Giúp người dân, DN giảm thiểu các rủi ro pháp lý
Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho DN và người dân đã được triển khai tích cực. Qua đó, các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước ở nhiều lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, môi trường, lao động, tín dụng, khoa học công nghệ… Đồng thời, giảm thiểu các rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương, Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan đã thường xuyên cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh nói riêng; khuyến cáo DN thực thi đúng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giới thiệu các Điều ước quốc tế về thương mại và đầu tư mà Việt Nam đã ký kết, tham gia… Bên cạnh đó, tỉnh cũng công khai các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, phản ánh, kiến nghị của DN, cá nhân, tổ chức để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN.
Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực (từ 1-7-2015) và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Sở KH-ĐT đã rà soát, cập nhật lại toàn bộ bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập DN, trình UBND tỉnh công bố và niêm yết công khai các thủ tục về thành lập DN. Ngoài ra, Sở KH-ĐT đã có Thông báo số 29/TB-ĐKKD triển khai các quy định về đăng ký DN qua mạng điện tử, thông báo mẫu con dấu qua mạng điện tử; thiết lập bộ phận trợ giúp pháp lý, thông báo số điện thoại, email để hướng dẫn về quy trình, thủ tục, thao tác, tạo tài khoản truy cập vào cổng đăng ký DN cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử và giải đáp những thắc mắc có liên quan đến công tác đăng ký DN. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc đăng ký thành lập DN, đăng ký thay đổi, giải thể, tạm ngưng hoạt động, thông báo mẫu dấu, hoạt động trở lại trước thời hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp cho 8.878 DN.
Cán bộ Viện KSND huyện Châu Đức phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người dân huyện Châu Đức. Ảnh: MỸ PHƯỢNG |
Theo bà Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty may Tín Đức (TP.Vũng Tàu), việc công khai các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của DN; công khai các chính sách thương mại, thuế, ưu đãi đầu tư, thông tin thị trường, thông tin đấu thầu, các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, xúc tiến thương mại của tỉnh đã giúp DN có được thông tin chính xác, chủ động trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tránh được các rủi ro về pháp lý.
Trong năm 2017, các sở, ngành, địa phương đã tiếp nhận, tư vấn và giải đáp hơn 20 ngàn thông tin của DN về những quy định của pháp luật trong kinh doanh, các vướng mắc trong áp dụng pháp luật... Trong đó, tư vấn, giải đáp trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị 4.775 lượt; tư vấn qua điện thoại 18.646 lượt.
ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI DÂN
Cách đây hơn 2 năm, tháng 9-2015, cá nuôi lồng bè của một số hộ dân trên sông Chà Và (TP.Vũng Tàu) bị chết hàng loạt. Sau khi sự việc xảy ra, các hộ dân đã trình báo với các cơ quan có thẩm quyền và tiến hành thống kê, xác định thiệt hại. Căn cứ vào Báo cáo số 119/BC-MTTN ngày 19-11-2015 của Viện Môi trường và Tài nguyên TP.Hồ Chí Minh, thiệt hại nêu trên là do một số DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Chà Và, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, các hộ dân đã khởi kiện 14 DN chế biến hải sản để yêu cầu bồi thường số tiền hơn 13 tỷ đồng. Trong quá trình tố tụng, Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT đã cùng tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân.
Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, trong quá trình yêu cầu bồi thường thiệt hại vụ cá chết trên sông Chà và, Đoàn Luật sư tỉnh đã tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân ngay từ giai đoạn đầu. Theo đó, 33 hộ nuôi trồng hải sản bị thiệt hại trên sông Chà Và đã tiến hành ký kết hợp đồng pháp lý với 11 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh để lập hồ sơ khởi kiện 14 DN chế biến hải sản. Hơn 20 luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh đã tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà con bị thiệt hại trong vụ việc nêu trên. Kết quả, các DN phải bồi thường thiệt hại cho người dân theo phán quyết của tòa án.
Ngoài vụ việc nêu trên, chỉ tính riêng trong năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) đã trợ giúp pháp lý cho 1.789 lượt người dân trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác trợ giúp pháp lý cho người dân và DN năm 2017. |
TĂNG CƯỜNG TƯ VẤN, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) cho thấy, năm 2017, cả nước có hơn 126.000 DN thành lập mới. Riêng tại BR-VT, năm 2017, có 1.482 DN thành lập mới. Số lượng DN thành lập mới tăng nhanh, đồng nghĩa với việc nhu cầu tư vấn về pháp luật cũng tăng theo.
Theo luật sư Vũ Anh Thao, nếu tiếp cận đầy đủ với các quy định pháp luật sẽ giúp DN hạn chế các rủi ro pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không phải chủ DN nào cũng ý thức được điều đó. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nhân không nắm được các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mình. Nhiều DN vừa và nhỏ không có đội ngũ pháp chế. Hàng năm, khi dự toán chi phí, nhiều DN không dự trù kinh phí cho việc tư vấn pháp luật, ngại tốn tiền nên không thuê luật sư, đến khi hậu quả xảy ra mới tìm đến luật sư nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý thì đã muộn, gây thiệt hại cho DN.
Công chức Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu giải đáp chính sách thuế cho người dân. |
Ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cho biết, hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật đã tạo ra một khung pháp lý tương đối đầy đủ cho các DN hoạt động. Tuy nhiên, một số DN chưa nắm bắt kỹ nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của DN mình để áp dụng, thi hành và phòng chống rủi ro trong kinh doanh. Vì vậy, trong năm 2018, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và DN. Các đơn vị ngành Tư pháp sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, tư vấn và hỗ trợ pháp lý khi các cá nhân, tổ chức, DN có yêu cầu.
Thực tế cho thấy, vấn đề thi hành, áp dụng pháp luật còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, dự án đầu tư có sử dụng đất, quản lý khoáng sản... Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực hành chính tư pháp, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tích cực hỗ trợ pháp lý cho người dân và DN. (Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH