.

Nỗ lực gìn giữ đờn ca tài tử

Cập nhật: 17:46, 20/12/2024 (GMT+7)

Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa trong thế hệ trẻ.

Đơn ca “Hòn vọng phu” do thí sinh Huỳnh Thị Sương của CLB ĐCTT xã Long Sơn 1 trình bày tại Liên hoan ĐCTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ XIII năm 2024.
Đơn ca “Hòn vọng phu” do thí sinh Huỳnh Thị Sương của CLB ĐCTT xã Long Sơn 1 trình bày tại Liên hoan ĐCTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ XIII năm 2024.

Thiếu vắng giọng ca trẻ

Có dịp thưởng thức các tiết mục biểu diễn Liên hoan ĐCTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ XIII, năm 2024 vào cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi cảm nhận dường như bộ môn này đang thiếu sự hấp dẫn để “níu chân” giới trẻ.

Liên hoan năm nay quy tụ số lượng nghệ nhân, tài tử khá đông đảo với 11 đội có tổng số 80 tài tử, nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT thuộc các huyện, thị, thành và các thí sinh tự do dự thi trong 3 đêm diễn.

Những “ngón đờn hay”, một số giọng ca đẹp của các nghệ nhân cũng đã được công chúng đón nhận. Nhưng trong số này, tài tử trẻ hội tụ đủ thanh và sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ vì vậy, những đêm trình diễn ĐCTT không thu hút được nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Dẫu năm nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh đổi mới cách thức tổ chức các buổi thi diễn tại sân khấu ngoài trời ở xã Long Sơn và Trung tâm Văn hóa tỉnh vào buổi tối với mục đích đến gần với khán giả hơn.

Tại các CLB ĐCTT, nghệ nhân, tài tử trẻ tham gia sinh hoạt cũng khá ít ỏi. Đơn cử như CLB ĐCTT thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), đa phần thành viên đều ở độ tuổi từ 50 đến 60. Thành viên ở độ tuổi từ 30 đến 40 rất hiếm hoi. Nghệ nhân ĐCTT tại CLB là những người làm thợ mộc, công nhân, nhạc công, thợ cắt tóc… có niềm đam mê ĐCTT cùng nhau đờn ca giao lưu văn hóa.

Nghệ nhân Trần Hoàng Hưng, Chủ nhiệm CLB ĐCTT TT. Phước Hải, kiêm Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh cho hay: “Trước đây, CLB cũng tổ chức dạy hát cho các cháu thiếu nhi có năng khiếu. Nhưng theo thời gian, các cháu đều rời quê học đại học hoặc lập nghiệp ở nơi khác. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ngày nay không am hiểu, không yêu thích bộ môn này dẫn đến ĐCTT đang có nguy cơ không có thế hệ kế thừa...”.

Còn ông Nguyễn Văn Bé Tư, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho hay: “CLB có 30 thành viên ở độ tuổi từ 40 đến 60, ít thành viên trẻ tuổi tham gia. Các thành viên mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau như nuôi cá, buôn bán ve chai, làm ruộng, nội trợ… cùng đến điểm hẹn hàng tuần để “giữ lửa”, luyện tập giao lưu thỏa niềm đam mê và tham gia các cuộc thi ĐCTT của tỉnh”.

Nỗ lực bảo tồn

Ông Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho rằng, tuy lớp trẻ còn ít quan tâm nhưng qua liên hoan ĐCTT, phong trào ĐCTT tại các địa phương vẫn phát triển tốt.

Hiện tại, với 25 CLB đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, các địa phương cũng thường xuyên tổ chức hội thi “Hát múa dân tộc”, hội thi “Đờn ca tài tử”, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về nghệ thuật ĐCTT qua chuyên mục “Giai điệu quê hương” trên sóng truyền hình; đầu tư, tập luyện các tiết mục tham gia liên hoan, hội thi trong khu vực và toàn quốc.

Ngành văn hóa cũng đẩy mạnh các hoạt động biểu diễn giao lưu phục vụ người dân tại địa phương; mở các lớp dạy ĐCTT cho thiếu nhi vào dịp hè…

Năm 2025, thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức 8 chương trình giao lưu nghệ thuật ĐCTT và biểu diễn phục vụ Nhân dân; tổ chức, biểu diễn, giao lưu ĐCTT với các tỉnh khu vực Nam Bộ. Đặc biệt, để khơi dậy niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này, ngành văn hóa tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp với học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh (mỗi trường 1 buổi) về nghệ thuật ĐCTT.

“Các chương trình ngoại khóa tại các trường học cũng là nỗ lực để tìm kiếm thế hệ trẻ kế thừa, giúp học sinh đam mê ca hát sớm có điều kiện tiếp nhận ĐCTT”, ông Phạm Minh Tiến chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

.
.
.