh đó, người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết. Các trường bố trí mỗi lớp học không quá 2 người khuyết tật… Đó là những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người khuyết tật.
Giáo viên Trường MN Minh Đăng (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn HS khuyết tật gấp quần áo. |
Thế nhưng, cuối tháng 10 vừa qua, đi cùng Đoàn của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác giáo dục HS khuyết tật hòa nhập tại BR-VT, chúng tôi ghi nhận, việc triển khai thực hiện những chính sách nêu trên tại các trường học có HS khuyết tật hòa nhập vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường TH Lê Thành Duy (TP.Bà Rịa) cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường có 10 HS khuyết tật theo học. Thông tư 42/2014/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định, để được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước thì các em phải có giấy chứng nhận khuyết tật của các cơ quan có thẩm quyền ở cấp xã. Nhưng hiện nay, trình tự, thủ tục xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật còn rườm rà, nhiều bước, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, phụ huynh của HS khuyết tật còn mặc cảm, không muốn thừa nhận con mình bị khuyết tật nên chưa đưa con em mình đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Hiện nay, tất cả HS khuyết tật đang học tập tại Trường TH Lê Thành Duy chưa được cấp giấy chứng nhận khuyết tật nên chưa có cơ sở để nhà trường giải quyết các chế độ dành cho HS khuyết tật.
Tương tự, tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (TP.Bà Rịa), nhà trường cũng gặp hàng loạt trở ngại trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục cho HS khuyết tật hòa nhập. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh cho hay: Trường có 30 lớp, với 287 HS khuyết tật, trong đó 147 em khiếm thính và 131 em chậm phát triển trí tuệ. Nhà trường có 46 GV nhưng chỉ có 9 giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Vì thế, giáo viên thiếu rất nhiều kỹ năng trong hoạt động dạy học cho HS khuyết tật. Mặt khác, theo quy định, HS khuyết tật được học nghề nhưng cho đến nay, nhà trường vẫn chưa tổ chức dạy nghề cho HS do chưa có biên chế giáo viên dạy nghề. Không chỉ thiếu GV, nhà trường còn thiếu các dụng cụ học tập, phòng can thiệp sớm, phòng phục hồi chức năng dành cho HS khuyết tật.
Giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật (TP.Bà Rịa) tranh thủ giờ sinh hoạt để hỗ trợ các HS khuyết tật học yếu. |
Cùng với 2 trường trên, nhiều trường học khác có HS khuyết tật hòa nhập cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Đơn cử, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu) hiện có 16 HS khuyết tật theo học, được bố trí vào 10 lớp. Trung bình mỗi lớp có sĩ số hơn 40 HS. Do vậy, giáo viên chưa có nhiều thời gian để quan tâm đến HS khuyết tật. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của trường đều không được đào tạo, tập huấn về giáo dục hòa nhập HS khuyết tật nên chỉ giáo dục các em bằng kinh nghiệm và tình yêu thương. Một số phụ huynh không nộp hồ sơ bệnh án của HS để nhà trường nắm bắt tình hình và có biện pháp phối hợp giáo dục phù hợp, kịp thời.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thăm hỏi tình hình học tập của HS khuyết tật tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu). |
TIẾP TỤC CHĂM LO HS KHUYẾT TẬT
Để làm tốt công tác giáo dục HS khuyết tật hòa nhập, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các cấp, ngành cần tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng HS này; xây dựng các phòng phục hồi chức năng phù hợp với loại hình giáo dục trẻ khuyết tật; bố trí đủ GV được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Đồng thời, HS khuyết tật cần được học các nghề phù hợp với lứa tuổi và khả năng của từng em.
Trước thực tế nêu trên, bà Lương Thị Lệ Hằng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường tăng cường hướng nghiệp cho HS khuyết tật, tạo cơ hội cho HS khuyết tật lựa chọn nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Sở sẽ lập kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ GV và cán bộ quản lý về giáo dục HS khuyết tật hòa nhập, khuyến khích GV làm đồ dùng dạy học cho HS khuyết tật; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chế độ chính sách đối với HS khuyết tật đã được Nhà nước quy định.
Về thực hiện nội dung giáo dục HS khuyết tật, bà Lương Thị Lệ Hằng cho biết: Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học vẫn dạy học theo chương trình và sách giáo khoa chung do Bộ GD-ĐT quy định, nhưng chú trọng giáo dục các kỹ năng xã hội cho HS như: Giáo dục các em giao tiếp, ứng xử với bạn bè, gia đình, biết tự chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động khác ở mức đơn giản. Các nhà trường được phép điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp với HS khuyết tật và điều kiện thực tế; đồng thời thường xuyên khảo sát khả năng, nhu cầu của HS khuyết tật để điều chỉnh chương trình phù hợp. Về phương pháp dạy học, GV cần linh hoạt, sáng tạo trong từng tiết dạy, phù hợp với mức độ khuyết tật của HS. Trong dạy học, GV cũng cần chú ý sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học chuyên biệt (nếu có).
Sở GD-ĐT đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 70% HS khuyết tật trong độ tuổi MN và phổ thông được tiếp cận giáo dục hòa nhập chất lượng, bình đẳng và thân thiện; ít nhất 50% cán bộ quản lý, GV, nhân viên hỗ trợ giáo dục HS khuyết tật được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục người khuyết tật; 100% cơ sở giáo dục được phổ biến và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật.
THỨ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT NGUYỄN THỊ NGHĨA: Về cơ bản, BR-VT đã triển khai khá tốt chương trình giáo dục HS khuyết tật. Tuy nhiên, các trường học cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ huynh để đưa HS khuyết tật hòa nhập vào các trường học, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho HS để các em được hưởng các chính sách hỗ trợ học tập; giảm sĩ số lớp học trong những lớp có HS khuyết tật để tạo điều kiện cho các em có cơ hội tiếp cận với các chương trình giảng dạy. Sở GD-ĐT cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV giảng dạy HS khuyết tật; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập cho các em. |
Bài, ảnh: TUỆ LÂM