Căn phòng dành cho các cô giáo nằm trong khu tập thể nhà công vụ. Thời gian đầu Sương được xếp ở chung với ba cô giáo khác, nên việc sinh hoạt, soạn giáo án, chấm bài học sinh, ngủ nghỉ, thậm chí canh me vào nhà vệ sinh giờ cao điểm cũng rất khó khăn, phức tạp và đầy áp lực. Nhưng rồi thời gian trôi qua nhanh.
![]() |
Minh họa: MINH SƠN |
Từ căn phòng nhỏ bốn người, Sương được xếp ở chung với Nguyệt, căn phòng còn hai người nên mọi thứ đã thoải mái hơn. Nỗi lo duy nhất hiện giờ đối với Sương là đơn xin chuyển về dạy trường gần nhà đang nằm ở văn phòng Ban Giám hiệu, nghe đâu đang được xem xét vì Sương đã có thâm niên dạy xa nhà đã trên mười năm.
Mười năm, đối với Sương là khoảng thời gian nặng nề từ ngày ra trường, được phân về nơi xa xôi gần như tận cùng xứ biển này để dạy đám học trò lớp 9. Cả Sương và Nguyệt đều nhất trí với nhận xét chung là đám học sinh chưa hoàn thiện tâm sinh lý này đã khiến cô giáo đứng lớp gặp nhiều tình huống trớ trêu mà nhiều lúc phải khóc dở mếu dở vì những chuyện “tế nhị”.
Sáng chủ nhật là ngày nghỉ thật quý báu trong tuần lễ dày đặc những tiết dạy. Lẽ ra Sương được ngủ nướng, nằm dài trên giường nhìn ra cửa sổ thoải mái nhìn nắng lên, nghe chim hót trên tán cây cao và dõi theo những bước chân đồng nghiệp vang lên ngoài hành lang khu nhà tập thể. Nhưng Sương phải trở dậy từ rất sớm, khi phiên chợ phía bên kia đã bắt đầu nhóm họp.
Mùi của ngôi chợ quê xứ biển đã rất quen thuộc, cứ xộc vào mũi Sương làm cô thấy nôn nao. Sương đi chợ sớm để lựa mua một bó hoa lay-dơn màu hồng phấn về cắm trong bình, trang trí cho căn phòng sáng lên, lung linh hơn, lãng mạn hơn vì hôm nay cái anh bộ đội người dưng khác họ ấy lặn lội khoảng đường dài hơn 70 cây số xuống thăm.
Trong lúc Sương đang cắm hoa, Nguyệt trang điểm nhẹ rồi tới ngồi cạnh Sương vừa ngắm những cành lay-dơn khoe những cánh hoa màu hồng phấn sửa soạn bung nở, cười khúc khích:
- Sao Sương cứ chung tình với hoa lay-dơn màu hồng phấn thế? Phụ nữ tụi mình mà cứ tôn thờ một thứ sắc màu của hoa thì khổ lắm đó. Hôm nào thử thay đổi hoa và màu hoa cho căn phòng này khác hơn xem sao. Không gian căn phòng khác thì lòng mình cũng khác. Biết đâu sẽ vui hơn?
Sương ngồi ngẩn ngơ một thoáng rồi trả lời Nguyệt:
- Ừ nhỉ, mình không nghĩ ra tại sao lại phải nô lệ một loại hoa lay-dơn và cứ phải màu hồng phấn? Sao không là cúc, là huệ, là hồng đỏ, hồng vàng?
Nguyệt mím môi hết sức dễ thương:
- Thôi bà ơi, nói thế cho vui thôi chứ tui biết tính bà là cứ phải cắm hoa lay-dơn màu hồng phấn và tui biết chắc sáng hôm nay Nguyện xuống chơi rồi. Có cần tui phải lánh mặt cho hai người tự nhiên không?
Sương đỏ mặt, ngượng ngùng:
- Không cần đâu, Nguyệt là người bạn cùng phòng và rất thân thiết với tụi mình rồi mà. Nguyệt cứ tự nhiên nằm đọc sách ở phòng trong hay nghe nhạc, hoặc ra ngồi hóng chuyện với tụi mình cũng được.
Nguyệt đấm vào vai Sương trợn mắt:
- Vô duyên, chuyện hai người tự nhiên bắt mình ngồi hóng, cản mũi kỳ đà là sao? Tui sẽ lánh mặt, giả vờ có chuyện phải ra chợ cho ông bà tự nhiên, thoải mái. Chỉ có điều kiện là… có gì vui kể cho nghe.
- Rồi không có chuyện vui, chỉ có chuyện buồn thì có kể cho Nguyệt nghe không?
- Xời ơi, hai người đang yêu nhau, khắng khít như đôi chim sẻ nhảy chuyền ríu rít gọi nhau trên mái ngói ngoài cửa sổ kia thì có chuyện gì buồn? Thôi, tui đi ra chợ uống cà phê đây.
Sương cười nhẹ, cô biết Nguyệt nói ra chợ chứ chưa chắc đã đi thẳng vào chợ mà tới quán cà phê quen ở đầu ngã tư bên kia dãy phố vì ai đó mà Nguyệt còn giấu Sương. Ai đó chỉ mới thấp thoáng, chưa lộ diện công khai nhưng mà Sương biết, đó là thầy giáo dạy khối lớp 10 ở huyện khác vừa mới về dạy trường này khoảng ba tháng nay. Ôi ba tháng, một khoảng thời gian thần tốc hay vừa đủ độ dài thử thách để hai người xa lạ tìm hiểu nhau, thân thiết nhau rồi yêu nhau, hẹn hò nhau?
