Không việc gì phải sợ!
- Ông đã nhận được “Lệnh tạm giam” qua tin nhắn điện thoại chưa?
- Hỏi gì kỳ vậy cha nội. Ông có còn là bạn của tui không?
- Thì chính vì bạn bè, tui mới hỏi ông câu đó đây.
- Tui làm gì mà phải bắt tạm giam? Bậy bạ!
- Ồ, vậy là ông chưa rõ vấn đề. Gần đây có một thủ đoạn lừa đảo mới: Bọn tội phạm công nghệ cao một mặt gọi điện cho nạn nhân, nói bạn đang dính vào một đường dây buôn ma túy, mặt khác để ép-phê, chúng gửi “Lệnh tạm giam” của Tòa án Nhân dân Tối cao, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chúng kiểm tra sạch hay bẩn.
- Hừm, lại có chiêu trò đó nữa!
- Ừ, mới toanh và đã có người dính bẫy: Sau khi nhận “Lệnh tạm giam” qua tin nhắn, vì quá sợ hãi, một nạn nhân ở BD đã vội vã chuyển hơn 2 tỷ đồng theo yêu cầu của chúng.
- Hừm, sao mà yếu bóng vía vậy. Gặp tui còn khuya mới mắc lừa.
- Nói cứng dữ hén?
- “Cứng” bởi vì tui biết trên nguyên tắc, cơ quan công an không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại. Việc tống đạt lệnh bắt tạm giam cũng vậy. Khi cần, họ sẽ mời lên làm việc bằng cách gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập thông qua cảnh sát khu vực.
- Haiz, nếu ai cũng hiểu rõ nguyên tắc làm việc của công an như ông thì đâu đến nỗi mắc lừa bọn lừa đảo. Đến khi định thần lại thì tiền tỷ đã mất, công an “dỏm” đã cao chạy xa bay.
- Vậy thì nhờ ông chuyển dùm ý kiến chân tình, nho nhỏ của tui…
- Là ý gì?
- Nếu là người ngay thì không việc gì phải sợ những lời hù dọa qua điện thoại.
SÁU BẾN ĐÌNH