Lê Thiên Minh Khoa và nửa thế kỷ thơ ca

Thứ Sáu, 29/03/2024, 16:31 [GMT+7]
In bài này
.

Tin nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa qua đời tối 27/3 được thông báo trên các nhóm Zalo, khiến giới văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật vô cùng bất ngờ.

Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa.
Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa.

Cách đây mấy ngày, ông còn hào hứng đăng ký tham dự trại “Sáng tác Lý luận phê bình văn học” của Cục Nghệ thuật Biểu diễn vào tháng 5 tới. Trước đó, ông vẫn có mặt trong các buổi họp mặt bạn bè văn chương thi phú, trang Facebook của ông buổi sáng vẫn còn đăng bài thơ về trận bóng tối 26/3 của đội tuyển Việt Nam.

Vẫn biết là đời vô thường, vẫn biết ông nhiều bệnh nặng nhưng sự ra đi đột ngột, vội vã của người thầy, người bạn văn thơ thân thiết đã gắn bó với Hội VHNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày đầu thành lập khiến anh em, bạn bè cảm thấy hụt hẫng và tiếc nuối.

Thơ Lê Thiên Minh Khoa thường viết về quê hương đất nước, từ vùng đất Quảng Trị “Gió Lào cát trắng” nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông cho đến Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng “Miền Đông Đất Đỏ” quê hương thứ hai, nơi gắn bó quá nửa cuộc đời ông.

Thơ ông đằm thắm, giản dị vừa cụ thể, sống động vừa sâu sắc, hiện đại. Tôi rất thích những câu như: “Phải chi phẳng lặng cuộc đời/ Niềm riêng đừng viết lên lời thì hơn” hay: “Là tôi trong ngoài có vậy/ Khuyết điểm là không có ưu/ Ưu điểm biết mình nhiều khuyết/ Suốt đời tìm mãi không ra”.

Còn những bạn thơ cùng thời lại khen ngợi những câu thơ lục bát ấn tượng của ông như: “Là trăm năm rớt bên bờ tử sinh/Và anh uống rượu một mình/Là anh uống với bóng hình em thôi/Và anh chén rượu mồ côi/ Là tôi cộng lại với tôi hai người/Và anh chén rượu em mời/Là em cộng với tôi rồi bằng không/Và anh nhớ em tắm rằm/Xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm” - (Và anh...).

Hay câu thơ tự họa: “Là ai tâm Phật thân ma/Nhập nhòa một bóng chợt xa, chợt gần/Chợt phong vân, chợt phù vân/Thương đời, đời loạn, thương thân, thân nhàu!” - (Là ai)…

70 năm tuổi đời, nửa thế kỷ gắn bó với thơ ca, Lê Thiên Minh Khoa có nhiều bài viết chất lượng đăng tải ở nhiều báo và cả trên trang mạng xã hội, nhưng ông không sa đà vào việc in sách, cũng ít hào hứng với các cuộc thi thơ.

Lê Thiên Minh Khoa SN 1954, tại làng Trung An, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; tốt nghiệp cử nhân Báo chí, Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội.
Trước khi nghỉ hưu, Lê Thiên Minh Khoa là giáo viên dạy văn, Trưởng phòng Chuyên môn-Đào tạo, rồi Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm GDTX TX.Bà Rịa (nay là Trung tâm GDTX tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ông vừa làm công việc chuyên môn, vừa sáng tác văn thơ. Ông đã xuất bản 4 tập sách, trong đó có 3 tập thơ và một tập lý luận phê bình. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài cảm nhận, tản văn, lý luận phê bình đăng trên báo Văn nghệ Trung ương, Văn nghệ Đồng Nai, Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu… Ông cũng là chủ biên trang tạp chí “Tiếng quê hương”, nơi đăng tải nhiều bài viết có tính học thuật cao.

Có lẽ vì thế mà mấy chục năm qua, ông chỉ cho ra đời 3 tập thơ. Tập thơ đầu tay mang tựa đề “Tình tự”, xuất bản năm 1974 lúc tròn 20 tuổi. Gần 30 năm sau - 2002 ông mới cho xuất bản tiếp tập thơ “Thị trấn tôi”. Năm 2018, khi chạm ngưỡng tuổi 65, ông xuất bản tiếp tập thơ thứ 3 “Lặng lẽ tôi”.

Tập sách “Chín thập kỷ âm nhạc Việt Nam”, tập hợp các bài viết về âm nhạc Việt Nam từ những năm 1930 đến nay được ra đời năm 2019 gây được tiếng vang trong làng nghệ thuật nên ông có dự định in tiếp tập cảm luận văn học nghệ thuật “Nghĩ ngắn”. Bản thảo đã chuẩn bị sẵn sàng, bìa và công đoạn dàn trang cũng đã hoàn thành, đáng tiếc là tập sách chưa kịp ra đời...

So với tài năng thơ ca của mình thì Lê Thiên Minh Khoa không phải là người có duyên với giải thưởng. Năm 1985, ông giành giải thưởng thơ “Kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam” của UBND tỉnh Đồng Nai với bài thơ “Cây đa ở một nông trường mới”. Năm 2005, ông nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ I (1992 - 2004) trao cho tập thơ “Thị trấn tôi”.

Năm 2023, ông là tác giả giành giải C (giải cao nhất mảng văn học) trong cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn I cho bài “Cảm thụ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh dưới góc độ thơ trữ tình”. Tuy nhiên, với tôi thì giải thưởng lớn nhất đó là sự trân trọng, yêu thương của độc giả và bạn bè dành cho thơ của ông.

Thật buồn, ông đã phiêu diêu về miền mây trắng. Chúng tôi sẽ chẳng còn cơ hội đọc câu thơ vui của nhà thơ Tùng Bách viết về ông “Bà Rịa có Lê Thiên Minh Khoa/Phần người thì ít phần ma thì nhiều” để giới thiệu với bạn bè văn thơ mỗi khi gặp mặt về một nhà thơ có thân hình gầy gò bé nhỏ “thịt ít, xương nhiều với mái tóc dài rối bù trứ danh, cái dáng vẻ lôi thôi, lóng ngóng, cái tính cách hiền lành, ngây thơ và nụ cười hồn nhiên đầy chất nghệ của vùng đất đỏ miền Đông”.

AN AN - XUÂN SANG

 
;
.