TẠP BÚT

Hoa bưởi

Thứ Sáu, 23/02/2024, 17:03 [GMT+7]
In bài này
.

Chẳng cần đợi đến tháng Ba, khi mưa bụi bắt đầu điệu đàng với gió, với cái lạnh cuối Chạp, hương bưởi đã kín trong đầu tôi. Nó đến trong tiềm thức, bởi xiết bao mong ngóng. Sự chờ đợi chặt được ra thành khúc. Đặc quánh nôn nóng. Dẫu biết, mai mốt chi thôi, khi nắng vừa chín tới là hoa sẽ nở. Hương bưởi sẽ lây lan trong từng ngõ ngách, ngát lừng khắp cõi, xôn xao ùa cả vào trong tóc, trong mắt người. 

Là tôi đang tưởng tượng vậy, tháng Ba vẫn chưa về. Chẳng có chút hương bưởi nào ở cạnh tôi bây giờ cả. Sự một mình làm tôi thêm nhớ. Nỗi nhớ dền dứ làm khổ tôi. Giống như là muốn khóc, yếu mềm hiện hữu. Hương bưởi hiền lành trong ý nghĩ, dịu dàng trấn an tôi…

Hoa bưởi sắm vai “thiên sứ”, gọi về một vùng ký ức thơm mênh mang. Đôi ba lúc mềm lòng, nhớ đến ngẩn ngơ mùi hương quê thuần khiết ấy, tôi lại thấy mình lắt lay giận dỗi. Mắc mớ chi bắt người ta chờ đợi, mắc mớ chi xui mưa rây dạm ngõ. Lòng lại bất chợt tha hương giữa xuôi ngược phố phường.

Hoa bưởi thuộc về làng quê. Cạnh bờ ao, bên giếng nước, cuối góc vườn hay cheo leo sườn đồi, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp. Không cần chăm sóc nhiều, lại rất ít sâu bệnh, cây bưởi hưởng khí trời và dưỡng chất từ đất để nuôi mình. Lá đã xanh thì phải xanh đẫm, hoa đã trắng thì phải trắng tinh khôi. Và hương, đã hương thì bung tỏa nồng nàn. Những cây bưởi hội tụ đủ lá, hoa và hương như thế thường là những cây bưởi khỏe mạnh.

Vườn nhà ngoại đã từng có một cây bưởi như thế. Sự khỏe khoắn trong từng thớ vỏ, từ cái gai tròn vo, căng nhọn chắc chắn, từ đám rêu mỏng thẫm xanh theo lá. Sem sém Tết thì bắt đầu cho hoa. Từng chùm hoa trắng muốt, e ấp nhị vàng, thơm như muốn cột chân người. Hoa nở rồi tàn trong suốt mùa Xuân và sau đó cây lặng lẽ đơm quả.

Hết mùa hoa thì tôi cũng “nghỉ chơi” với cây bưởi. Cảm giác không còn được chờ đợi sau mỗi lần tan học trống vắng một góc lòng. Đã thế, thi thoảng tháng Ba còn chèn vào đầu đôi ba cơn mưa giao mùa, hương bưởi lại lang bang trong đầu, gây nhớ nhung âm thầm. Dưới gốc bưởi có cái ang đựng nước mưa, lăng quăng bọ gậy sinh sôi nảy nở. Bà sợ muỗi, mấy lần đòi chặt bỏ, tôi vùng vằng. Lần lữa mãi rồi cây bưởi cũng bị chặt, tôi thương nhớ ngẩn ngơ, bần thần trống trải. Theo thời gian, sự nhớ lắng dần xuống. Sau này lớn hơn, trong một lần têm trầu, bà từ tốn chép miệng. Đấy là cây bưởi chua, trái chín rồi tự rụng vậy thôi chứ không tài nào ăn được. Thì ra là vậy, không phải tại lăng quăng bọ gậy, tại cây bưởi không có giá trị như bà mong muốn.

Tôi lặng im nhìn theo đám nắng vàng chanh trên ngọn cây ổi đào ít tuổi. Rồi cây ổi sẽ đơm hoa kết trái. Bà bảo. Ổi đào đấy, thơm lắm, lại nhanh quả. Tôi hiểu là bà không như tôi, tiếc nuối một mùi hương.

Bây giờ hoa bưởi được yêu chiều ở phố. Từng gánh hoa theo chân người xuôi ngược. Người ở phố nâng niu hoa bưởi nhiều âu cũng là một dấu hiệu mát lành. Dẫu phố có náo nức đèn hoa đến mấy thì hương quê đất tổ vẫn luôn ăm ắp trong tim. Hương bưởi nồng nàn, tha thiết gợi nhắc những giá trị cốt lõi khiến bao người con xa quê đau đáu tìm về.

Bưởi không là loài cây khó trồng. Là các ông bà ở quê rỉ tai vậy khi biết tôi háo hức với việc mang cây về trồng ở phố. Tôi không sợ bưởi chua bởi tôi chỉ cần hương bưởi. Nhưng cây bưởi có chịu theo tôi về phố và ngoan ngoãn ở lại cùng tôi không thì tôi không biết. Vườn ở phố chật chội, cây bưởi lại quen với bao la đất trời, thực lòng tôi thấy ngổn ngang.

Cầm bông bưởi trên tay giữa bao la vườn bưởi, tôi loay hoay như một kẻ bị rối loạn cảm xúc. Làm sao gói nổi hương này…

NGUYỄN HỒNG

;
.