Chiêm ngưỡng Tường biển của Văn Ngọc
Ý tưởng độc đáo biến tầng chung cư xây thô thành tác phẩm nghệ thuật để truyền tải thông điệp từ môi trường, triển lãm với chủ đề “Tường biển” đang diễn ra tại TP Vũng Tàu kéo dài đến hết năm nay thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật.
Họa sĩ Văn Ngọc (giữa) cùng đồng nghiệp trong không gian triển lãm “Tường biển”. |
Không gian nghệ thuật 1000m2
Triển lãm “‘Tường biển” của họa sĩ Văn Ngọc diễn ra trong khuôn viên rộng hơn 1.000m2 gồm những tác phẩm thực hiện trong 3 năm liên tiếp gần đây, trong tổng thế không gian nghệ thuật độc đáo. Trước đó, ông từng có tác phẩm sắp đặt “Dư chấn” đoạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2006, “Chân dung” đoạt giải Nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011...
Trong lần trở lại này, Văn Ngọc lại dùng chính bề mặt, kết cấu và ý nghĩa của bức tường trở thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ. Chính điều này khiến người xem triển lãm cảm thấy bất ngờ, ấn tượng.
“Tường biển” phủ một màu trắng xám của những vật liệu nặng từ tường tràn xuống sàn. Những khối bê tông vuông, dài, xiên như những bờ đê chắn sóng, như dư chấn sau cơn bão... Những bức tranh khổ lớn nặng 30 - 40 kg dựng đứng như vách chắn. Những bức tranh nhỏ vụn vỡ như lớp sóng biển dội vào và vỡ tung trên bề mặt bê tông tường, để lại những vật thể bị bỏ rơi, rác thải... Anh Huỳnh Hiếu Nhân, TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Ngắm Tường biển mình mới hiểu là ý đồ của tác giả muốn biến nguyên cái không gian này thành tác phẩm nghệ thuật”.
Họa sĩ Văn Ngọc sinh 1959 tại Phú Thọ, lớn lên, theo học lớp Trung cấp Mỹ thuật tỉnh Phú Thọ. Ông học Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa 1986 - 1992. Năm 1993, Văn Ngọc cùng vợ từ miền Bắc chuyển vào Vũng Tàu sinh sống. Ở tuổi 65 với 40 năm làm nghệ thuật chuyên nghiệp, họa sĩ Văn Ngọc vẫn luôn kiệm lời với quan điểm để cho tác phẩm của mình tự cất tiếng. Ông cũng là nghệ sĩ hiếm hoi ở tầm tuổi này vẫn đam mê lao động, sáng tác trên các chất liệu “hạng nặng”: sắt thép, inox, kính, gương, bu lông... |
Tại buổi khai mạc triển lãm ngày 15/11 vừa qua, nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông cũng nhận xét: “Tường biển là một tiêu đề ẩn dụ, một dẫn hướng mơ hồ để người xem tiếp cận tác phẩm của Văn Ngọc. Tường biển của Văn Ngọc là một khái niệm của Văn Ngọc về hai phạm trù lớn: vật chất và thời gian-một cặp quan hệ hữu cơ không thể tách rời, tuy 2 mà 1, một yếu tính triết học liên tục được khám phá và diễn giải bởi trí thức khoa học và văn hóa của nhân loại”.
Theo nhà phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông, từ các mảnh gạch vữa cộc lốc, những vệt sơn vôi dang dở, sàn xi măng nham nhở, trần bê tông câm nín, các cột, xà, các thùng kim loại hoen gỉ lầm lũi, các hình mảng góc cạnh, xô lệch, hình nhân bộ dạng nguyên thủy vặn vẹo ngơ ngác, là những lỗ thủng tối đen hay bừng sáng xuyên ra ngoài trời … vừa trừu tượng mơ hồ vừa rõ ràng trần trụi… Chính vì vậy, Tường biển không là bất kỳ mô phỏng thực tế nào về biển hay những bức tường trước biển mà chúng chỉ là một cánh cửa mở ngỏ để chúng ta bước vào nghệ thuật, vào trong lòng tác phẩm theo đúng nghĩa đen của nó.
Công chúng yêu nghệ thuật đến chiêm ngưỡng triển lãm “Tường biển” của Văn Ngọc. |
Thông điệp về môi trường
Đây không phải là lần đầu tiên họa sĩ Văn Ngọc chọn biển làm chủ đề trong các tác phẩm của mình. Cách đây 20 năm ông từng gây tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm Dư chấn-phản ánh nỗi đau và sự mất mát do bão Chanchu gây ra. Nhưng, ở Tường biển không có nỗi đau mà sự hòa hợp tái sinh giữa biển và con người.
Họa sĩ Văn Ngọc nói: “Tường biển là hệ thống bờ kè để chắn sóng giữ biển, nhắc nhở chúng ta có trách nhiệm bảo vệ biển, môi trường”.
Không dừng với vai trò là không gian nghệ thuật, triển lãm “Tường biển” lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về môi trường, mỗi người có trách nhiệm trước thiên nhiên.
Đến với không gian “Tường biển”, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã thốt lên: “Tôi vô cùng trân quý không gian này. Đây là bảo tàng trọn vẹn từ không gian, ánh sáng bố trí. Nếu Vũng Tàu được triển lãm vĩnh viễn thì vốn quý vô cùng, thậm chí là ước ao của những thành phố lớn.Tôi mong ước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giữ được không gian này để công chúng yêu nghệ thuật có thể chiêm ngưỡng lâu dài”...
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH