.

Nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người

Cập nhật: 17:17, 30/07/2018 (GMT+7)

Ngày 30-7, tại Hà Nội, Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo rà soát công tác thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn (2016-2018). 

Giới thiệu về Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, bà Phạm Mai Hiên, Phó Trưởng phòng 9, Cục Tham mưu cảnh sát, Bộ Công an cho biết, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình 130/CP) bao gồm 5 đề án: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người; Đấu tranh chống tội phạm mua bán người; Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Chương trình được thực hiện với mục tiêu hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa mua bán người, làm giảm nguy cơ bị mua bán, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm mua bán người và xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân, người thân thích của họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Các cơ quan liên quan tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, chú trọng trao đổi, phối hợp trực tiếp để giải quyết từng vấn đề, vụ việc, đồng thời tích cực nghiên cứu, xây dựng tiến tới ký kết văn bản hợp tác mới. 

Về hiệu quả thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người từ năm 2016 đến nay, ông Đinh Văn Trình, Phó Phòng phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, chia sẻ: Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện gần 400 vụ án mua bán người với 600 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân. Khoảng 90% số nạn nhân trong các vụ mua bán người là phụ nữ, trẻ em gái độ tuổi phổ biến từ 15 đến dưới 30 tuổi. 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2019-2020, ông Đinh Văn Trình cho rằng, cần huy động sức mạnh đồng bộ và sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Các cơ quan thường trực và các thành viên đề án tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, coi tuyên truyền là biện pháp quan trọng trong chiến lược phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người. Các địa phương cần lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm mua bán người với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; Tuyên truyền để mọi gia đình, người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, về trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, từ đó chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. 

HỒNG ĐIỆP

.
.
.