.

Hưởng ứng Tháng ATVSLĐ lần thứ 2 năm 2018 (từ ngày 1 đến 31-5): Cần quan tâm xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ

Cập nhật: 19:10, 11/05/2018 (GMT+7)

Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ hướng tới huấn luyện năng lực kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc” do Chi Hội ATVSLĐ Vũng Tàu phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật an toàn ATVSLĐ Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, các đại biểu đều nhấn mạnh đến vai trò của hệ thống quản lý ATVSLĐ trong việc kiểm soát tai nạn lao động. 

Đoàn kiểm tra ATVSLĐ kiểm tra tại Công ty Cảng dịch vụ dầu khí (TP.Vũng Tàu).
Đoàn kiểm tra ATVSLĐ kiểm tra tại Công ty Cảng dịch vụ dầu khí (TP.Vũng Tàu).

GS-TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam cho biết: 60% tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; người lao động (NLĐ) không được huấn luyện an toàn. Điều này cho thấy nhiều người sử dụng lao động và NLĐ chưa quan tâm đến việc huấn luyện an toàn. Ngoài ra, năng lực của cán bộ chuyên trách huấn luyện ATVSLĐ còn yếu, việc kiểm soát và phòng ngừa yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc cũng rất hời hợt.

Một số đại biểu dự tọa đàm còn cho rằng: Hiện nay hệ thống pháp luật liên quan về ATVSLĐ còn chồng chéo; các văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước nói chung về ATVSLĐ còn bất cập...

Trước thực tế trên, nhằm cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ, các đại biểu cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại nơi làm việc. Việc áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ phải dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và hoạt động triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ. Điều này nhằm mục đích cung cấp phương pháp đánh giá và cải thiện việc thực hiện hoạt động phòng ngừa tai nạn và sự cố xảy ra tại nơi làm việc thông qua hoạt động quản lý có hiệu quả các nguy cơ và rủi ro tại nơi làm việc. Đây là phương pháp mang tính logic và theo thứ tự bậc thang nhằm quyết định điều gì cần làm, làm thế nào để thực hiện tốt nhất, quá trình giám sát nhằm hướng tới những mục tiêu đã đề ra, đánh giá mức độ thành công và ghi nhận các khu vực đã có chuyển biến tốt. Hệ thống này cần phải phù hợp với những thay đổi trong mô hình tổ chức kinh doanh và các quy định mang tính luật pháp.

Hệ thống quản lý ATVSLĐ là một quy trình được căn cứ trên nguyên tắc của một chu trình khép kín “Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động” (PDCA). 

Hệ thống quản lý ATVSLĐ là một hộp công cụ mang tính logic, linh hoạt và có thể được thiết kế riêng theo quy mô và hoạt động của cơ sở; nó tập trung vào các nguy cơ và rủi ro thông thường hoặc đặc trưng liên quan đến hoạt động của cơ sở đó.

Thực tế, thời gian qua, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực, kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản lý và huấn luyện ATVSLĐ, đưa vào áp dụng được đánh giá có hiệu quả cao trong việc làm giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động. Tại BR-VT, nổi bật có thể kể đến hệ thống quản lý và huấn luyện ATVSLĐ của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Thời gian qua, Đạm Phú Mỹ đã đề ra những quy định chặt chẽ về an toàn đối với tất cả các bộ phận vận hành; tăng cường kiểm tra các trang thiết bị cũng như tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho các bộ phận chuyên môn. Đặc biệt là nhà máy đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm người lao động đối với công tác ATVSLĐ; xây dựng được đội ngũ chuyên làm công tác an toàn lao động gồm hàng chục thành viên được huấn luyện và đào tạo sâu về nghiệp vụ công tác an toàn vệ sinh viên…          

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do các đơn vị, doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư nguồn lực, kinh phí để xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; công tác đào tạo nghề và huấn luyện ATVSLĐ tại nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ, chưa quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn sử dụng các công nghệ lạc hậu, thủ công, chưa có biện pháp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; công tác quản lý ATVSLĐ chưa có biện pháp nhận diện rủi ro để phòng ngừa, nhất là các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có tính chất rủi ro tai nạn lao động tại nơi làm việc cao.

Chính vì vậy, việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các chủ sử dụng lao động và NLĐ để chấp hành nghiêm về công tác ATVSLĐ và có giải pháp xây dựng và quản lý, huấn luyện ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp của mình nhằm hạn chế tình trạng tai nạn lao động là hết sức quan trọng và cần thiết. GS-TS Lê Vân Trình cho biết thêm, việc áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ phải dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn và hoạt động triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ. Điều này nhằm cung cấp phương pháp đánh giá và cải thiện việc thực hiện hoạt động phòng ngừa tai nạn và sự cố xảy ra tại nơi làm việc. 

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, năm 2017 toàn quốc xảy ra 7.459 vụ tai nạn lao động. Trong số này có 690 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết 710 người. Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, số vụ tai nạn lao động tăng lên rõ rệt cả về số vụ, số người bị nạn và người chết.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.