Có cần phải "định vị" nhau?
Chỉ còn cách ngày cưới 2 tuần, Tú - cháu tôi hẹn ra ngoài nói chuyện. Gặp tôi, cháu khóc lóc nói muốn hủy hôn với Khánh và nhờ tôi tư vấn. Tôi hơi bất ngờ, bởi hai bên gia đình đã đồng ý, việc chụp hình cưới, in thiệp, đặt nhà hàng đã xong, giờ chỉ còn thủ tục đăng ký kết hôn và chờ ngày làm lễ cưới.
Tú và Khánh yêu nhau đã 2 năm. Khánh có nhà riêng, có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy tiếp xúc không nhiều, nhưng tôi nhận thấy Khánh là người nghiêm túc trong tình cảm, khi gia đình người yêu có công việc, đều nhiệt tình tham gia. Hỏi lý do, Tú bảo những ưu điểm của Khánh cháu đều biết, tuy nhiên, có một điều cháu không bằng lòng, chính là việc làm gì, ở đâu cũng đều phải “báo cáo” Khánh. Mỗi ngày, Khánh liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi “Em đang ở đâu? Làm gì? Với ai?”. Nếu Tú chưa kịp trả lời hoặc quên điện thoại ở nhà, Khánh sẽ rất khó chịu, buông lời chì chiết. Khánh cũng thường xuyên gọi vào số máy cố định ở phòng Tú tại công ty để kiểm tra xem Tú có ở đó hay không.
Tú bảo rất mệt mỏi trước hành động của Khánh, nhưng Khánh luôn nói vì yêu cháu nên mới làm thế, trong khi Tú luôn tôn trọng cuộc sống riêng của Khánh. Mâu thuẫn đỉnh điểm là dịp sinh nhật Tú, Khánh tặng người yêu chiếc Iphone. Tú đâu biết rằng, máy đã được cài phần mềm theo dõi. Cuộc gọi, tin nhắn, email nào của Tú cũng đều bị Khánh kiểm tra, giám sát. Khánh còn thường xuyên mở chế độ “vị trí” trên máy để “định vị” được người yêu. Tú hoàn toàn không biết, cho đến gần đây, khi Tú và cô bạn thân hồi đại học nói chuyện phiếm từ thời sinh viên, về chuyện tình học trò. Khánh làm um lên, nói Tú vẫn tơ tưởng tình cũ. “Ảnh cấm cháu đi họp lớp đại học dù cháu là lớp trưởng, đã lên kế hoạch cho cả lớp. Cháu cự lại thì ảnh đưa ra các bằng chứng về cuộc trò chuyện của cháu và nhỏ bạn. Ảnh còn tuyên bố “Em làm gì anh biết hết” - Tú kể giọng đầy ấm ức - “Hóa ra ảnh đã theo dõi cháu nửa năm qua. Hèn gì cứ ngày nào có đối tác nam nào nhắn tin khen cháu xinh đẹp, dễ thương là về nhà vẻ mặt ảnh khó chịu, gây gổ với cháu”.
Sau khi phát hiện bị theo dõi, Tú đã đi mua chiếc điện thoại khác để tránh cảm giác đi đâu, làm gì cũng có một con mắt dõi theo. Vì điều này mà cả hai đã cãi nhau kịch liệt. Khánh bảo: “Nếu không dùng điện thoại kia thì không cưới xin gì nữa”, Tú trả lời: “Vậy khỏi cưới luôn”. Một tuần nay, Tú tránh mặt Khánh vì muốn suy nghĩ kỹ hơn chuyện hôn nhân.
Ba mẹ Tú thì khuyên con gái nên mềm mỏng hơn, rằng Khánh có yêu mới kiểm soát Tú như vậy. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Cả hai đã tìm hiểu nhau 2 năm qua và sau 6 tháng “theo dõi” người yêu, Khánh vẫn không phát hiện điều gì chứng tỏ Tú không chung thủy nhưng lại cấm cản Tú đủ điều. Tôi đã nói chuyện riêng với Khánh, khuyên cháu hãy tôn trọng Tú và công việc của Tú, không nên suốt ngày điện thoại, nhắn tin làm phiền người yêu như vậy, đồng thời chủ động gỡ phần mềm theo dõi ra trong điện thoại của Tú. Khi tôi hỏi: “Nếu Tú cũng lén lút theo dõi cháu như vậy, liệu cháu có thoải mái không?”, Khánh im lặng và sau đó đã xin lỗi, làm lành với Tú.
Đám cưới của đôi bạn trẻ vẫn diễn ra vui vẻ như kế hoạch. Sau chuyện này, Khánh đã có một bài học cho riêng mình. Không phải cứ yêu là có quyền kiểm soát, “định vị” và theo dõi người mình yêu.
THẢO NGUYÊN