.

Bàn tay vịn

Cập nhật: 16:29, 13/12/2024 (GMT+7)

- Anh ơi vào ăn cơm!

Tôi gọi ra phía phòng ngoài, nơi Hoàn đang ngồi dán mắt vào ti vi.

Bữa cơm đạm bạc của hai vợ chồng chỉ có đĩa cá nục kho, đĩa rau muống luộc, chén nước chấm và tô nước rau vắt chanh được tôi dọn gọn ghẽ trên một góc bàn ăn. Hoàn uể oải ngồi vào bàn cầm đũa gắp vào chén mình khúc cá.

- Cá này hồi trước anh ăn ở nhà ăn tập thể cơ quan, bà Bảy cấp dưỡng kho ngon lắm, xương dừ tan và thơm lắm kìa!

Tôi lặng lẽ ăn, bởi biết đó là Hoàn chê khéo vợ kho không ngon bằng. Cá kho muốn rục xương hoặc phải hầm cả vài tiếng đồng hồ hoặc trong nồi áp suất. Đây đồ nhà bếp của tôi đều vào loại xoàng xĩnh, lại chủ trương tiết kiệm hết sức trong chi tiêu nên chỉ nồi cá nhỏ mà hầm lâu cũng tốn điện. Nói chung muốn nấu ăn ngon thì phải đủ điều kiện chứ không chỉ là khéo tay. Nhưng Hoàn cố tình không hiểu. Bởi vậy dù cố gắng đến đâu thì với tình trạng thiếu trước hụt sau như hiện tại, tôi cũng không thể tạo được bữa ăn vừa miệng chồng được. Hơn nữa tôi từ quê mới vào mấy tháng nay, món ăn vùng miền mỗi nơi mỗi khác. Nên nhiều khi bữa ăn thành thảm hại.

Đó là lần đầu tôi đi chợ ở đây, lúc tôi mới vào được hai ngày. Thấy chợ có khá nhiều cá đuối vừa vừa con tầm dăm bảy lượng. Cá này chợ quê tôi người ta cũng buôn từ vùng biển về để nấu với khế chua. Tôi mua luôn một con và mấy trái khế chua nấu canh như từng nấu ở nhà, gia vị chỉ có hành chứ không biết dùng ngò gai rau ôm như ở đây. Trưa Hoàn đi làm về, nhìn tô canh vợ nấu, bĩu môi: “Canh này heo nó cũng chẳng thèm ăn”. Rồi hầm hầm thay đồ trở lại dắt xe ra ngoài. Để mặc tôi một mình với bát cơm chan canh và chan cả nước mắt. Chuyện ăn lúc này không thể coi chỉ là chuyện nhỏ, là chuyện vặt vãnh.

Nhưng không chỉ chuyện ăn. Còn bao sự bất đồng khác mà tình yêu sét đánh không cho tôi kịp tìm hiểu trước khi cưới rồi đồng ý theo chồng vào Nam.

***

Hoàn với tôi cùng quê, hai gia đình đều biết nhau. Anh lại còn là học trò cũ của bố tôi nên anh đã biết tôi từ khi tôi là con bé con tóc còn cháy nắng. Vậy nhưng chỉ đến lúc anh tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn và về công tác tại thành phố biển này, anh mới gặp lại tôi trong một lần về đón tết ở quê nhà. Tôi biết mình chỉ là một cô giáo làng có duyên chứ không đẹp. Vậy mà chỉ sau vài tiết mục văn nghệ của trường góp vui đón xuân, anh đã cố công nán lại tìm tôi sau sân khấu để mời tôi đi uống nước và làm quen. Không biết anh đã hấp dẫn tôi vì lý do nào. Vì vẻ ngoài lịch lãm và dễ coi? Hay vì lối nói chuyện dí dỏm và bông đùa có duyên? Hay tôi đã vội vã xếp anh vào loại đàn ông có tâm hồn đẹp vì thuộc nhiều thơ văn đến thế? Không thể nào giải thích. Có một nhạc sĩ tiếng tăm đã từng nói đơn giản: Yêu chỉ vì… yêu. Chỉ biết tôi đã ngất ngây ngay sau đó. Và mấy tháng sau, anh về quê để chúng tôi tổ chức lễ cưới.

