.

Đừng tự ý "gút" mọi chuyện

Cập nhật: 14:30, 27/07/2018 (GMT+7)

Thời gian mới cưới nhau, hễ có chuyện gì, dù lớn dù nhỏ, hai vợ chồng cũng bàn bạc, trao đổi. Chuyện của người này, người kia đều biết để cùng san sẻ, lo lắng và ngược lại, chẳng có gì phải giấu giếm. Điều ấy, không chỉ thể hiện sự tin cậy lẫn nhau mà còn là một cách bày tỏ lòng yêu thương. Vợ chồng ăn đời ở kiếp, như răng với môi thì phải chọn cách ứng xử như vậy.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Đáng tiếc, sau một thời gian chung sống, có người lại quên đi “nguyên tắc” đó, họ không thèm hỏi han, tham khảo ý kiến của người luôn “sát sườn” bên cạnh. Đến lúc sự việc vỡ lở, người chồng/vợ mới ngớ ra, ngẩn tò te như thể vừa trên trời rơi xuống đất.

Tuần trước, khi đi làm về, anh Tụy ngạc nhiên khi thấy trong nhà mình có mấy người lạ. Thấy họ ăn mặc lịch sự, nói năng điềm đạm, cứ ngỡ là bạn cũ của vợ, anh gật đầu chào. Nhưng rồi anh lùng bùng lỗ tai, tim  đập thình thịch khi nghe vợ giới thiệu: “Những người này thuộc công ty môi giới mua bán nhà đó anh”. Tụy cảm thấy có điều gì không ổn, rồi sực nhớ đã lần nọ, cô vợ cho biết có ý định bán căn nhà đang ở, vay tiền ngân hàng đổi qua nhà lớn hơn. Lúc ấy, anh cứ tưởng vợ mình nói cho vui nên không mấy quan tâm. 

Mà cũng đúng thôi, mua bán nhà đâu phải chuyện giỡn chơi. Còn phải bàn luận, cân nhắc chán chê chứ đâu thể muốn là được. Sau đó, Tụy quên béng, nào ngờ, “Không tin được dù đó là sự thật”. Trước tình huống oái ăm này, Tụy ngồi thừ người ra nghe họ trao đổi mà cáu tiết, bực bội. Nhưng chẳng lẽ nổi nóng khi nhìn họ đi đứng săm soi, đánh giá, chất lượng căn nhà? Cuối cùng, tìm cách tống khứ họ đi cho rảnh mắt, càng nhanh càng tốt, Tụy bèn bước xuống bếp và cố tình đánh rơi chén, bát, xoong, nồi loảng xoảng. Biết chồng đang giận, không hài lòng bằng cách “đá thúng đụng nia”, cô vợ bèn lựa lời… tiễn khách. 

Sau đó, vợ chồng Tụy nổ ra trận cãi chí chóe. Đành rằng, đổi nhà lớn hơn là cần thiết, nhưng cả hai nào có bàn bạc gì cụ thể, vẫn chưa “gút lại” kia mà? Vậy mà vợ anh đã tự ý cho người đến xem nhà, ngã giá. Chẳng ai có thể chấp nhận với tình huống đó, họ cảm thấy tự ái ghê gớm. Vậy hóa ra, mình chỉ là “bù nhìn” trong căn nhà này à? 

Những trường hợp tương tự xảy ra, có lẽ do người này nghĩ rằng “một nửa”  không rành về việc đó, vấn đề đó, do đó, không cần phải trao đổi. Thôi thì, tự mình hoặc tham khảo thêm bạn bè rành về lãnh vực đó, chuyên môn đó là đủ rồi. 

Một ngày đẹp trời, bạn bè tôi hoảng hồn khi nhận được tin nhắn của vợ chồng Nguyệt. Cả hai cùng chuyển một nội dung na ná nhau, cho biết sắp chia tay. Cớ làm sao lại xảy ra chuyện trầm trọng này? Ai khác thì không ngạc nhiên, chứ vợ chồng Nguyệt dù có cho kẹo cũng chẳng dám nghĩ đến điều đó. Hôn nhân của họ từng được bạn bè khen “song kiếm hợp bích”, hạnh phúc “trên cả tuyệt vời”. Mọi người tha hồ nghĩ đến những tình huống gay cấn, hắc ám nhất. 

