Phụ nữ tự tin lập nghiệp
Sáng tạo, bản lĩnh, tâm huyết và đam mê với công việc, nhiều chị em phụ nữ đã trở thành tấm gương điển hình trong làm kinh tế giỏi, tạo lập cho mình một tương lai vững chắc.
Chị Vũ Thị Chức (68 tuổi, ở 8/3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa phường Thắng Tam), chủ Cơ sở Sản xuất Mỹ nghệ ốc biển Thanh Thêm bên sản phẩm của mình. |
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến Salon Tân Thành Phát nằm ở số 74, Tú Xương, phường 4. TP.Vũng Tàu để gặp chị Dương Thị Ái Thơ, chủ cơ sở chuyên sản xuất bàn, ghế, trang thiết bị nội thất. Trải qua tuổi thơ cơ cực, lập nghiệp từ những đồng vốn ít ỏi, nhưng với quyết tâm của mình giờ đây chị Ái Thơ đã xây dựng được một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em tại Quảng Ngãi, năm 17 tuổi, ba má chị qua đời, anh chị có cuộc sống riêng, chị Ái Thơ một mình rời quê hương vào TP.Vũng Tàu tìm sinh kế. “Bước vào xứ lạ, tôi một mình chật vật lo cho cuộc sống. Tôi bắt đầu từ việc xin vào nấu cơm phục vụ cho công nhân ở các công trường xây dựng rồi phụ làm sơn nước, đánh véc ni. Sau này tôi bén duyên với lĩnh vực du lịch và làm lễ tân khách sạn cho tới khi lập gia đình. Năm 1991, tôi cùng chồng gầy dựng Salon Tân Thành Phát”, chị Ái Thơ kể. Bắt tay vào lĩnh vực mới, chị tần tảo lo liệu mọi việc, từ gặp gỡ khách hàng, nghiên cứu mẫu mã sản phẩm, tìm đầu ra cho thị trường và thậm chí lái xe tải giao hàng rồi mua nguyên liệu… Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, suốt 27 năm qua, sản phẩm do Tân Thành Phát tạo ra không chỉ chiếm được cảm tình của người dân trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận. Từ chỗ ở nhà thuê, chỉ vài năm sau chị đã mua được căn nhà ở số 76 rồi mua tiếp nhà số 74 Tú Xương. Sau này, khi kinh tế tạm ổn, chị đã tạo điều kiện cho các em hoàn cảnh khó khăn học nghề và tạo việc làm. Có gần 100 thanh niên được chị Ái Thơ nhận vào dạy nghề miễn phí, lo chỗ ăn và giới thiệu việc làm nay trưởng thành với tay nghề giỏi, mức lương cao, có gia đình, ổn định cuộc sống. Hiện cơ sở của chị đang tạo việc làm cho 12 người thợ với mức thu nhập từ 6-12 triệu đồng/năm. Nhiều năm qua, chị Ái Thơ còn chia sẻ, hỗ trợ người già neo đơn, phụ nữ khó khăn. Chị Thơ cho hay: “Tôi luôn nghĩ rằng, dù ở hoàn cảnh nào cũng chỉ cần có niềm tin, cố gắng làm tốt việc mình chọn thì ắt sẽ thành công. Từ tình yêu với công việc, tình yêu với gia đình tôi đã mạnh mẽ vượt qua mọi thử thách để có ngày hôm nay”.
