.

Nhiều thiếu sót về xử lý chất thải y tế

Cập nhật: 17:06, 27/05/2018 (GMT+7)

Trong tháng 5-2018, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đã giám sát hoạt động của các sơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, cho thấy công tác thu gom, xử lý chất thải ở các trạm y tế (TYT) và phòng khám tư nhân còn nhiều bất cập.

RÁC THẢI Y TẾ ĐỐT CHUNG VỚI RÁC THẢI SINH HOẠT

Trạm Y tế xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) tự đào hố đốt rác thải sinh hoạt, trong đó có lẫn cả rác thải y tế, vi phạm về quy định xử lý chất thải y tế.
Trạm Y tế xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) tự đào hố đốt rác thải sinh hoạt, trong đó có lẫn cả rác thải y tế, vi phạm về quy định xử lý chất thải y tế.

Theo chân đoàn giám sát, PV có mặt tại TYT xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) và ghi nhận một số sơ suất trong việc xử lý rác thải y tế. TYT này có lò đốt rác nhưng đã ngừng hoạt động, đang được tận dụng làm kho chứa dụng cụ, bàn ghế hỏng. Rác sinh hoạt hàng ngày của TYT được thu gom vào một hố sâu khoảng 1m trong khuôn viên trạm để đốt. Theo quan sát của PV, trong hố đốt rác có cả các lọ vắc-xin bằng thủy tinh, găng tay y tế đã qua sử dụng. Đây là các dạng rác thải y tế phải được xử lý đúng theo quy định.

Giải thích về việc rác thải y tế xuất hiện trong hố xử lý rác sinh hoạt, y sĩ Phan Thị Hoàng Kim, Trưởng TYT xã Phước Tân cho biết: Lò đốt rác của Trạm xây vào năm 2004, nhưng do xây không đúng quy cách và thiếu các thiết bị vận hành nên không sử dụng được. Hiện nay, rác thải y tế của Trạm được Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc (TTYT) thu gom, xử lý hàng tháng. Việc rác thải y tế xuất hiện trong hố xử lý rác sinh hoạt là do sơ ý của nhân viên y tế trong việc phân loại rác.

Tương tự, tại TYT xã Hòa Long (TP. Bà Rịa), lò đốt rác cũng đã ngưng hoạt động. Khi đi kiểm tra thực tế vào ngày 23-5, đoàn giám sát ghi nhận một túi nilon đựng vỏ thuốc, lọ vắc-xin bằng thủy tinh, đầu kim tiêm được đặt ngay cửa ra vào lò đốt rác.

Nhìn chung, tại các TYT, lượng rác thải y tế và rác thải sinh hoạt không nhiều (mỗi tuần khoảng 1-2kg) do số bệnh nhân đến khám, cấp cứu ít. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải y tế theo những cách như trên là chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Các lọ vắc-xin bằng thủy tinh được đựng trong túi nilon không được bịt kín tại lò đốt rác của Trạm Y tế xã Hòa Long (TP. Bà Rịa).
Các lọ vắc-xin bằng thủy tinh được đựng trong túi nilon không được bịt kín tại lò đốt rác của Trạm Y tế xã Hòa Long (TP. Bà Rịa).

Ở các phòng khám tư nhân, việc xử lý chất thải cũng còn nhiều bất cập. Có mặt tại Phòng khám đa khoa Bình An (372 Hùng Vương, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) vào 8 giờ sáng ngày 22-5, PV ghi nhận tại khu vực căn-tin của phòng khám, có gần chục bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ăn sáng. Bên cạnh là khu vực thu gom nước thải y tế nhưng không có bất cứ một bảng báo nào. Khi cánh cửa khu vực thu gom nước thải mở ra, mùi hắc xộc lên nồng nặc, khó chịu.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc Phòng khám đa khoa Bình An cho biết: Hệ thống xử lý nước thải y tế của phòng khám có công suất xử lý 1m3/ngày. Trước khi bơm vào khu xử lý, nước thải y tế được thu gom vào hầm chứa tập trung. Bà Nghĩa cũng thừa nhận, việc xây lắp khu vực thu gom nước thải y tế tại phòng khám là chưa hợp lý, quá gần với căng - tin.

KIỂM TRA THIẾU CHẶT CHẼ?

Đoàn giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh kiểm tra khu xử lý rác thải của một phòng khám đa khoa trên địa bàn TX. Phú Mỹ. Ảnh: TƯỜNG NGÂN
Đoàn giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh kiểm tra khu xử lý rác thải của một phòng khám đa khoa trên địa bàn TX. Phú Mỹ.

Bà Lâm Lệ Vân, đại biểu HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho biết: “Trong quá trình giám sát, chúng tôi nhận thấy rằng việc quản lý, giám sát về bảo vệ môi trường của các địa phương đối với các TYT, phòng khám tư nhân còn lỏng lẻo. Có những phòng khám đã bị kiểm tra, nhắc nhở khắc phục từ một năm trước nhưng tình trạng vẫn y nguyên trong đợt kiểm tra một năm sau đó, thể hiện qua các biên bản kiểm tra”.

Bà Vân dẫn chứng: Ngày 31-5-2016, Đoàn kiểm tra về vệ sinh môi trường của Phòng TN-MT TP. Bà Rịa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra Phòng khám Nhi Sài Gòn (518 đường Cách mạng tháng Tám, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa). Trong biên bản kiểm tra ghi rõ: Phòng khám Nhi Sài Gòn phải thu gom, phân loại và quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại theo đúng Luật Bảo vệ môi trường; Khi chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị xử lý phải có biên nhận để báo cáo cơ quan chức năng theo đúng luật định. Có biện pháp khắc phục khí thải, bụi và tiếng ồn phát sinh trong quá trình hoạt động...

Các mũi kim tiêm đã qua sử dụng vứt bừa bãi trên nắp các hộp nhựa đựng chất thải y tế độc hại tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phước (TP. Bà Rịa).
Các mũi kim tiêm đã qua sử dụng vứt bừa bãi trên nắp các hộp nhựa đựng chất thải y tế độc hại tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phước (TP. Bà Rịa).

Biên bản cũng ghi nhận những nội dung mà chủ phòng khám cam kết khắc phục. Tuy nhiên, sau gần 1 năm (ngày 30-3-2017), những nội dung này vẫn lặp lại trong biên bản kiểm tra của Phòng TN-MT TP. Bà Rịa đối với cơ sở này. Điều đáng nói, theo ghi nhận của PV, là các nội dung chung chung của biên bản kiểm tra về vệ sinh môi trường tại Phòng khám Nhi Sài Gòn lại quá giống với biên bản kiểm tra đối với Bệnh viện Đa khoa Vạn Phước (TP. Bà Rịa).

Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Qua đợt giám sát, ghi nhận chung là vẫn còn những sơ suất trong việc xử lý chất thải y tế ở các TYT, phòng khám tư nhân. Các địa phương cần sớm yêu cầu các cơ sở y tế khẩn trương khắc phục. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần chấn chỉnh lại việc kiểm tra vệ sinh môi trường đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, tránh tình trạng kiểm tra qua loa, hình thức.

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

Quy định về thu gom chất thải y tế

Các chất thải lây nhiễm, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải y tế thông thường phải được thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom. Riêng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 1 lần/ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 1 lần/tháng.

(Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31-12-2015 của Bộ Y tế-Bộ TN-MT quy định về quản lý chất thải y tế)

 

 

.
.
.