.
PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN

Chủ động phòng chống cháy tại chung cư, nhà cao tầng

Cập nhật: 16:17, 30/07/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, Cảnh sát PCCC tỉnh thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại các chung cư và nhà cao tầng (CC-NCT). Đây là một trong những giải pháp nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại các CC-NCT.

Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra hệ thống máy bơm nước chữa cháy tại chung cư An Bình (phường 10, TP.Vũng Tàu).
Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra hệ thống máy bơm nước chữa cháy tại chung cư Bình An (phường 10, TP.Vũng Tàu).

TĂNG CƯỜNG THỰC TẬP CHỮA CHÁY 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 chung cư cao tầng và 10 nhà cao tầng. Nhằm phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ xảy ra tại các CC-NCT, thời gian qua, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC, Cảnh sát PCCC tỉnh còn tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn, thực tập phương án chữa cháy và CNCH sát với điều kiện thực tế của từng CC-NCT. 

Mới đây, ngày 28-7, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC tỉnh) tổ chức tập huấn PCCC và kỹ năng thoát nạn cho hơn 250 hộ dân đang sinh sống tại chung cư Bình Giã Resident (phường 8, TP.Vũng Tàu). Tại buổi tập huấn, các hộ dân đã được phổ biến một số quy định pháp luật liên quan đến PCCC, phân tích các nguyên nhân có thể xảy ra cháy nổ trong các hộ gia đình ở chung cư, hướng dẫn và thực hành cách sử dụng thiết bị chữa cháy, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ tại CC-NCT.

Trước đó, chiều 7-7, tại chung cư DIC Phoenix (Khu đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu), Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH với sự tham gia của hơn 150 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và lực lượng chữa cháy cơ sở. Sau khi xảy ra vụ cháy giả định (do chủ một căn hộ đun nấu bằng bếp gas nhưng quên tắt bếp dẫn đến cháy), nhờ sự chủ động ứng phó ban đầu của lực lượng chữa cháy tại chỗ của chung cư Phoenix, sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng giữa các lực lượng tham gia chữa cháy theo sự chỉ huy thống nhất của Cảnh sát PCCC tỉnh, người dân trên các tầng đã được đưa xuống đất an toàn, đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau khoảng nửa giờ. Ông Trương Văn Thái, ngụ tại tầng 10 lô B, chung cư DIC Phoenix nói: “Những buổi thực tập chữa cháy và CNCH như thế này rất hữu ích, giúp người dân sinh sống ở chung cư bổ sung kiến thức thoát nạn an toàn khi có sự cố xảy ra trên thực tế”. Còn ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Ban Quản lý chung cư DIC Phoenix chia sẻ: “Buổi thực tập chữa cháy này là bài học trực quan sinh động về công tác chữa cháy, cứu hộ cho lực lượng chữa cháy của chung cư. Đồng thời, cũng là dịp trang bị một số kỹ năng thoát nạn của người dân đang sống nơi đây”.

Theo Đại tá Nguyễn Tấn Chí, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, Cảnh sát PCCC đã phối hợp các lực lượng tổ chức thực tập 80 phương án chữa cháy, CNCH tại các cơ quan, tổ chức, DN, chợ, trung tâm thương mại, CC-NCT... Việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH ở những địa điểm tập trung đông người là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với các CC-NCT. Các buổi thực tập nhằm đánh giá hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng chữa cháy cơ sở với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, kiểm tra hệ thống trang thiết bị, phương tiện PCCC tại cơ sở. Các buổi thực tập cũng là dịp kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức về công tác PCCC đối với các hộ dân, cơ sở kinh doanh tại các CC-NCT trên địa bàn tỉnh. 

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG THOÁT NẠN

Theo các chuyên gia PCCC, các CC-NCT là nơi tập trung đông người. Không phải ai sinh sống, làm việc tại đây cũng có ý thức phòng ngừa cháy, nổ nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn. Do vậy, cư dân trong CC-NCT phải thường xuyên tự tìm hiểu, tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng thoát nạn và hướng dẫn mọi người cùng tham gia thực hiện.

Khi phát hiện cháy trong căn hộ nơi mình đang sống, người dân cần thực hiện ngay việc cắt nguồn điện (ngắt cầu dao, đóng aptomat), cắt nguồn gas trong căn hộ; Báo động cho mọi người trong căn hộ biết đang xảy ra sự cố cháy để thoát nạn ra ngoài; Báo động toàn bộ tòa nhà bằng cách ấn nút hệ thống báo cháy tự động, hô to nhiều lần “cháy, cháy, cháy” cho mọi người ở các căn hộ liền kề biết để cùng tham gia chữa cháy và thoát nạn; Hướng dẫn mọi người trong gia đình thoát nạn ra ngoài theo lối cầu thang thoát hiểm; Tìm nơi lấy phương tiện chữa cháy tại nơi thường bố trí như hành lang, chiếu nghỉ cầu thang... để chữa cháy; Phối hợp chữa cháy và thoát nạn theo hướng dẫn của đội PCCC cơ sở của tòa nhà.

Trường hợp đám cháy xảy ra ngoài căn hộ, trước khi thoát nạn ra ngoài, người bên trong căn hộ cần kiểm tra nhiệt độ bên ngoài bằng cách chạm tay vào tay nắm hoặc vách cánh cửa chính, nếu nóng thì nhiệt độ bên ngoài cao, còn không nóng thì nhiệt độ bên ngoài thấp. Nhằm tránh lửa, khói tạt vào gây bỏng và ngạt khói, cần mở từ từ và hé cánh cửa, sau đó cẩn thận thoát ra ngoài và di chuyển theo sự hướng dẫn của lực lượng tham gia chữa cháy. 

Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trong tòa nhà sẽ sản sinh nhiều khói và các sản phẩm cháy độc hại có thể gây cản trở quá trình thoát nạn và ảnh hưởng tới sức khỏe, do đó, mọi người nên chuẩn bị cho mình các dụng cụ phòng hộ như khẩu trang, khăn mặt ướt, mặt nạ phòng độc... Khi di chuyển từ căn hộ đến cầu thang thoát nạn gần nhất, mọi người nên đi thấp, cúi người xuống sàn để tránh khói và sản phẩm cháy độc hại. 

Trong quá trình thoát nạn ra ngoài tòa nhà, mọi người cần bình tĩnh, tránh việc xô đẩy chen lấn, cần ưu tiên người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai, đồng thời chú ý lắng nghe chỉ dẫn của lực lượng tham gia chữa cháy. Trường hợp được lực lượng cứu hộ giải thoát bằng dây đu, phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của người giải cứu.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.