Về nơi công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc
Cách đây 71 năm, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể công bố bức thư của Bác Hồ chọn ngày 27-7 làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc.
Nhân dân địa phương và du khách dâng hương tại Khu di tích lịch sử 27-7. Ảnh: TƯ LIỆU |
Vào tháng 6-1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm “Để đồng bào có dịp bày tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh”.
Thực hiện ý kiến của Hồ Chủ tịch, đầu tháng 7-1947, Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập, mở cuộc họp tại huyện Đại Từ, nhất trí đề nghị Chính phủ lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc.
Bác Hồ đồng ý với đề nghị của Ban vận động. Bác viết thư cho Ban: “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh... Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của cả các nhân viên ở Phủ Chủ tịch. Cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.
Ngày 27-7-1947, dưới gốc đa cổ thụ tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta. Từ đây, đất nước ta đã có một ngày chính thức để tưởng nhớ, ghi công, đền ơn đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ và những gia đình thương binh, liệt sĩ.
Khu di tích 27-7 ở xóm Bàn Cờ đã trở thành biểu tượng cho truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Để ghi nhớ công lao to lớn của Bác Hồ vĩ đại và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, ngày 3-2-1997, Bộ LĐTBXH đã khởi công xây dựng nhà tưởng niệm, trưng bày truyền thống, khuôn viên di tích với tổng diện tích 3.000m2. Công trình được đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-1997.
Khu di tích có khuôn viên rộng, hồ sen đẹp, có cổng tam quan, sân hành lễ... Nổi bật giữa khuôn viên của khu di tích, ngay trước nhà tưởng niệm là bia đá. Bia là tảng đá vân mây trắng hình nón, cao hơn 3m, rộng gần 3m, nặng gần 7 tấn, ghi: “Nơi đây ngày 27-7-1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ của nước ta”.
Nằm trong khuôn viên Khu di tích còn có Nghè Ông, là nơi thờ tiến sĩ Đồng Doãn Khuê, sinh năm 1701 tại làng Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736). Nghè Bà thờ công chúa Mai Hoa. Mùng 7 Tết Nguyên đán hàng năm, bà con nhân dân nơi đây sắm lễ vật mở hội vui xuân tại Nghè thành tâm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn là một trong những công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn, đáp ứng được nhu cầu của khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tưởng nhớ công lao của Hồ Chủ tịch và các Anh hùng liệt sĩ, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh sơn thủy. Hơn nữa, đây còn là điểm nối tuyến tham quan Khu du lịch Hồ Núi Cốc với các điểm di tích lịch sử cách mạng An toàn khu Định Hóa và Tân Trào, Tuyên Quang.
MINH QUỐC