Còn Sương và Nguyện thì sao, có đủ độ dài thời gian, đủ độ rộng không gian để hình thành những ngày chủ nhật đợi chờ, nôn nóng như những cành hoa lay-dơn màu hồng phấn đang bung nở kia? Sương cũng không biết nữa, chỉ biết lòng cô giáo đang rộn ràng, trái tim đập nhanh và đôi mắt vẫn ngóng ra cửa, nơi con đường rẽ về hướng chợ rồi dẫn tới khu nhà công vụ dành cho giáo viên. Con đường có những cây me tây cổ thụ vào mùa này trái khô rụng rơi lộp bộp trên mặt đường nghe rất quen thuộc, như kỷ niệm nào đó trong Sương.
Sương quen biết Nguyện từ một người bạn giới thiệu trong một bữa tiệc sinh nhật của một người quen. Nguyện ở cách nhà của Sương khoảng 10 cây số ngược tỉnh lộ về thị xã. Nhưng Nguyện làm việc ở huyện đội, cấp bậc thiếu úy, gia đình cơ bản. Nguyện còn trẻ, có ý chí, cần cù học tập và sớm chiếm được cảm tình của Sương vì vẻ bề ngoài mạnh mẽ, rất đàn ông và ga-lăng. Từ khi quen biết nhau, Nguyện vẫn nhớ sinh nhật của Sương để tặng quà, món quà nhỏ thôi nhưng có ý nghĩa. Rồi ngày lễ tình nhân, ngày 8/3, ngày Nhà giáo… Nguyện đều chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt dành cho Sương, nhất là mỗi cuối tuần, Nguyện đều sắp xếp công việc để phóng xe máy vượt hơn 70 cây số đường dài và qua một chuyến phà để xuống thăm Sương. Bảo sao người đàn ông này không làm trái tim cô giáo dạy xa nhà, tận cùng xứ biển không bồi hồi, chao đảo?
Trái với bình thường, mỗi khi Nguyện tới, Sương đều nhận ra anh từ phía con đường bên hông ngôi chợ xã vì Sương ngồi nhìn ra cửa sổ phòng dõi mắt về hướng đó. Nhưng hôm nay Nguyện tới rồi bước vào Sương vẫn không hay, chỉ khi anh hắng giọng khiến Sương giật mình quay lại thì Nguyện đã đứng sau lưng Sương với nụ cười quen thuộc. Sương thấy trên tay Nguyện có một gói quà bọc giấy gói màu đỏ rất đẹp, Nguyện lúng túng đưa gói quà cho Sương. Cô nhận gói quà nhưng tròn xoe ánh mắt, gương mặt đầy vẻ ngạc nhiên vì hôm nay không biết ngày gì mà mình lại được nhận quà của Nguyện. Nguyện cười:
- Em bất ngờ hả?
Tất nhiên rồi, vì hôm nay chỉ là ngày chủ nhật cuối tuần bình thường như những ngày chủ nhật khác, đâu có lý do gì để được tặng quà?
- Có lý do đấy.
Sương đặt gói quà lên bàn khi Nguyện ngồi xuống chiếc ghế đối diện với cô.
Sương đùa:
- Anh nói rõ lý do đi, không thì em không nhận đâu. Người ta khó lắm nhen, không phải muốn tặng quà là tặng đâu.
- Mừng em sắp đổi về dạy trường gần nhà. Vậy có phải là lý do chính đáng để anh tặng quà cho em không?
Sương ngạc nhiên:
- Sao anh biết chuyện này?
- Chuyện gì của em mà anh không biết.
- Nguyệt nói?
- Không.
- Vậy ai nói anh mới biết được chứ anh ở xa biệt mù trên huyện, em ở cuối chợ xã, cách nhau 70 cây số, một con sông, một chuyến phà thì làm sao anh biết?
- Anh có thám tử riêng ở đây. Nhưng thôi, chuyện này có gì quan trọng đâu, quan trọng là em đoán thử coi anh tặng cho em quà gì, em có thích hay không thôi.
Sương tinh nghịch lắc cái hộp giấy hình vuông, bao gói, thắt nơ cẩn thận và rất đẹp để đoán xem bên trong là món quà gì. Nhưng chịu, chỉ biết đó là một vật mềm, không gây ra tiếng động, im ru. Sương tò mò tột độ liền mở nhanh cái nơ cột, tháo bao giấy gói, rổi mở hộp đựng món quà. Ồ, trước mắt Sương là một xấp vải màu xanh da trời. Một xấp vải may bộ áo dài của phụ nữ rất đẹp.
Nguyện nhìn Sương với đôi mắt thật ân cần, giọng trìu mến:
- Anh nghĩ khi em chuyển trường về trên nhà, buổi dạy đầu tiên em mặc bộ áo dài này thì rất đẹp, rất ấn tượng để ra mắt học trò đấy cô giáo.
Sương thật sự bất ngờ trước món quà của Nguyện. Cô không nghĩ rằng anh chàng bộ đội mạnh mẽ mình yêu lại có một tâm hồn mềm mại như dải lụa trong tay.
Truyện ngắn của TỪ KẾ TƯỜNG