Căn hộ cô mua nằm ở cuối dãy chung cư, lầu 1, giáp với bức tường của ngôi giáo đường. Không gian yên tĩnh tuyệt đối, kể cả tiếng bước chân. Lần đầu đến đây, cô đã thấy rợn rợn người khi nhìn lối đi sâu hun hút, không có lấy một bóng người. Cô không đủ cảm xạ để nhận ra âm khí hay không ở cái nơi vắng vẻ này, nhưng bao đời nay, cảm giác vốn không biết đánh lừa mình. Cô đã có chút chần chừ trong quyết định có nên dọn đến nơi này hay không. Mặc dù sống bao năm ở đất Sài Gòn, cô thừa hiểu, tình xóm làng trở thành đặc sản quý hiếm và gần như khó tìm. Nhà nào biết nhà đó. Rồi cô cũng sẽ sinh hoạt gói gọn trong diện tích căn phòng của mình, có liên quan gì đến chung quanh mà cần buồn hay vui?
Minh họa: MINH SƠN |
Tìm hiểu ra cô mới biết nơi này đa phần là những người lớn tuổi, là nghệ sĩ và những người làm việc cho đoàn hát ngày xưa. Có người cả tháng chẳng bước ra khỏi phòng. Hàng xóm của cô là một người đàn ông ngoài 70 tuổi. Mặc dù con cái thành đạt nhưng ông chọn cuộc sống một mình. Suốt ngày ông quanh quẩn trong căn hộ nhỏ nhưng gọn gàng, nhiều năm rồi ông không xuống đất.
Thú vui duy nhất của ông là cây mandolin. Ông chơi mandolin rất điêu luyện. Ông bảo hồi trẻ đi theo đoàn hát, tập tành rồi chơi nhạc. Trong đầu ông có đến hơn ngàn bài hát. Lạ là trí nhớ của ông đã giảm, quên đi nhiều thứ nhưng âm nhạc thì không. Ông đàn say sưa từ bài nọ sang bài kia. Trùng hợp khi đa phần lại là những bài cô thích. Vì thế nên cô có thể gọi đúng tên bài hát và cả tên nhạc sĩ sáng tác. Ông lấy làm ngạc nhiên lắm, không nghĩ rằng cô lại nghe nhạc cùng thời ông. Tuổi của cô chưa bằng nửa tuổi ông mà! Từ ngày cô dọn về, ông càng hăng say đàn. Tiếng đàn của ông đánh thức cô mỗi sáng.
Cô cũng thích nhạc và chơi guitar mỗi ngày, từng phím đàn thành quen thuộc như hơi thở. Âm nhạc còn là cứu cánh với cô trong những lúc buồn. Mà cô thì thường xuyên buồn. Ngoài 30 tuổi, cô yêu Phan nhưng đó là thứ tình yêu mong manh, khó nắm bắt và chẳng hứa hẹn lâu dài. Khi ấy, đàn và rượu trở thành bạn thân của cô. Cô mua một cây mandolin gỗ đào, học được hai buổi, kịp thuộc hết vị trí của những nốt căn bản thì ông đề nghị chuyện tình dục. Cô không quá ngạc nhiên vì ở tuổi của cô, tình huống này đã từng gặp nhiều. Họ nghĩ cô cần chuyện đó chăng? Tình một đêm với cô cũng chẳng phải chuyện kinh thiên động địa gì, nhưng với ông thì cô thấy ghê sợ. Cô có khuôn mặt lạnh, vì thế mà ông chẳng đoán được cô đang nghĩ gì trong đầu. Ông vẫn say sưa đề nghị, hỏi han. Cô chỉ nhẹ nhàng bảo rằng mình cứ giữ mối quan hệ có khoảng cách như hiện tại thì tốt hơn.
Cô tìm một vị trí phù hợp để cất cây mandolin. Xem như cô không có duyên với nó vậy. Một người bạn biết chuyện, mỗi lần đến nhà chơi, ngang qua nhà ông, nó lấm lét đi qua cho nhanh. Cô bật cười. Cô không ghét bỏ ông và thấy đáng thương hơn đáng ghét.
* * *
Cô trở về sau chuyến công tác. Vừa ngả lưng xuống giường thì có tiếng gõ cửa. Nơi này cô vẫn chẳng quen ai ngoài ông. Cô có chút lưỡng lự nhưng vẫn ra mở cửa. Ông trong bộ pijama, dáng chậm chạp, khác hẳn với những ngón đàn thanh thoát. Ông nhìn cô với ánh nhìn khắc khổ: “Đừng giận bác nha!”. Cô gật đầu rồi chẳng biết nói gì nữa đành vô lễ đóng cửa lại. Ánh nhìn của ông khiến cô nhớ đến Phan. Cô cũng nói với Phan như thế, sau chuyện hiểu lầm nhỏ nhặt, Phan lạnh lùng xem như cô chưa từng có mặt trên cõi đời. Và cô đã đau khổ biết bao nhiêu. Cô mở bật cánh cửa, biết đâu một thái độ khác của cô khiến ông dễ chịu hơn. Nhưng ông đã không còn đứng đó. Cô tựa cửa nhìn lối đi dài hun hút không một bóng người…
Đêm ấy, cô mơ thấy rất nhiều người chen chúc nhau ngoài lối đi, cả trong phòng cô. Họ nói cười vui vẻ, nằm ngồi ngả nghiêng như không hề thấy sự hiện diện của cô. Trong số đông ấy, chỉ có ông là quen. Ông cũng không thấy cô, mặc cho cô gọi khản cổ. Cô gọi đến toát mồ hôi mà khi tỉnh dậy mới thắc mắc mình gọi để làm gì?
Điện thoại có tin nhắn, của Phan. Chỉ cần có thế, cô quên tất cả, hồ hởi đến điểm hẹn. Mối quan hệ này kéo dài và làm cô buồn nhiều hơn vui, nhưng sao cô không vứt bỏ được như bao thứ khác. Cô cần Phan. Phan thì cần nhiều thứ, không có cô. Cô tự trọng, dễ tổn thương. Với tính cách ấy, đủ để dứt bỏ với Phan nhưng không được. Tình cảm như một thứ nợ nần từ kiếp trước. Cô đọc trong một cuốn sách tâm linh có đoạn giải thích về sự luân hồi rất kỹ. Con người còn phải làm người bởi họ còn vướng nợ trần. Vì vậy mà sự hiện diện của ta ở kiếp này cũng chẳng nằm ngoài mục đích trả nợ. Cô cho rằng cô nợ Phan. Vì thế mà chỉ biết cắm cúi trả, chẳng thể có ý kiến gì.
Cô chọn một chiếc váy và xức loại nước hoa mà Phan thích, đi đôi giày Phan tặng hôm sinh nhật… Và nhiều thứ khác cho Phan, vì Phan. Rồi cô đau lòng nghĩ, Phan chẳng bao giờ biết điều đó, cũng không quan tâm làm gì. Đơn giản vì những thứ Phan quan tâm không liên quan đến cô. Cô đi ngang qua phòng ông, thường thì trong lúc hạnh phúc nhất, con người ta vốn cao thượng hơn. Cô muốn chào ông như trước đây, để ông không còn nặng nề với chuyện đã xảy ra, nhưng cửa khóa. Cô đi dọc hành lang xuống nhà xe. Mặc dù về đây được vài tháng, cô vẫn chưa quen với cảm giác rợn rợn người mỗi khi “chỉ ta với ta”. Mà tuyệt nhiên cô chưa thấy bóng dáng người nào ở lối đi này.
Ở nhà xe thì đông đúc hơn, hoặc ít ra cũng có người giữ xe nên cô không còn cảm giác rợn người. Cô gặp ông ở ngay lối ra vào nhà xe. Vẫn với bộ pajama lúc sáng. Mặt cô bớt lạnh hơn, nhưng cố gắng thân thiện lắm thì cô cũng chẳng biết nói gì ngoài gật đầu chào. Cô dắt xe ra thì ông gọi với lại “nè, đừng giận bác nữa nghen!”. Cô gật đầu. Vẻ như chưa đủ an tâm, ông ghì tay lái xe cô lại: “Hứa là không giận bác nữa thì phải học đàn đi, nghe! Lâu rồi bác không nghe tiếng đàn”. Cô lại gật đầu. Bên ngoài, một người đang chờ cô ra để họ chạy xe vào. Chờ lâu nên họ bấm còi báo hiệu. Cô vội vã đi.
Quán cà phê nửa sáng nửa tối, bên chiếc loa phát ra giọng một cô ca sĩ người Pháp, hát mà như thủ thỉ với tình nhân. Cô nghe chẳng hiểu gì. Phan cũng lẩm bẩm hát theo. Anh ngửa cổ hẳn ra sau ghế. Thái độ vô tình đó khiến cô thấy mình cô đơn kinh khủng. Những gì Phan dành cho cô chỉ giống như một sự ban phát. Cô không còn có ý nghĩ lấy Phan như trước đây. Cô sợ những ngày dài cô độc sẽ tiếp diễn. Con người ta cứ ảo tưởng là thay đổi được nhau. Có những người sống với nhau cả đời mới kết luận điều đó là không thể. Và người ta có đối xử tàn nhẫn với nhau thì đó cũng là có vay có trả, chẳng trách móc làm gì. Nhưng tại sao không mỉm cười với nhau, không tha thứ cho nhau, không nắm chặt tay nhau qua đoạn đường gian khó. Sao không thể thiết tha với nhau hơn, khi mà cuộc sống này đã quá nhạt nhẽo với mình?