Hết năm học đó, tôi xin nghỉ dạy ở trường để vào với anh. Và một trăm chỗ lệch cũng chỉ đến lúc chúng tôi thực sự sống cùng nhau trong một căn nhà mới dần lộ ra và không dễ gì để kê cho bằng như câu ca xưa được.

Hóa ra nghề sư phạm tiểu học của tôi không hề dễ xin việc ở thành phố biển này như anh nói. Hiện tại trường nào cũng đủ biên chế rồi là câu trả lời tôi nhận được khi nộp đơn xin việc. Và chúng tôi đã chờ đợi mỏi mòn gần cả năm mà vẫn chưa có chút le lói hy vọng nào.

Khỏi phải nói trong thời gian này cuộc sống vợ chồng tôi buồn tẻ và bí bách thế nào. Một suất lương của anh ngoài nhiệm vụ giao tế xin việc cho tôi còn phải nuôi 3 người. Sau khi tôi vào vài tháng bà chị ruột anh cũng gửi thêm đứa cháu vào xin việc. Chưa hết. Thêm chuyện tôi dính bầu không nằm trong kế hoạch. Điều này không những không mang lại niềm vui như thông thường mà còn là nỗi lo lắng lớn hơn.

Càng đói khổ thiếu thốn càng thương nhau chỉ là lí thuyết, hay đó là tình yêu lý tưởng. Còn thực tế khi bí bách, túng quẫn, người ta sẽ nhỏ nhen hơn, xấu tính hơn, ích kỉ hơn là chuyện phổ biến. Và Hoàn không ngoại lệ. Lúc này Hoàn sẵn sàng mắng mỏ, cau có, thậm chí mạt sát vợ khi không đúng ý mình.

Chờ việc mãi không được. Khi bụng đã lùm lùm tôi quét định giấu chồng tự mình đi xin việc làm tạm. Thống kê đầy đủ thì tôi đã tới cả thảy hơn chục cái quán cà phê và ăn sáng xin phụ việc mà đều bị lắc đầu là ở đây đủ người rồi. Và có thể đó là sự thật. Ngày đó không có những tiệm quán hoành tráng như bây giờ. Quán nhỏ, khách ít và họ đang hoạt động bình thường thì tất nhiên đâu đã vào đó. Mà lúc này tôi nhìn lại mình, đã không đẹp, lại còn gầy gò trơ xương, lại bụng bầu lùm lùm. Không có một chút hấp dẫn nào cho công việc cần ngoại hình hay sức khỏe ở một ngành dịch vụ đặc trưng như quán xá.

Tôi chuyển hướng sang các cơ sở chế biến hải sản như phơi cá khô, làm mắm nêm, mắm ruốc, lột vỏ tôm… Nhưng thật đáng buồn là ở đâu tôi cũng nhận được câu trả lời giống hệt nhau “Đây đủ người rồi” lặp lại.

Làm thế nào bây giờ? À, xin đi quét đường. Chị quét rác quen mặt chỉ tôi tới Công ty vệ sinh môi trường. Nhưng chị cũng nói trước để tôi liệu là công việc được coi không cần sức vóc này đã đầy người nhà ở quê đưa vào của các sếp. Nên không dễ. Tôi chán nản buông xuôi. Vậy thì mong gì tới lượt mình?

***

Tôi mang thai đã sang tháng thứ 8. Với người bể bầu sớm thì đã phải lo đến giờ G rồi đây. Vậy mà tận đến lúc này tôi còn chưa có tiền để sắm nổi tã lót cho con. Và chỉ riêng chuyện này cũng đã gây cãi vã cho tôi và Hoàn không biết bao lần.

Sau một lần bị xúc phạm, tôi khóc òa. Ô hay! Cố gắng thuyết phục vợ vào đây anh sẽ lo hết mà giờ như thế này đây. Tự nhiên tôi thấy ân hận là đã bỏ quê, nơi mình đang có việc làm, có thu nhập. Giờ vào đây để chui vào bế tắc, thành kẻ ăn bám và bất lực đến mức này sao?

