.

Khắc phục những tồn tại của chương trình sữa học đường

Cập nhật: 18:06, 18/05/2018 (GMT+7)

Sở GD-ĐT vừa phối hợp với Sở Y tế và Sở LĐTBXH tổ chức tổng kết chương trình Sữa học đường (SHĐ) năm 2017. Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, tồn tại trong việc triển khai Đề án SHĐ như tình trạng tồn sữa, khó khăn trong việc xã hội hóa, cấp phát sữa chưa đúng đối tượng...

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, TỒN TẠI

GV Trường MN Búp Sen Hồng (huyện Xuyên Mộc) phát sữa học đường cho trẻ.
GV Trường MN Búp Sen Hồng (huyện Xuyên Mộc) phát sữa học đường cho trẻ.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm 2017, Ban Chỉ đạo Đề án SHĐ đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng tồn SHĐ. Vì vậy, lượng sữa tồn năm 2017 đã giảm so với năm 2016. Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức khá cao. Tính đến tháng 12-2017, toàn tỉnh có trên 83 ngàn hộp sữa tồn. Trong đó, các đơn vị có số lượng sữa tồn lớn là TP.Vũng Tàu 19.452 hộp, thị xã Phú Mỹ 18.366 hộp, TP.Bà Rịa 13.039 hộp... Theo bà Châu, nguyên nhân là do tổng số cơ sở giáo dục MN thụ hưởng SHĐ rất lớn và đặc thù trẻ ở độ tuổi này ra lớp thường xuyên biến động nên việc tổng hợp, điều chỉnh sữa cấp theo đề xuất của các đơn vị còn gặp không ít khó khăn. Không chỉ vậy, công tác đề xuất cấp tăng, giảm sữa của các đơn vị không kịp thời cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sữa tồn. Theo đại diện Phòng GD-ĐT thị xã Phú Mỹ, thời gian qua, tại địa phương, một số cơ sở giáo dục tư thục giảm số lượng trẻ như: MN Sơn Ca từ 200 trẻ giảm xuống còn 150 trẻ, MN Nụ Hồng từ 100 trẻ giảm xuống còn 70 trẻ... Trong khi đó, công ty cấp sữa không cắt giảm kịp thời, dẫn đến lượng sữa tồn của toàn thị xã khá nhiều.

Về việc vận động xã hội hóa SHĐ trong các cơ sở giáo dục MN, Sở GD-ĐT đánh giá, công tác này chưa đồng đều ở các trường MN và các nhóm trẻ. Đơn cử, tại một số địa bàn khó khăn thuộc các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, dù các nhà trường đã vận động nhưng có ít phụ huynh thực hiện đóng góp thêm 8 hộp sữa để trẻ được uống đủ 16 hộp/tháng. Thậm chí, có đơn vị như MN Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) không vận động được phụ huynh đóng góp thêm sữa. Ngược lại, tại một số trường MN chất lượng cao ngoài công lập, phụ huynh lại không có nhu cầu cho con em sử dụng SHĐ.

Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong công tác triển khai chương trình SHĐ tại cộng đồng, bà Trần Thị Luyện, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.785 trẻ suy dinh dưỡng từ 3-5 tuổi đang được thụ hưởng chương trình SHĐ ngoài cộng đồng. Một thực tế đang tồn tại là các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý nhóm trẻ này, đặc biệt là ở TP.Vũng Tàu và huyện Long Điền. Do một số trẻ có hoàn cảnh khó khăn, theo cha mẹ mưu sinh nên thường xuyên thay đổi nơi cư trú. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cấp phát sữa không đúng quy định. Một số trẻ đã thoát suy dinh dưỡng nhưng vẫn được cấp SHĐ hoặc không ít trẻ đã được cấp phát sữa tại cộng đồng vẫn tiếp tục được thụ hưởng SHĐ tại các trường MN.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, KHẮC PHỤC TỒN TẠI

HS Trường MN Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) uống Sữa học đường.
HS Trường MN Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) uống Sữa học đường.

Trước những khó khăn, tồn tại trong triển khai Đề án SHĐ, bà Trần Thị Luyện, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đề nghị, thời gian tới, Sở Y tế và Sở LĐTBXH cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh để bảo đảm trẻ được uống sữa đúng chế độ, cấp phát sữa đúng số lượng, đúng đối tượng.

Về phía ngành giáo dục, bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành sẽ rà soát, lập danh sách những trẻ không có nhu cầu uống SHĐ để giảm trừ cấp sữa từ năm học 2018-2019 nhằm bảo đảm việc triển khai đề án hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Nguồn sữa này có thể điều chuyển tới các địa phương khó khăn để tới được với những trẻ cần.

Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT đã yêu cầu Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) bảo đảm giao sữa đúng thời gian quy định và kịp thời điều chỉnh lượng sữa giao theo đề xuất của các đơn vị.

Để tạo thuận lợi cho công tác quản lý và hạn chế tình trạng tồn SHĐ, ông Lê Văn Mỹ, Phó Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho rằng, nên giao cho phòng GD-ĐT các huyện, thành phố chủ động điều chuyển SHĐ trong phạm vi mình quản lý thay vì phải xin ý kiến Ban chỉ đạo trước khi điều chuyển như hiện nay.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

BR-VT là địa phương tiên phong triển khai chương trình SHĐ từ năm 2006. Riêng năm 2017, số trẻ thụ hưởng Đề án SHĐ toàn tỉnh là 69.876 trẻ. Trong đó, 66.738 trẻ trong các cơ sở giáo dục, 2.877 trẻ từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng và 261 trẻ dưới 6 tuổi trong các trung tâm bảo trợ xã hội. Mỗi trẻ trong cơ sở giáo dục MN thụ hưởng 8 hộp/tháng; trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng thụ hưởng 16 hộp/tháng; trẻ trong các trung tâm bảo trợ định mức 30 hộp/tháng.

 

.
.
.