* * *
Nhưng giữa nói với thực hành thì cách xa nhau vời vợi. Tiếng gõ cửa lại vang lên, cô khó chịu vì biết ngay đó là ông. Dường như ông không đủ kiên nhẫn chờ cho cô nguôi ngoai cái cảm khác khó chịu kia đi. Cô vẫn phải mở cửa vì tiếng gọi rất to của ông có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng xóm. “Đừng giận bác nữa. Bác biết bác sai rồi!”. Cô lại gật đầu và đóng cửa lại.
Khi cô vừa yên vị ở góc đọc sách, lại có tiếng gõ cửa. Lần này có vẻ rụt rè hơn. Cô khó chịu thực sự nhưng vẫn phải ra mở cửa. Ông chìa ra cuốn lý thuyết tự học mandolin mà hôm trước cô còn để quên. Cô nhận lấy rồi đóng cửa quay vào. Cô không còn hứng thú đọc sách nữa. Cô tắt luôn đèn để khỏi bị làm phiền.
* * *
Cô chủ động chia tay Phan, kể từ khi cô đớn đau nhận ra giữa họ là những cuộc rượt bắt không có điểm dừng. Cô yêu Phan, Phan mải mê yêu Chi, Chi chỉ có quy nhất mình Quang. Quang là bạn học của cô nên cô hiểu, Quang không có cảm xúc với nữ. Cứ thế, họ có điểm chung là đắm đuối với những thứ mà mình không thể nắm bắt. Cô thấy thương cho tất cả.
Những buổi tối rảnh rỗi, cô lôi cây mandolin ra học. Cô thất tình nên chẳng còn đủ cao thượng để nghĩ rằng đàn cho ông vui nữa. Từng nốt nhạc ngân lên réo rắt. Cô đàn đến khi nào mệt nhoài thì lăn ra ngủ. Hôm nay cũng thế. Nhưng cô chưa kịp ngủ thì nghe tiếng bước chân, một người, hai người, nhiều người. Tiếng bước chân ngày càng rõ, càng gần. Cô mở to mắt nhìn quanh phòng, nhận thức từng đồ vật để khẳng định mình chưa ngủ. Dạo gần đây, trong giấc mơ của cô thường là những đoàn người. Họ kéo đến chật cả phòng cô, nói cười vui vẻ và không thấy sự hiện diện của cô. Nhưng đó là giấc mơ. Bây giờ thì cô đang hoàn toàn tỉnh táo.
Tiếng bước chân đến rất gần rồi dừng lại cách căn hộ của cô chừng vài mét. Có thể là con cháu của ông ghé thăm. Cô thở phào, thả người xuống giường. Nhưng cô không ngủ được vì tiếng ồn ào bên ngoài, hình như có cả tiếng tụng kinh. Có khi nào ông bị gì chăng? Cô vội khoác thêm lớp áo khoác mỏng đi ra. Đúng như những gì cô nghe được, rất nhiều người đang ở trong căn hộ của ông. Cô nhìn quanh phòng vẫn không thấy ông đâu. Cây mandolin vẫn nằm yên ở vị trí cũ. Trong lúc cô đang lóng ngóng thì một người con trai bất ngờ từ trong nhà đi ra, mém đụng vào cô. Hắn đưa tay ra hiệu xin lỗi và đi thẳng ra ngoài nghe điện thoại. Cô tựa hẳn lưng vào bức tường với nhiều ý nghĩ ngổn ngang. Người con trai quay lại, trong ánh mắt của hắn là một câu hỏi: “Tôi có thể giúp gì cho em?”. “Tôi muốn hỏi, người đàn ông sống ở căn hộ này…”. “À, là ông tôi. Ông nội. Hôm nay là 49 ngày nên con cháu đến thắp hương. Chắc em mới dọn đến nên không biết gì?”.
* * *
Cô trở về phòng, ngồi nhớ lại tất cả những lần gặp lại ông sau chuyến công tác, khoảng độ 30 ngày. Duy cái lần ở nhà xe, cô đã ngờ ngợ nhưng lại quên mất đi. Ông nói với cô bị đau khớp gối, không thể đi xuống cầu thang được nữa. Cô bật dậy, tìm cuốn sách dạy đàn mà ông vừa đưa hồi sáng. Ở chỗ cô thờ ơ quăng cuốn sách, chỉ thấy một chiếc lá khô nằm lạc lõng.
Cô lục trong danh bạ điện thoại, tìm số Quang. Cô muốn nhắn cho Quang rằng Chi yêu Quang nhiều lắm. Rồi cô cũng sẽ nhắn cho Chi như thế, về Phan. Sau đó thì sao nhỉ, họ sẽ thấy cô là một đứa nhảm nhí vớ vẩn. Cô thôi, không nhắn nhe gì nữa vì cô hiểu, cô và họ đang cùng tồn tại trong một kiếp người đầy trần trụi và đơn độc.
Ở đâu đó vọng lại bản nhạc mà cô rất thích, ông cũng từng đàn. Điệu boston chậm rãi miên man theo từng nốt nhạc: Thôi về đi đường trần đâu có gì/Tóc xanh mấy mùa/Có nhiều khi tự vườn khuya bước về/Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa…
Truyện ngắn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG