.
CHUYỆN NHÀ

Đi qua "sóng gió", càng thương nhau hơn

Cập nhật: 09:51, 03/08/2018 (GMT+7)

Vợ chồng tôi cưới nhau gần mười năm, có hai cậu con trai khỏe mạnh. Cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ học lớp 1 và đều ngoan ngoãn, học giỏi nhưng hơi nhác việc nhà. Ông xã tôi làm nghề xây dựng, tôi làm lao động thời vụ và lo chuyện cơm nước, học hành của các con. Nhìn chung, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình.

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua từng ngày. Nhiều người trông vào cứ nghĩ gia đình tôi thật ấm êm, hạnh phúc, nhưng thật ra cũng không hẳn vậy. Vợ chồng tôi thỉnh thoảng cũng xảy ra “chiến tranh lạnh”, khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhiều chuyện thật nhỏ nhưng chúng tôi không biết cách cư xử khéo léo dẫn đến hậu quả thật tệ hại, thậm chí có lần chúng tôi đã định dẫn nhau ra tòa ly hôn.

Chẳng hạn, chiều hôm đó gần nhà xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà anh lại đi làm về trễ khiến tôi bồn chồn, lo lắng. Khi thấy anh vừa về tới nhà là tôi nóng ruột hỏi liền: Sao hôm nay anh về trễ quá vậy? Anh không hề biết tôi lo lắng cho anh như thế nào, ngược lại, anh tỏ ra bực bội, rồi mắng té tát: “Tôi đi làm kiếm tiền nuôi đến 4 miệng ăn chứ có phải đi chơi đâu mà vừa về đã vặn vẹo?”.  Rồi anh so sánh trong khi vợ người ta thấy chồng đi làm về thì ngọt ngào: “Anh ăn gì chưa? Anh có mệt không? Em soạn đồ cho anh tắm rồi cả nhà mình dùng cơm nhé!”. Thái độ của anh khiến tôi giận run nhưng không thể trả lời vì anh nói cũng có phần… hơi đúng.

Lần khác, anh bỏ quên điện thoại di động ở nhà. Tôi tò mò kiểm tra máy thì phát hiện những dãy số và những cái tên rất đáng nghi ngờ. Đợi anh đi làm về, tôi hỏi ngay cô Hồng, cô Liễu trong điện thoại của anh là ai. Thay gì giải thích, anh lại la ầm lên rồi xúc phạm tôi bằng những lời lẽ thiếu tế nhị. Anh bảo tôi ở nhà không biết tìm việc gì làm để quá rảnh rang rồi kiếm chuyện ghen bóng ghen gió. Trong khi đó tất cả việc nhà từ cơm nước cho đến giặt giũ, lau nhà tôi làm quần quật muốn hụt hơi, anh đã không chia sẻ mà lại còn nặng lời chì chiết. Trong lúc tôi đang khóc vì ấm ức, anh lại dẫn xe quay ra cổng, tôi tức quá cũng đẩy xe đi theo. Ra khỏi cổng nhà, anh và tôi mỗi đứa đi một hướng. Tôi đi mà không biết mình đi đâu, vừa chạy xe vừa suy nghĩ và tự hỏi tại sao cưới nhau rồi chồng không còn nói với mình những lời êm dịu, ngọt ngào, tình cảm như lúc mới yêu. Nhìn vợ chồng người ta hạnh phúc thấy mà ham, còn mình… hay là anh không còn yêu mình nữa.

Theo quán tính, tôi chạy một mạch tới nhà nhỏ bạn thân lúc nào không hay. Nhìn mặt mũi tôi tèm lem, cô bạn biết ngay vợ chồng tôi lại có chuyện. Đợi tôi uống hết ly nước và kể rõ ngọn ngành, cô bạn khuyên tôi bình tĩnh rồi giúp tôi kiểm tra xem cô Hồng, cô Liễu là ai. Kết quả đúng như bạn tôi suy đoán, Hồng và Liễu là đối tác làm ăn của chồng tôi. Tôi sực tỉnh, về nhà xin lỗi chồng và rất may là anh cũng vui vẻ bỏ qua.

Ông bà ta đã dạy: “Chén trong sóng còn khua” mà. Chúng ta đừng vì những điểm không hài lòng về nhau rồi làm cho mọi thứ trở nên nghiêm trọng và tệ hại hơn. Sau lần đó, vợ chồng tôi đã hiểu nhau hơn, biết kiềm chế bản thân và quan tâm vun đắp cho mái ấm của mình nhiều hơn. Và cũng từ đó, những trận cãi vã giữa chúng tôi cũng dần ít đi. Những xung đột cũng không còn, gia đình tôi lại đầy ắp những tiếng cười ấm áp từ tình yêu thương. Thế mới biết, khi đã vượt qua “sóng gió”, “bão táp” thì tình cảm gia đình càng thêm gắn kết với nhau, yêu thương nhau nhiều hơn. 

NGUYỄN HOÀNG CHÂU

.
.
.