Tối đó khi Hoàn đã thay đồ, buông màn thì tôi vẫn ngồi ngoài cửa. Biết là khó lòng ngủ được, tôi lang thang ra đường. Ngoài đường vẫn dấp dìu xe cộ. Trên lề đường, rất nhiều người vẫn đi dạo để nghe sóng vỗ rì rầm và hưởng làn gió biển mát rượi. Nhưng bây giờ thì lòng tôi tan hoang trong gió, trong tiếng sóng. Thành phố xinh đẹp biết bao! Khí hậu vùng biển này mát mẻ dễ chịu biết bao! Nhưng nơi đáng sống cho biết bao người đã chẳng thể chừa một chỗ cho mình. Không có một chỗ nào cho mình! Tôi cứ đi, đi mãi, không để ý đến 2 chân đã tê mỏi và nước mắt tuôn rơi trên môi mặn chát.

Bước chân vô định đã đưa tôi ngồi ở tít xa cái cầu đá nhô ra ngoài biển, chỗ đó cách nhà tôi cả vài cây số. Tôi cảm thấy nếu gieo mình xuống đại dương là sẽ chấm dứt được mọi điều phiền muộn và lo lắng. Sẽ hết đau khổ. Sẽ nhẹ nhàng biết bao nhiêu. Và con tôi sẽ không phải ra đời trong quá chừng thiếu thốn…

Bỗng có một người đàn ông lớn tuổi nhẹ nhàng ngồi xuống bên tôi, ân cần hỏi han khi tôi đang thổn thức. Anh nói giản dị: “Chết thì dễ, sống được mới khó cô à…”. Sao anh ta biết ý định của tôi? Có lẽ anh ta theo dõi tôi từ nãy giờ và thấy bà bầu này hơi kì cục chăng? Cảm thấy có người sẵn sàng chia sẻ, tôi kể mọi điều cho anh ta nghe mặc dù đó là người lạ. Anh ta nói nhẹ nhàng: “Cô tưởng chỉ mỗi mình khổ, chỉ mỗi mình tuyệt vọng sao? Thực ra có nhiều người cũng có lúc bế tắc như mình nhưng họ vượt qua được vì họ nghĩ đến công  sinh thành của cha mẹ. Vả lại, sông có khúc người có lúc mà cô…”.

Phải, tại sao tôi không nghĩ đến gia đình mình? Mặc dù nghèo nhưng cha mẹ và các em đều yêu thương tôi, mong đợi và tin tưởng ở tôi. Sở dĩ từ lúc theo chồng tôi không liên lạc nhiều với gia đình vì xấu hổ với hoàn cảnh hiện tại… Người đàn ông nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Nhà cô đâu tôi đưa về? Cứ bình tĩnh tìm cách giải quyết. Rồi sẽ qua thôi cô à” .

***

Người đàn ông xa lạ đó nói đúng. Sau mọi nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ và cả tự mình vươn lên, gia đình tôi rồi cũng dần qua được đoạn khó khăn nhất. Tôi đã có việc làm dù không đúng nghề khi con tôi mới vừa 2 tháng tuổi. Có rất nhiều khốn đốn nhưng rồi cũng đã qua. Hôm nay, đứa con trong bụng tôi ngày đó đã tốt nghiệp đại học và đã xin được việc làm. Cảm nhận được ý chí vươn lên của tôi, Hoàn sau đó cũng dần thay đổi tính nết. Tôi không nói mình đã đủ đầy, mỹ mãn nhưng nhớ lại chuyện cũ, tôi muốn viết vài dòng để cảm ơn người đàn ông xa lạ chỉ gặp một lần trong năm xưa đã đưa tay cho tôi vịn để bước qua một bờ vực. Và tôi cũng mong cuộc đời có rất nhiều những bàn tay vịn cho những hoàn cảnh giống tôi hồi đó.

Truyện ngắn của HỘI AN

 

.
.
.