Vậy nguyên nhân do đâu? Để trả lời câu hỏi hóc búa này, bạn bè hẹn ngày chủ nhật cùng gặp vợ chồng Nguyệt tại quán cà phê. Đúng giờ hẹn, thật ngạc nhiên khi chúng tôi thấy họ đi trên chiếc xe hơi cáu cạnh, đời mới. Choáng quá đi mất. Vừa sắm xe mà lại đòi chia tay là sao? Ngạc nhiên ghê. 

Qua câu chuyện họ kể, chúng tôi mới rõ sự tình: Có lần, Thế - chồng Nguyệt tâm tình muốn mua “xế hộp”, cô vợ chỉ cười: “Ừ, có thì cũng oách đấy anh”. Nói thì nói thế, dù có “bói” đâu cũng không đủ tiền. Mọi chi phí trong nhà, các khoản chi tiêu, dành dụm đã phân chia đâu ra đó rồi, làm gì còn thừa nhiều tiền mà mua với sắm? Vì thế, sau đó, Nguyệt không nghĩ đến nữa, chỉ xem như câu nói vui của chồng. Mà sống trên đời làm sao cấm người khác không được có quyền mơ ước? 

Vậy mà “đùng một cái”, như mọi ngày, khi đẩy cửa vào nhà, Nguyệt suýt xỉu khi thấy chiếc xe hơi chình ình giữa sân. “Đó! Vui chưa? Thích chưa? Từ đây, mẹ con em muốn đi chơi đâu, về quê thăm nội, ngoại à, có ngay. Tài xế thuộc hạng “tay lái lụa” đây!”. Thế hồ hởi, nói năng rổn rảng, vui như tết. “Xe của nhà mình đó em”. Nguyệt ngẫm nghĩ: “Chồng mình vừa trúng số à? Làm gì có chuyện đó, vậy tiền ở đâu?”. 

Câu hỏi tổ chảng ấy, được trả lời chắc như bắp rang: Thế rút tiền tiết kiệm đã gửi ngân hàng lâu nay. Vậy là xong! Còn gì để nói nữa? Kế hoạch sửa nhà xem như “phá sản”. Ngược lại, Thế cũng có cái lý là chuyện sửa nhà, chưa cấp bách bằng công việc làm ăn. “Thời buổi này, hình thức bề ngoài quan trọng lắm. Giao tế làm ăn, ký kết hợp đồng với đối tác mà đi chiếc xe cùi bắp, ai tin?”. Thế còn thòng thêm: “Hơn nữa, có xe mới cũng là nhằm phục vụ cho vợ con, chứ mất đi đâu?”. Nguyệt gào lên: “Ừ, cứ cho là thế, sao trước khi mua anh không bàn với em? Anh thích loại xe đó, anh một mình đi nhé, chớ hòng có mặt mẹ con em”. Thế phân bua: “Em biết gì về xe với cộ mà bàn với bạc”. Cuối cùng, nhờ sự can thiệp kịp thời của bạn bè mà Nguyệt mới tạm nguôi ngoai.

Những trường hợp tương tự, do không là người trong cuộc, không hiểu nội tình nên người ngoài khó phân định đúng/sai. Ai cũng cho “cái lý” của mình là đúng. Mà ở đây, chưa bàn tới điều đó, chỉ nói về “cái tình”. Nếu trước đó họ cùng tâm tình, bàn bạc, trao đổi để “nhất trí trăm phần trăm” thì vẫn tốt hơn. Nghĩ sâu xa, hành động trên không phải “tự tung tự tác”, “chuyên quyền” mà người chồng/vợ chỉ có ý tốt không muốn “nửa kia” bận tâm suy nghĩ, cứ để họ “ra tay” là xong. Có thể sự việc diễn ra ưng ý nhưng giữa họ lại khó tránh được sự mâu thuẫn. Huống gì nhỡ sau này, sự việc hỏng bét thì sao?

LÊ MINH QUỐC 

 
.
.
.