.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: Hỗ trợ kịp thời cho người yếu thế

Cập nhật: 18:29, 15/05/2018 (GMT+7)

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động (từ tháng 10-2014 đến nay), cùng với hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh đã phát huy vai trò trong can thiệp, tư vấn, hỗ trợ những người bị tổn thương về mặt tâm lý, thân thể, người rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm ở cộng đồng. Trả lời phỏng vấn của Báo BR-VT, bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết: 

Anh Nguyễn Khắc Sỹ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy (huyện Tân Thành).
Anh Nguyễn Khắc Sỹ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy (huyện Tân Thành).

Tháng 10-2014, Trung tâm Bảo trợ cô nhi khuyết tật Bà Rịa được đổi tên thành Trung tâm CTXH tỉnh và bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ cung cấp dịch vụ CTXH. Từ đó đến nay, cùng với hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, Trung tâm đã triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động trong lĩnh vực CTXH như: Can thiệp hỗ trợ, tư vấn, tham vấn hướng dẫn các chính sách, pháp luật về tiếp nhận trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cho các cơ sở tôn giáo nuôi dạy trẻ ngoài công lập; Giáo dục, hướng nghiệp, hỗ trợ bồi dưỡng văn hóa, định hướng nghề nghiệp cho trẻ khi đến tuổi trưởng thành; Thực hiện quản lý các đối tượng tại cộng đồng, theo dõi, lập hồ sơ quản lý ca; Tập huấn kỹ năng nghề CTXH cho các cộng tác viên; Phối hợp với Công ty Giáo dục Kids Time Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) mở lớp kỹ năng sống cho trẻ tại Trung tâm và trẻ ngoài cộng đồng. 

Riêng trong năm 2017, Trung tâm đã hỗ trợ, tư vấn, tham vấn hướng dẫn các chính sách, pháp luật cho 192 trường hợp (trong đó: 132 trường hợp tư vấn qua điện thoại, 60 ca tư vấn trực tiếp); Hỗ trợ khẩn cấp, tiếp nhận 13 trường hợp tạm lánh; Kết nối với Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa hỗ trợ bồi dưỡng văn hóa, định hướng nghề nghiệp cho các em khi đến tuổi trưởng thành; Lập hồ sơ quản lý 25 trường hợp… 

* Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm còn gặp những khó khăn gì trong quá trình hoạt động, thưa bà? 

- Hiện nay, việc hình thành và phát triển mạng luới cộng tác viên (CTV) CTXH cấp xã còn gặp nhiều khó khăn. Theo Quyết định 1126/QĐ-UBND ngày 29-5-2015 của UBND tỉnh về việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng CTV CTXH ở các xã, phường, thị trấn thì mỗi xã, phường, thị trấn phải tuyển chọn 1 CTV. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương không tuyển được CTV, một số địa phương tuyển được thì CTV chỉ làm việc trong thời gian ngắn rồi không làm nữa vì mức phụ cấp thấp (khoảng 1,3 triệu đồng/tháng). Đến nay, Trung tâm mới chỉ liên kết được với 80 CTV CTXH ở các huyện, trong đó có 27 CTV chính thức, còn lại là do các chức danh trưởng thôn, ấp, khu phố, CTV phụ trách lĩnh vực trẻ em, tôn giáo dân tộc, cán bộ: Hội Chữ thập đỏ, phụ nữ, đoàn thanh niên xã kiêm nhiệm (riêng TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa chưa có CTV CTXH). Nguyên nhân chủ yếu là do yêu cầu về trình độ chuyên môn cao nhưng mức phụ cấp đối với CTV còn thấp nên khó thu hút. 

Mặc dù đã phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp. Tuy nhiên, sự liên kết phối hợp giữa các tổ, phòng CTXH của các sở, ngành với Trung tâm chưa chặt chẽ, nhất quán. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên phòng nghiệp vụ CTXH của Trung tâm chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ, quản lý ca. Vì vậy việc can thiệp xử lý tình huống khi đối tượng cần sự trợ giúp đôi khi còn lúng túng. 

* Trong thời gian tới, Trung tâm thực hiện những giải pháp gì để Trung tâm phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, mở rộng kết nối mạng lưới CTV CTXH từ cơ sở, thưa bà? 

- Trên thực tế, những đối tượng yếu thế tại cộng đồng cần sự trợ giúp chủ yếu là trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Tại các xã, phường, thị trấn, cán bộ phụ trách các lĩnh vực này là người tiếp xúc thường xuyên, dễ dàng tiếp cận và nắm chắc về hoàn cảnh của từng đối tượng. Vì vậy, trước mắt, Trung tâm sẽ liên hệ, phối hợp với các cán bộ này để nắm bắt tình hình, có hình thức tư vấn, tham vấn phù hợp với các đối tượng cần giúp đỡ. 

Ngoài ra, để xây dựng Trung tâm CTXH tỉnh trở thành địa chỉ tin cậy về CTXH, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng cách phát hành các tin, ảnh, phóng sự, in tờ rơi, pano, áp phích để các đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội hiểu được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, chủ động tìm đến Trung tâm khi cần hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên CTXH; tăng cường vận động, kết nối các nguồn lực bên ngoài, phối hợp với các phòng LĐTBXH các huyện, thành phố, các trung tâm bảo trợ xã hội trong tỉnh hỗ trợ học nghề lao động nông thôn, kết nối việc làm khi các đối tượng có nhu cầu... 

* Xin cảm ơn bà! 

TƯỜNG NGÂN
(Thực hiện)

.
.
.