Về Long Sơn nghe đờn ca tài tử
Mỗi tối thứ Năm hàng tuần, sau giờ làm việc, lao động mệt nhọc, các thành viên CLB Đờn ca tài tử Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) giao lưu ca hát với nhau. Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Tiết mục "Về quê ngoại" của giọng ca Huỳnh Thị Thu Sương, CLB ĐTCTT Long Sơn. |
Sân khấu nho nhỏ, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh, trang phục cũng bình dị nhưng chất giọng, ngón đờn của các thành viên thì mùi mẫn hút hồn người nghe. Trên sân khấu, chị Huỳnh Thị Thu Sương, thành viên CLB ca “Về quê ngoại” ngọt lịm hòa với tiếng đờn réo rắt làm ngất ngây người mộ điệu. Tiếng vỗ tay không ngớt khi sau mỗi lời ca. Chị Thu Sương cho biết, chị đam mê cổ nhạc và học ca từ năm 19 tuổi, năm nay đã ở độ tuổi U50, nhưng vẫn say mê như thủa ban đầu.
Đến với không gian ĐCTT, các thành viên không phân biệt tuổi tác, chỉ cần ai có niềm yêu âm nhạc đều có thể đến đây giao lưu và thỏa sức cháy hết mình với đam mê. Ông Nguyễn Văn Bé Tư, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Long Sơn giới thiệu, CLB họp mặt sinh hoạt vào thứ Năm hàng tuần. CLB cấp xã bắt đầu hoạt động vào năm 2003, chỉ có hơn 10 thành viên thì nay ngót nghét cũng 30 người. Và nghệ nhân theo nghề là vì đam mê, ai cũng có một công việc khác và cùng đến điểm hẹn hàng tuần để giữ “lửa”, luyện tập giao lưu, tham gia các cuộc thi ĐCTT của tỉnh. “Người nuôi cá, người buôn bán ve chai, người làm ruộng, nội trợ..., ai nấy cũng có một cái nghề riêng, còn ĐCTT là đam mê chung. Ở đây ai cũng vậy, anh em đờn hát với nhau là vì mê đờn ca từ thuở nhỏ”, ông Bé Tư kể.
Các tiết mục hay được thành viên ghi hình đăng tải lên Youtube để lan tỏa, giới thiệu đến đông đảo công chúng mộ điệu, cũng là hình thức lưu giữ, khuyến khích các giọng ca, ngón đờn hay.
Tuy không được đào tạo từ trường lớp chính quy hoặc ngắn hạn nhưng đa phần các thành viên CLB đều thuộc các bài Bắc, Nam, Oán, bản vắn trong thể loại cải lương, phổ biến nhất là sáu câu vọng cổ. Được vậy một phần là nhờ có năng khiếu và luyện tập; phần nữa là từ người đi trước truyền lại người đi sau. Rời xã đảo Long Sơn, tiếng đờn ca vẫn như còn ngân vọng.
Cùng với 20 tỉnh, thành phố Nam Bộ, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nghệ thuật ĐCTT luôn cho thấy một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê. Những người dân chân chất của vùng đất Nam Bộ ban ngày lo việc đồng áng, tối về tụ họp nhau để ca và thưởng thức ĐCTT. Không gian đó đã nuôi dưỡng nghệ thuật ĐCTT và ươm mầm cho nhiều thế hệ say mê nghệ thuật này. Ngành văn hóa cũng tổ chức nhiều cuộc thi ĐCTT, tạo điều kiện cho các CLB đờn ca địa phương có cơ hội giao lưu, phát triển, góp phần đưa di sản văn hóa vào cuộc sống cộng đồng.
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH