Mỳ Quảng xa quê

Thứ Sáu, 16/08/2024, 15:57 [GMT+7]
In bài này
.

Mỳ Quảng, một món ăn bình thường, bình dị ở xứ Quảng quê tôi, bây giờ thì mỳ Quảng từ Nam chí Bắc ở đâu cũng có. Người xứ Quảng “hay cãi” đi tha phương làm ăn ở đâu cũng đều mang theo cái món ăn dân dã của quê mình. Tôi xa quê đã 30 năm, mỗi lần đi ngang qua một hàng quán có trưng bảng “Mỳ Quảng”, tôi lại muốn ghé ngay vào. Không chỉ là để thưởng thức một món ăn quen thuộc mà là một nỗi bồi hồi nhớ lại, tìm lại một chút hương vị thuở ấu thơ cho vơi nỗi lòng thương nhớ quê nhà.

Bây giờ, mỗi lần ăn mỳ Quảng ở cái thành phố biển phương Nam, tôi bồi hồi thương nhớ không nguôi về quê xa, một hoài niệm về tuổi thơ đầy gian khó nhưng cũng thật đầm ấm, thiết tha. Một làng quê yên bình ở ven con sông Thu Bồn trái tính trái nết. Ở nơi đó, tô mỳ không chỉ là món ăn cần no lâu, đổi bữa, mà còn có mặt trong những bữa đãi thợ, lễ hội, ngày giỗ chạp, trong mâm cỗ cúng tổ tiên với lòng tri ân, cầu cho cuộc sống yên bình, mùa màng tươi tốt.

Tôi còn nhớ như in những buổi gặt đồng trưa nắng chang chang ở quê nhà. Gió đồng reo trên ruộng rào rạt  hương lúa chín thơm. Nhà chủ gánh ra đồng nồi mỳ cá lóc thơm điếc mũi. Nhóm thợ gặt chúng tôi đói ngấu, mặc cho mồ hôi mướt mát, nhễ nhại. Rửa qua loa đôi tay đầy sình bằng nước ruộng, chuyền tay nhau tô mỳ nóng bỏng. Bánh tráng mè nổ rôm rốp. Hột đậu phụng giòn tan. Ớt xanh cắn nguyên trái, cay xé lưỡi... Bạ đâu ngồi đó, chân trên bờ, chân dưới ruộng, cứ vậy mà sì sụp! Ngon gấp mấy lần lên mâm lên bát đường hoàng!

Dòng hồi tưởng ru tôi nhớ về mẹ mình da diết... Người đàn bà nhà quê chân lấm tay bùn, cả đời chưa từng đi đâu xa. Cảnh nhà cơ cực, chỉ mong con cái học hành đến nơi đến chốn để thoát khổ nghèo. Mẹ bo bo từng hạt lúa, dành dụm từng liển rau, trái mít... để đi chợ bán. Tiền về, gom dồn lận kỹ trong khăn trầu, gửi ra Đà Nẵng nuôi con ăn học. Cứ năm này qua tháng nọ, mấy anh em tôi đều chỉ trông ngóng vào sức còm cỏi của mẹ!

Lại nhớ những chiều đông mưa sụt sùi, gió bấc cắt nẻ da, mẹ lỡ mạ đồng chiều, cố níu cái chạng vạng, dúi tay xuống nước lạnh như băng, cố cấy cho xong thẻo ruộng đồng sâu. Mấy anh em tôi như bầy chim non đùm nhau ở đầu ngõ, dõi mắt hướng đồng xa, ngóng mẹ. Dáng mẹ về, liêu xiêu, lụp đụp áo chằm tơi trên con đường mòn sương phủ mặt người. Trên tay mẹ là đùm lá chuối khô nhung nhúc những cá rô, lươn, chạch, ốc bươu, cua đồng... Chúng tôi nháo nhào, quay tròn trong bếp quanh mẹ, chia nhau phụ mẹ lặt rau, nhen lửa, xay bột bằng cái cối đá to đùng ở chái bếp. Quên cả bụng đói ngấu, cơn buồn ngủ. Đến khi mâm mỳ được bưng lên cái bàn độc thì trời đã tối lâu lắm rồi...

Mấy anh em tôi chẳng cần phải làm khách. Loáng một cái, mâm mỳ sạch trơn. Ngon lạ ngon lùng! Còn mẹ, mẹ nhìn chúng tôi ăn, lặng lẽ mỉm cười mãn nguyện! Đợi bầy con đã no nê, chui vào mùng, lăn đùng ra ôm nhau ngủ, mẹ âm thầm xuống bếp vét cơm nguội ngắt, còn sót lại từ bữa trưa!

Vậy đó, mẹ như mỳ Quảng quê mùa, chân chất. Âm thầm theo tôi suốt cuộc đường cơm áo mưu sinh với tình thương vô bờ bến. Món mỳ Quảng là tình cảm, là quê hương, là nỗi nhớ về. Luôn luôn chợt dậy từ tâm thức, đã ngấm sâu vào máu thịt phận người. Hằng bữa thôi thúc tôi về với mẹ, với quê hương, với những vụ mùa lúa quê gối đầu nhau ửng chín. Và chắc chắn, với mỳ Quảng quê tôi đượm thắm nghĩa tình!

NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG

 
;
.