Còn chị Vũ Thị Chức (ở 8/3, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) hiện là chủ Cơ sở Sản xuất Mỹ nghệ ốc biển Thanh Thêm chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng ở TP.Vũng Tàu. Đến thăm xưởng sản xuất của chị Chức, chúng tôi không khỏi thán phục khi được chiêm ngưỡng hàng trăm sản phẩm được làm từ ốc biển, san hô… vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. Từ ý tưởng của chị, những mảnh vỏ hải sản, những con ốc biển, những tảng san hô thô sơ trở thành đồ trang trí, trang sức bóng bẩy với nhiều màu sắc, hoa văn mang đậm chất biển. Gắn bó với nghề sản xuất ốc mỹ nghệ hơn 40 năm nay bằng tình yêu và lòng say mê các sản vật từ biển, chị Chức thông thuộc hàng trăm tên loài ốc biển khác nhau. Chị Chức chia sẻ: “Chồng tôi là nghệ nhân tranh sơn mài. Chính vẻ đẹp của những sản phẩm làm từ thủ công mỹ nghệ như một niềm đam mê thôi thúc tôi chuyển sang lĩnh vực mới. Ngày ấy, mọi sản phẩm đều làm bằng tay nên vất vả và mất nhiều thời gian, còn giờ đã có máy móc hỗ trợ nên quá trình sản xuất đỡ cực hơn”. Dù có những thời điểm gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như tìm mẫu mã mới để thu hút khách hàng nhưng chị Chức vẫn không bỏ cuộc. Chính sự kiên trì, bền bỉ với lựa chọn của mình, sản phẩm của chị dần được du khách đón nhận. Thành công với nghề, chị Chức đã quay sang dạy nghề cho nhiều người, nhất là phụ nữ khó khăn, giúp họ có thu nhập ổn định. “Phụ nữ làm kinh tế là con đường rất gian nan, nhưng nếu biết học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, lấy chữ tín làm đầu, cần kiệm chắt chiu thì sẽ vượt qua được gian nan, thử thách. Tôi cho rằng, một phụ nữ muốn khởi nghiệp thì đừng suy nghĩ nhiều nghề đó nhỏ hay lớn. Chỉ cần có sự cần mẫn, trân trọng lấy nghề của mình thì sẽ đạt được thành công”, chị Chức nói.
Chị Dương Thị Ái Thơ chủ Salon Tân Thành Phát nằm ở số 74 Tú Xương, phường 4. TP.Vũng Tàu trao đổi mẫu mã sản phẩm với thợ. |
Là người luôn trăn trở về thân phận người phụ nữ, chị Nguyễn Thị Chín (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đã có nhiều việc làm để giúp người phụ nữ tự tin vươn lên trong cuộc sống. Khởi nghiệp bằng trồng rau, nuôi cá trên diện tích 4.000m2 với số vốn nhỏ, chị Chín đã kiên trì học hỏi, tìm kiếm kiến thức về kỹ thuật trồng rau an toàn qua nhiều kênh khác nhau. Từ sự cần mẫn, chịu khó, chị Chín dần thành công với mô hình trồng rau sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo chị Chín, chính kiến thức có được qua các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt giúp chị gặp nhiều thuận lợi trong quá trình sản xuất. Nhờ trồng rau xen lẫn để thu hoạch nên ngày nào chị cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Chị Chín cho hay: “Tôi nghĩ, phụ nữ muốn phát triển kinh tế không nhất thiết phải chọn nghề gì đó thật cao sang mà phải hiểu mình phù hợp với lĩnh vực nào. Quan trọng mình có yêu thích, toàn tâm toàn ý với nghề hay không”. Chị Chín hiện đang động viên, hỗ trợ 16 chị em khác đang triển khai mô hình trồng rau an toàn hiệu quả, cho thu nhập ổn định.
Các chị Đào Thị Cúc (TP.Bà Rịa), Phạm Thị Hà (TX.Phú Mỹ), Đỗ Thị Kim Ngọc (huyện Châu Đức), Đào Thị Trang (huyện Đất Đỏ)… cũng là những tấm gương làm kinh tế giỏi và những điển hình tiêu biểu nhất về tấm lòng hướng về cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, hỗ trợ phụ nữ chủ động tham gia phát triển kinh tế, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh đang từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và bản thân phụ nữ. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC
Trong 9 tháng đầu năm 2018, các cấp Hội phụ nữ đã huy động gần 850 tỷ đồng giúp 67.668 lượt chị vay phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức 153 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt, quản lý, sử dụng vốn cho 7.294 chị; tổ chức 34 lớp đào tạo nghề cho 1.055 chị; phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 1.664/1.190 chị; hỗ trợ, giúp đỡ 120/40 chị khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. |