.

Inside Out 2 Góc nhìn thấu cảm về 'tuổi nổi loạn'

Cập nhật: 15:57, 21/06/2024 (GMT+7)

Ở lứa tuổi dậy thì, sự vận hành của bộ máy cảm xúc, tâm sinh lý cá nhân trong bộ não cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Và bộ phim hoạt hình 3D mang tên Inside Out 2 (Những mảnh ghép cảm xúc 2) sẽ dẫn dắt người xem đồng hành cùng nhân vật chính Riley trên hành trình ấy.

Bộ phim hoạt hình 3D Inside Out 2 khắc họa sự hỗn loạn đến từ những cảm xúc mới của tuổi dậy thì như lo âu, ganh tị, xấu hổ và chán nản.
Bộ phim hoạt hình 3D Inside Out 2 khắc họa sự hỗn loạn đến từ những cảm xúc mới của tuổi dậy thì như lo âu, ganh tị, xấu hổ và chán nản.

Tuổi dậy thì đong đầy cảm xúc

Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc) ra mắt năm 2015, giành giải Oscar ở hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất” và đạt doanh thu hơn 858 triệu USD trên toàn cầu. Sau thành công vang dội của phần phim đầu tiên, Inside Out 2 với kinh phí đầu tư lên đến 200 triệu USD do Kelsey Mann đạo diễn tiếp tục ra mắt với kỳ vọng tiếp bước phần phim trước, trở thành bom tấn hoạt hình mới của hãng Pixar và Walt Disney.

Inside Out 2 trở lại khi nhân vật chính Riley đã trưởng thành, chập chững bước vào cấp 3. Cũng như bao chàng trai, cô gái bước vào tuổi vị thành niên, Riley có nhiều thay đổi về thể chất và tinh thần.

Trước đây, 5 cảm xúc cũ gồm vui vẻ, buồn bã, giận dữ, sợ hãi và chán ghét đã tạo nên tính cách cho Riley, giúp cô trở thành hình mẫu tử tế. Thế rồi việc xuất hiện thêm 4 loại cảm xúc mới với tên gọi lo âu, ganh tị, xấu hổ và chán nản đã tạo nên cuộc xung đột mạnh mẽ và kỳ lạ trong tâm trí Riley, khiến cô như một biểu đồ thay đổi không ngừng các cảm xúc. Nó có mặt tích cực là làm phong phú thêm tính cách của Riley khi cô bé tiếp cận với thầy cô, bạn bè mới… Nhưng, “cô bé tử tế” Riley đồng thời bắt đầu cảm nhận sự hỗn loạn trong suy nghĩ, bởi những cảm xúc cũ và mới không phải lúc nào cũng hòa hợp.

Các cảm xúc mới, đặc biệt là lo âu với thói quen tìm mọi cách để biết trước tương lai nhằm thay đổi nó, tiêu biểu cho sự thực dụng “tự yêu bản thân”. Lo âu còn tập hợp các cảm xúc mới (ganh tị, xấu hổ, chán nản) nhằm phủ nhận thành quả mà các cảm xúc cũ đã tạo nên bản ngã Riley trước đây.

Với hàng loạt tình huống đánh trúng tâm sinh lý tuổi dậy thì (nhiều bất an, hay cau có, đè nén cảm xúc, khép kín với bố mẹ, nỗi sợ bị cho ra rìa…), Inside Out 2 sẽ cho khán giả thấy rõ sự hỗn độn của Riley và cả những giây phút cô bé phải chật vật để đưa ra cách ứng xử, phản ứng với bố mẹ, bạn bè và những người xung quanh. Mặc dù thỉnh thoảng, Riley hành xử như một đứa trẻ hư, một người bạn tồi, một kẻ yếu thế... Song không vì thế mà cô bé bị khán giả ghét bỏ bởi với họ thì tuổi dậy thì của mình ngày xưa cũng như thế, cũng có những bốc đồng, lựa chọn sai lầm bất cứ ai trải qua tuổi dậy thì cũng phải đối mặt, phải vượt qua để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Ngoài ra, với dàn nhân vật cảm xúc cực kỳ đáng yêu cùng những câu thoại, mảng miếng hài hước, Inside Out 2 hứa hẹn mang đến bầu không khí thư giãn và đầy dí dỏm dịp cuối tuần.

Tự điều chỉnh để tìm lại bản thân

Giống phần phim trước, Inside Out 2 không ngại dấn thân vào những cảm xúc khó nhằn. Cụ thể, khi nhóm lo âu đẩy nhóm vui vẻ ra khỏi “trụ sở cảm xúc” của não bộ Riley với ý định thay đổi cô một cách toàn diện, thì lại khiến thân chủ gặp rắc rối và “tác dụng ngược”, khiến Riley chối bỏ và chán ghét con người thật của chính mình. Trong khi đó ở hướng ngược lại, sự chọn lựa của nhóm cảm xúc Vui Vẻ lại quá bảo thủ và an toàn, có thể khiến Riley không có sự phát triển tự nhiên.

Cao trào của bộ phim nằm ở những phút cuối, khi buồn bã trở nên mạnh mẽ, vui vẻ biết xúc động, lo âu biết chia sẻ và giận dữ biết cách bình tĩnh… Tất cả các cảm xúc cùng đoàn kết tạo thành một Riley hòa đồng và yêu thương bạn bè. Chẳng những thế, Riley còn biết nhìn về quá khứ khi một cảm xúc mới gọi là hoài niệm xuất hiện.

Dưới góc nhìn khoa học, bộ phim giải thích lý do tại sao con người cần có nhiều cảm xúc và tại sao đôi khi họ lại khó hiểu đến như vậy. Vui vẻ, giận dữ, lo âu, xấu hổ… không phải lúc nào cũng tốt hoặc xấu. Thật tuyệt nếu các cảm xúc đóng vai trò bổ sung cho nhau chứ không mâu thuẫn, triệt tiêu lẫn nhau.

Cùng với đó, thông qua việc đào sâu tâm lý nhân vật bằng từng tình huống cụ thể, Inside Out 2 đã trả lời cho các thanh thiếu niên hiểu được tại sao cần trải nghiệm nhiều loại cảm xúc trên bước đường trưởng thành. Và nếu một ngày bạn bị cảm xúc nào đó chi phối thì đó là tín hiệu cho thấy bạn không còn kiểm soát được hành vi. Bạn cần tự điều chỉnh để tìm lại bản thân mình.

“Inside Out 2” đang được chiếu trên các cụm rạp trên toàn quốc.

HUY HOÀI

 
.
.
.