.

TP. Vũng Tàu sắp xếp lại quy mô trường lớp

Cập nhật: 17:30, 26/07/2018 (GMT+7)

Năm học 2018-2019, TP.Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện sắp xếp lại quy mô trường lớp. Việc này nhằm giải quyết hàng loạt khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất trường học trong bối cảnh số học sinh đến trường ngày một tăng. 

Học sinh Trường MN Ánh Dương (TP.Vũng Tàu) trong giờ học.
Học sinh Trường MN Ánh Dương (TP.Vũng Tàu) trong giờ học.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ 4 PHƯƠNG ÁN

Thời gian qua, ngành giáo dục TP.Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên (GV). Cụ thể, từ năm học 2015-2016 đến nay, số HS trên địa bàn thành phố đến trường tăng 4%/năm (khoảng 2.200 em). Để đáp ứng nhu cầu học tập của HS, ngành giáo dục TP.Vũng Tàu cần thêm khoảng 250 biên chế GV cho mỗi năm học. Tuy nhiên, qua nhiều năm, biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố vẫn chỉ được giao ổn định ở con số 3.130 chỉ tiêu. Trước thực trạng này, đầu năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các trường học tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng của ngành GD-ĐT và xây dựng phương án “Sắp xếp tổ chức và điều chỉnh quy mô trường, lớp phù hợp với biên chế được giao tại TP.Vũng Tàu năm học 2018-2019”. 

Nói về phương án trên, ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT cho hay, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ 4 phương án. Thứ nhất, xác định lại tỷ lệ HS và định mức GV/lớp. Đối với cấp MN, cố gắng giảm sĩ số HS/lớp, thực hiện tỷ lệ bình quân 33 HS/lớp, bố trí 2 GV/lớp; Đối với cấp TH, tăng sĩ số lên 37 HS/lớp, bố trí 1,33 GV/lớp; Cấp THCS tăng sĩ số lên 40 HS/lớp, bố trí 1,81 GV/lớp. Thứ hai, thực hiện bố trí kiêm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ. Từ năm 2018-2019, cấp MN sẽ bố trí 2 biên chế để đảm nhiệm 4 vị trí: Kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế học đường; Cấp TH bố trí 4 biên chế để thực hiện nhiệm vụ của 6 vị trí việc làm; Cấp THCS bố trí 5 biên chế cho 6 vị trí việc làm. Các cấp học thực hiện tinh giản nhóm nhân viên bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn. Song song với 2 phương án trên, trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục còn sáp nhập 10 trường MN có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn thành 5 trường. Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành thành lập mới 2 trường MN, 1 trường TH để đưa vào sử dụng trong năm học này.

Theo bà Đặng Kim Lanh, Trưởng Phòng Nội vụ TP.Vũng Tàu, phương án sắp xếp tổ chức và điều chỉnh lại quy mô trường lớp đem lại nhiều thuận lợi về mặt nhân sự. Khi áp dụng phương án xác định lại sĩ số HS và định mức GV/lớp sẽ giảm được 25 lớp học, tiết kiệm được 54 chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn bảo đảm duy trì học 2 buổi/ngày cũng như học bán trú của HS bậc TH. Cùng với đó, phương án bố trí nhân viên kiêm nhiệm tiết kiệm được 31 chỉ tiêu biên chế đã giao; Việc sáp nhập trường tiết kiệm được 31 chỉ tiêu biên chế. Như vậy, thực hiện cuộc “cách mạng” về quy mô trường lớp, trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục thành phố sẽ tiết kiệm được 116 biên chế, trong đó có 62 biên chế gián tiếp. Số biên chế này được bố trí lại tại các trường học thành lập mới do nhu cầu tăng HS trong năm học. Về phía nhân sự hiện có, theo phương án trên, có 102 viên chức cần sắp xếp, bố trí lại, trong đó có 10 hiệu trưởng, 13 phó hiệu trưởng.

Để thực hiện sự công bằng và đánh giá đúng năng lực của cán bộ quản lý trường học, cũng như việc sắp xếp, bố trí lại giáo viên do cơ cấu lại trường lớp, UBND TP.Vũng Tàu đã triển khai các giải pháp sắp xếp, bố trí giáo viên, nhân viên dôi dư vào vị trí của các trường còn biên chế; Đồng thời sắp xếp cán bộ quản lý của 10 trường sáp nhập thông qua hình thức báo cáo chương trình hành động trước Hội đồng tuyển chọn của thành phố. Qua đánh giá, Hội đồng sẽ tuyển chọn để bố trí lại cán bộ quản lý có trình độ, năng lực phù hợp. Các trường hợp còn lại sẽ được bố trí vị trí công tác khác hoặc thực hiện tinh giản biên chế. 

Bà Đặng Kim Lanh đánh giá, với phương án sắp xếp tổ chức, cơ cấu quy mô trường lớp trong ngành giáo dục, UBND TP.Vũng Tàu đã từng bước sắp xếp thu gọn đầu mối và thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương và kế hoạch của tỉnh. Qua đó, đã giảm 5 trường, đồng thời giảm được 116 biên chế (chiếm 3,7% biên chế sự nghiệp giáo dục được giao năm 2015). Không chỉ vậy, phương án sắp xếp lại quy mô trường lớp còn góp phần từng bước giảm sĩ số HS với cấp MN, tiếp tục thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày ở cấp TH và giúp ngành giáo dục chủ động về nhân sự trong năm học mới.

THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN 

Theo ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu, số HS của các lớp ở cấp TH, THCS tăng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục HS, ít nhiều ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp và chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Bên cạnh đó, những trường đã xây dựng trước năm 2014 có diện tích khá nhỏ cũng gây khó khăn trong việc sắp xếp thêm bàn ghế cho HS. 

Để giải quyết khó khăn về nhân sự, bà Đặng Kim Lanh, Trưởng Phòng Nội vụ TP.Vũng Tàu kiến nghị UBND tỉnh giao biên chế sự nghiệp giáo dục cho thành phố phù hợp với tình hình thực tế. Khi giao biên chế, đề nghị chỉ giao tổng biên chế (không giao cho từng cấp học) nhằm tạo sự chủ động cho địa phương. Cùng với đó, đề nghị UBND tỉnh giao bổ sung chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68 cho các vị trí nấu ăn, bảo vệ tại các trường thành lập mới.

Ông Phạm Văn Ngọc cho rằng, để giải quyết những khó khăn trước mắt, các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành cơ chế, chính sách chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập sang cơ chế tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện mô hình liên kết công-tư trong phát triển sự nghiệp giáo dục, rà soát quỹ đất công để mời gọi nhà đầu tư xây dựng trường mới... Đồng thời, tiến hành đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ cho phù hợp với tình hình mới để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Tháng 6-2018, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo định hướng thực hiện dồn lớp, tăng sĩ số HS/lớp, sáp nhập, hợp nhất với các trường học quy mô nhỏ, gần địa bàn để bảo đảm tinh gọn đầu mối, giảm biên chế ở cấp quản lý, nhân viên không trực tiếp giảng dạy; Đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt ở cấp mầm non; Cho phép việc điều động biệt phái giáo viên trong cùng một địa bàn để bảo đảm số tiết theo tiêu chuẩn và giảm được định biên giáo viên ở mỗi huyện, thị xã, thành phố. 

 (Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT)

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.