Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại 60 ngàn tỷ đồng do thiên tai
Sáng 26-7, tại TP.Cần Thơ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị “Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2018”. Thông tin tại hội nghị cho biết, từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 và trong năm 2017, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ đã làm cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiệt hại khoảng 60 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cảnh báo: “Trong những năm gần đây thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường, cả về cường độ lẫn tần suất, gây thiệt hại nặng về tài sản và tính mạng người dân. Đặc biệt là hạn hán ở ĐBSCL cuối năm 2015, đầu năm 2016 và bão lụt trong năm 2017 đã làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng. Năm 2018, nhiều người hy vọng thời tiết hiền hòa hơn nhưng thực tế lại tiếp tục phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, xuất hiện nhiều đợt mưa lớn gây ngập lụt ở miền Bắc, với nhiều mốc lịch sự bị phá vỡ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng phức tạp, nhất là mùa mưa bão, gây nhiều thiệt hại cho người dân. |
Nhiều nước trên thế giới cũng chịu thiệt hại nặng do sự bất thường của thiên tai như lũ lụt, nắng nóng ở Nhật Bản; bão lụt ở Trung Quốc; đặc biệt mới đây là sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, gây thiệt hại rất lớn… Ở khu vực miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội; nhưng cũng là vùng đất nhạy cảm dễ tổn thương do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Vì vậy, các địa phương cần chủ động ứng phó với thiên tai một cách cao nhất, nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra”.
Trong khi đó, các cơ quan Khí tượng thủy văn đưa ra cảnh báo, tình hình nước lũ ở khu vực ĐBSCL đang lên nhanh. Dự báo đến cuối tháng 7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,20m, trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,80m, cao hơn 0,2-0,4m so với cùng kỳ năm 2017.
Theo nhận định, đỉnh lũ cao nhất năm 2018 tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, dao động ở mức trên báo động 2; còn đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực Đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10, ở mức báo động 2…
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất, đời sống và an toàn tính mạng người dân.
Người dân vùng biển Bình Đại (Bến Tre) chằng chống nhà cửa đề phòng mưa bão. |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng, theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì khoảng cuối tháng 7, lượng nước từ sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, ở tỉnh Attapeu, Lào, sẽ về 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp với mực nước tăng thêm từ 7-8 cm, không đáng kể.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ở ĐBSCL nhận định: “Vụ vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang là vấn đề nóng và đáng lo ngại. Tuy nhiên, trước mắt vấn đề vỡ đập điện ở Lào có gây ảnh hưởng cho vùng ĐBSCL hay không và như thế nào, thì chưa đánh giá ngay được. Song, việc này cho thấy vỡ đập thủy điện trên dòng chính Mekong là đáng lo ngại cho Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL... Đây thật sự là bài học "xương máu" trong xây dựng đập, kế hoạch đề phòng vỡ đập, kế hoạch di tản dân khi gặp sự cố…”.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng PCTT-TKCN tỉnh An Giang cho biết, tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ… nhằm đảm bảo an toàn sản xuất lúa, tài sản người dân, trước dự báo ảnh hưởng của lũ lên, triều cường, mưa bão và sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.
Tỉnh An Giang yêu cầu các ngành, các huyện… theo dõi chặt chẽ tình hình nước lên, triều cường, lũ để kịp thời cảnh báo, chủ động phương án ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa, lũ.
NGỌC DÂN - VĂN DUY
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)