Nhớ nhà báo Phạm Phú Bằng

Thứ Sáu, 22/03/2024, 14:57 [GMT+7]
In bài này
.

Một trong những cây đại thụ của báo chí nước nhà đương đại vừa rời cõi tạm về với thế giới người hiền. Ông vừa là người thầy, người bạn quý, vừa là cộng tác viên thân thiết suốt nhiều năm của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến thập niên đầu thế kỷ XXI.

Phòng làm việc của nhà báo Phạm Phú Bằng, tài liệu - sách báo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa… luôn bủa vây ông.
Phòng làm việc của nhà báo Phạm Phú Bằng, tài liệu - sách báo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa… luôn bủa vây ông.

Nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng sinh năm 1930 tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là một trong những cây đại thụ của báo chí Cách mạng Việt Nam đương đại.

Ông là một những phóng viên tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ hơn 70 năm trước. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Phạm Phú Bằng được Đảng và quân đội cử đi đào tạo nghề báo tại một đại học danh tiếng ở nước ngoài cùng chiến binh Phạm Khắc Lãm - con trai cụ Phạm Khắc Hòe - Tổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình Huế - người viết chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại, tháng Tám năm 1945. Phạm Phú Bằng và Phạm Khắc Lãm đều là nhà báo chiến sĩ tham gia nhiều chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Phạm Phú Bằng xuất thân trong một gia đình dòng dõi, cụ nội là danh nhân Phạm Phú Thứ thời vua Tự Đức, tài cao học rộng, có tư duy cách tân. Thân phụ là tiến sĩ Phạm Phú Tiết, từng làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), sau Cách mạng Tháng Tám 1945 được Bác Hồ phong cấp Đại tá QĐND Việt Nam, Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.

Phạm Phú Bằng kiến thức uyên bác, thông thạo 3 ngoại ngữ, bỏ qua cuộc sống phong lưu nhà quan, khoác ba lô - cây bút lên đường ra mặt trận đánh giặc. Bản lĩnh, tầm nhìn và sự nhạy bén, ngòi bút của ông càng viết càng thêm sắc bén. Ông hành quân suốt giải Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây hùng vĩ vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong một trận đánh ở Tây Ninh, Phạm Phú Bằng nhận lệnh ra công sự phía sau để bảo toàn lực lượng. Nhưng ông đã trụ lại, đến khi địch tiến công thì ông bị thương nằm lại, các chiến sĩ đã xung trận để đưa ông vào trạm cấp cứu.

Nhờ vậy, bài bút ký “Ra trận” rừng rực lửa chiến đấu của Phạm Phú Bằng ra đời được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1975, dọc biên giới Tây Nam chống bọn diệt chủng Pon Pot, dọc biên giới phía Bắc chống xâm lược, Phạm Phú Bằng vẫn lại ba lô khoác vai, cây bút và cây súng không ngừng nghỉ. Với ông, máu và chữ trộn lẫn trên chiến hào.

Nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng sống đức độ, hiền hậu, sẵn sàng giúp bạn, giúp người, giúp đời. Ngoài tuổi 60, ông âm thầm, len lỏi mọi nẻo đường xa đưa quần áo, sách vở, những chiếc radio nhỏ tặng bà con vùng cao. Hàng chục chuyến đi như vậy chỉ bằng xe đò công cộng, ông đã mang niềm vui đến cho hàng ngàn bà con và trẻ em vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc - nơi ông đã cùng đồng đội, đồng nghiệp chiến đấu và hy sinh trong các chiến dịch đánh quân đội viễn chinh Pháp mang tên: Biên Giới, Điện Biên Phủ…  Ông có cách làm từ thiện không ồn ào, nhẹ nhõm trong lặng thầm.

Tôi đã có những năm tháng làm việc cùng ông dưới một mái nhà Báo Quân đội Nhân dân, nên khi tôi đề nghị ông làm cộng tác viên cho Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, nhà báo tài danh Phạm Phú Bằng vui vẻ nhận lời. Các nhà thơ, nhà văn, nhà báo tên tuổi như Hồng Thanh Quang, Hà Đình Cẩn, Cao Tiến Lê, Đỗ Trung Lai, Hồ Quang Lợi, Lê Hà… được Phạm Phú Bằng mời gọi đã đều đặn xuất hiện bài viết rất ấn tượng trên ấn phẩm Vũng Tàu Chủ nhật, thời điểm đó phát hành rộng rãi nhiều tỉnh thành.

Trong một bài viết đăng Báo Quân đội Nhân dân ngày 20/3/2024, nhà thơ Hồng Thanh Quang viết: Có những giai đoạn chú Bằng - sếp trực tiếp - đã tạo cho tôi cơ hội trau dồi nghề nghiệp, viết bài cho các báo phía Nam trong đó có báo Vũng Tàu Chủ nhật. Thời điểm đó, hiểu nhau và thương nhau lắm mới cùng phóng bút ra thiên hạ…

Trên cả tuyệt vời, Phạm Phú Bằng còn giúp Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức việc phát hành tờ báo Đảng phương Nam ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sổ sách, chứng từ, hóa đơn phát hành báo, ông ghi chép tỷ mỉ, không thiếu một tờ, kế toán trưởng của báo Lê Thị Xuân kinh ngạc: Sao chú ấy là Đại tá viết báo giỏi mà giúp đỡ việc phát hành báo cũng rất vô tư và chu toàn!

Trái tim của nhà báo Phạm Phú Bằng đã ngừng đập sau 95 mùa xuân cuộc đời, 79 năm cầm bút và cầm súng. Nhà báo Phạm Phú Bằng, người thầy, người anh thân thiết một thuở của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu là vậy. Bài viết này như một nén tâm nhang của lớp đồng nghiệp đàn em vùng biển phương Nam vĩnh biệt một tài năng, một nhân cách lớn của báo chí Việt Nam đượng đại…

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.