.
KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27-7-1947 – 27-7-2018)

Vượt qua nỗi đau, tiếp bước truyền thống gia đình

Cập nhật: 15:10, 23/07/2018 (GMT+7)

Nén nỗi đau mất người thân, những người vợ, người con liệt sĩ đã tiếp bước truyền thống vẻ vang của gia đình, vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (94 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu, là con liệt sĩ Nguyễn Tấn Lâm) và chồng ôn lại những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (94 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu, là con liệt sĩ Nguyễn Tấn Lâm) và chồng ôn lại những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (hiện ngụ tại số 94 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) là con của liệt sĩ Nguyễn Tấn Lâm. Năm 1961, khi bà Oanh mới 10 tuổi, má bà bị địch sát hại do kiên quyết không gọi chồng đang tham gia cách mạng về chiêu hồi. Má mất, ba đang tham gia kháng chiến nên bà Oanh cùng 3 người em chuyển về sống với bà ngoại tại huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Năm 1963, khi nhà ngoại bị giặc đốt, người dân trong xóm bị dồn ép vào ấp chiến lược, gia đình bà chuyển từ Cần Giờ đến Vũng Tàu sinh sống. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 12 tuổi, bà Oanh đi theo con đường cách mạng của ba. Bà Oanh được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở mật trong đội ngũ thanh niên, làm giao liên đưa thư và đưa cán bộ đến các cơ sở mật trong nội thành Vũng Tàu. Ngoài ra, bà còn làm công tác binh vận, tổ chức và chuẩn bị cơ sở, vật chất cho giải phóng Vũng Tàu. Năm 1968, một mất mát to lớn nữa lại đến với gia đình bà Oanh khi ông Nguyễn Tấn Lâm - ba của bà, chiến sĩ Tiểu đoàn 445 tỉnh Bà Rịa-Long Khánh đã hy sinh. Lúc đó, bà Oanh mới 17 tuổi. Nén nỗi đau mất ba, bà Oanh tiếp tục tích cực tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày Vũng Tàu giải phóng. 

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Oanh tham gia công tác chính quyền và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu. Với cương vị này, bà Oanh luôn quan tâm, hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Không chỉ có những đề xuất kịp thời để giải quyết nhanh chóng và công bằng cho người có công, bà còn đề xuất vận động hỗ trợ sửa chữa hàng trăm ngôi nhà dột nát cho hộ nghèo. Năm 2007, bà nghỉ hưu theo chế độ. Bà Oanh chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng giáo dục các con (bà có 3 người con và đều là đảng viên-PV) làm việc gì cũng phải tận tâm, tận tình, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công để tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình”. 

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, trước sự hy sinh của chồng, nhiều người vợ đã nuốt nước mắt vào lòng, tiếp tục đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc. Bà Trần Thị Hằng (quê ở xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, hiện ở ấp Phước Tân 4, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) là một trong những tấm gương vợ liệt sĩ đã kiên cường vượt qua nỗi đau mất chồng để hoàn thành nhiệm vụ. Bà Hằng nhớ lại: “Năm 1972, nhận được giấy báo chồng hy sinh tại chiến trường miền Nam, tôi đã khóc hết nước mắt. Vượt lên nỗi đau, tôi vừa dạy học, vừa tham gia lực lượng dân quân du kích tại xã Quỳnh Sơn và nuôi dạy người con gái duy nhất trưởng thành”. 

Năm 1982, bà Hằng chuyển công tác vào dạy học tại xã Phước Lễ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (nay là TP.Bà Rịa). Suốt 17 năm công tác, bà không chỉ là giáo viên dạy giỏi, mà còn là Chủ tịch Công đoàn trường năng động, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, nhân viên. Sau khi nghỉ hưu, bà Hằng tiếp tục tham gia công tác xã hội như: tổ trưởng tổ dân cư, tổ trưởng tổ phụ nữ, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi ấp. Với những đóng góp tích cực cho công tác xã hội, bà Hằng được nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và UBMTTQVN tỉnh. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết (hiện ngụ tại khu phố 4, phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa, là con liệt sĩ Trần Văn Tấn và là vợ liệt sĩ Phạm Văn Vi) cũng phải nén nỗi đau mất chồng, mất cha để nuôi dạy con cái nên người. Sau khi về hưu đến nay, bà Tuyết tích cực làm công tác từ thiện và tham gia các cuộc vận động xóa đói giảm nghèo ở địa phương. 

Còn với bà Phạm Thị Tuyết (hiện ngụ tại ấp Bắc I, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa, là vợ liệt sĩ), sau khi chồng hy sinh, bà tiếp tục tham gia cách mạng, làm y tá quân y cho K76A, Đoàn 84. Đất nước giải phóng, bà làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Long, nhân viên Bệnh viện Bà Rịa. Năm 1992, bà Tuyết nghỉ hưu và tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Theo bà Huỳnh Mỹ Kiên, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐTBXH), trên địa bàn tỉnh BR-VT hiện có hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ. Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thân nhân các liệt sĩ đã vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, có nhiều đóng góp cho quê hương. Trong đó, nhiều tấm gương vợ, con liệt sĩ được Bộ LĐTBXH tôn vinh, biểu dương vì có nhiều đóng góp cho xã hội.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.