.

Hướng mở từ "Đồng Khởi khởi nghiệp"

Cập nhật: 06:15, 31/07/2018 (GMT+7)

Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Hơn 2 năm qua, từ khi phát động phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp”, kinh tế đã có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay, Bến Tre đã phát triển thêm gần 1.000 DN, trong đó có từ 100 - 200 DN khởi nghiệp. 

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo (thứ ba, từ phải qua) xem hàng hóa tại Ngày hội sản phẩm khởi nghiệp tỉnh Bến Tre.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo (thứ ba, từ phải qua) xem hàng hóa tại Ngày hội sản phẩm khởi nghiệp tỉnh Bến Tre.

KHỞI NGHIỆP THOÁT NGHÈO VÀ KHỞI NGHIỆP LÀM GIÀU

Thời gian qua, triển khai đề án khởi nghiệp của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã xây dựng kế hoạch khởi nghiệp. Trong đó, Bến Tre sáng tạo với chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp Bến Tre cho biết: “Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp” được Bến Tre chủ trương là khởi nghiệp để thoát nghèo và làm giàu thông qua hình thức khởi nghiệp kinh doanh thực tế và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là điểm khác so với cách tiếp cận của các chuyên gia kinh tế, hay cách tiếp cận trên thế giới đang triển khai”.

Ông Lê Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp Bến Tre, cho biết: Hơn 2 năm qua, trung tâm đã chủ động hỗ trợ các địa phương; thiết lập mối quan hệ, liên kết giữa các sở, ngành tỉnh; ký kết hợp tác với các viện, trường, trung tâm, các DN; các tổ chức, cá nhân trong khu vực và cả nước; kể cả việc huy động đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương nhằm giúp tỉnh trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và vận hành ươm tạo khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp theo hướng hệ thống, khoa học và có chiều sâu.

Đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đăng ký ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho chương trình khoảng 1.800 tỷ đồng. Thông qua các mối liên kết, Bến Tre được tư vấn, hỗ trợ tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã tổ chức được 58 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người khởi nghiệp và cán bộ phụ trách hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với hơn 4.000 lượt học viên tham gia; tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp cho 119/216 ý tưởng, dự án khởi nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ vốn cho 199 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 360 tỷ đồng. Riêng đối với quỹ đầu tư khởi nghiệp của tỉnh, hội đồng tư vấn đã giới thiệu đến quỹ 7 dự án, kết quả có 5 dự án được duyệt với tổng mức vốn vay ưu đãi trên 1 tỷ đồng.

MUỐN ĐI XA HƠN

Chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của Bến Tre được triển khai trong 5 năm, từ 2016 - 2020 nhằm vào 3 mục tiêu lớn: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân và tinh thần tự lực đi lên của người Bến Tre; kiến tạo môi trường khởi nghiệp, môi trường kinh doanh thuận lợi để mọi người có điều kiện khởi nghiệp phát triển DN; đặt mục tiêu phát triển thêm 2.500 DN để đạt 5.500 DN vào năm 2020 và phát triển gấp đôi số hộ kinh doanh cá thể.

Thời gian qua, Bến Tre cũng đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, được hình thành rõ nét gồm: Cộng đồng khởi nghiệp; các nhóm hỗ trợ khởi nghiệp; quỹ đầu tư khởi nghiệp. Đây là những nguyên nhân chính giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre  được xếp thứ 5 và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 2 toàn quốc. Ngoài ra, Bến Tre cũng đã ký kết với các trường: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nguyễn Tất Thành và nhiều cơ quan, tổ chức bên ngoài để hỗ trợ địa phương phát triển khởi nghiệp theo chiều sâu, đúng hướng. 

Có thể nói, chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp” đang tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và đang chuyển sang giai đoạn đi vào chiều sâu, có chất lượng. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2018, các mục tiêu mới chỉ đạt 38%. Nguyên nhân do sự phối hợp các ngành, địa phương có nơi, có lúc chưa đồng bộ. Có trường hợp lãnh đạo thiếu sự sâu sát, chỉ đạo thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, để thúc đẩy khởi nghiệp ở ĐBSCL đạt hiệu quả, các cơ quan hữu quan cần liên kết, phối hợp cùng nhau để thực hiện, tuyên truyền đúng về khởi nghiệp. Điều này sẽ giúp tối đa hóa sức mạnh nguồn lực; giảm chi phí cho địa phương. Quan trọng hơn là tạo niềm tin đối với cộng đồng, DN về sự đồng bộ và nghiêm túc trong việc thuận lợi hóa các điều kiện khởi nghiệp tại địa phương hay vùng ĐBSCL.

HÀM LUÔNG
(Theo sggp.org.vn)

.
.
.