Ở bến đò chợ, mẹ nắm bàn tay bé tí của Thùy khích lệ: “Lên đi con, mẹ đi có chút chuyện”. Con đò chòng chành chỉ chờ Thùy đặt đủ hai chân lên là quay lái thẳng hướng chợ. Dề lục bình già cỗi nhấp nhô theo từng đợt sóng. Thùy nhìn theo bóng mẹ phía bên kia bờ, cho đến khi chỉ còn là dấu chấm nhỏ thì đò vừa cập bến chợ.
Đấy là lần đầu tiên Thùy đi chợ một mình, mua những thứ lặt vặt mẹ dặn. Khi Thùy trở về đã thấy mẹ đang ở nhà. Nhìn mẹ ngồi nhàn nhã với mấy chú chó mèo chung quanh, hình ảnh ấy khiến Thùy giận mẹ. Vậy mà mẹ bảo mẹ “có chút chuyện bận nên không đi chợ được”. Nhưng con nít vốn nhanh quên, giận đó rồi quên ngay đó. Chỉ một lát sau khi chơi trò bán hàng, trèo cây hái lá ổi làm tiền cùng chúng bạn, Thùy đã quên sạch chuyện mình đang giận mẹ. Nhưng lần này Thùy không quên hẳn như mọi khi, đến bữa cơm, Thùy hỏi mẹ: “Lỡ con gặp chuyện gì thì sao hả mẹ?”. “Thì con nhờ người giúp. Chung quanh sẽ luôn có những người sẵn sàng giúp con, và con cũng phải giúp lại khi có điều kiện, nhớ chưa?”. Thùy nhìn lên bầu trời có vài gợn mây mỏng vắt ngang, cảm giác yên bình cuốn phăng nỗi lo lắng khi không có mẹ bên cạnh.
Minh họa: MINH SƠN |
Những ngày sau đó, Thùy đi chợ tự nguyện mà không cần có cuộc thương lượng hay đưa ra những lý do chính đáng nào từ mẹ. Thùy đi như một công việc thực thụ. Thùy quen mặt hết những người bán hàng trong chợ, có người thích Thùy, cũng có người luôn buông những ngôn từ gắt gỏng, không chỉ với Thùy mà với tất cả khách hàng.
Một thời gian sau, Thùy không cần mẹ dặn, sẽ tự biết mua món gì khi đi chợ.
Một chiều bên hiên nhà, mẹ xoa đầu Thùy, nhưng sao bàn tay mẹ không thể đặt đúng vị trí đỉnh đầu Thùy như mọi lần nữa. Hôm ấy, không chỉ mình Thùy mà con Mực cũng ngơ ngác, ánh mắt nó trong veo nhìn Thùy rồi nhìn mẹ đang lẫm chẫm tìm từng vị trí thân thể Thùy. Thùy bật khóc.
Trong đám tang mẹ, Thùy nhìn ra bầu trời vẫn trong xanh như ngày nào, dải mây trắng lững lờ thỉnh thoảng thay đổi thành những hình thù khác. Cũng từ góc nhìn này, Thùy đã tin lời mẹ nói, “sẽ có người giúp con khi con cần”, nhưng Thùy đã khản cổ gào khóc bên những chiếc bóng áo trắng vội vã lướt nhanh trong căn phòng bệnh viện, vẫn không có kết quả nào khác để trả mẹ về với Thùy.
* * *
“Dì đã dặn con bao nhiêu lần rồi, sống ở thành phố lớn này không thể tin ai được, con vẫn không nghe”. Đó là lần đầu tiên dì gằn giọng với Thùy kể từ ngày Thùy lên ở cùng dì, khi Thùy làm mất chiếc điện thoại dành dụm mua được từ tháng lương đầu tiên của mình.
Hôm đó Thùy lên nhận giải thưởng kịch bản, vì có rất nhiều thần tượng của Thùy cùng đứng chung sân khấu nên Thùy muốn quay lại khoảnh khắc ấy. Thùy đã đưa điện thoại của mình để cho người ngồi bên cạnh, mà Thùy cứ nghĩ là sinh viên của trường, nhờ quay lại khi Thùy lên sân khấu. Lúc trở lại, chàng thanh niên ấy biến mất cùng điện thoại của Thùy, hàng ghế chật kín chỗ khi nãy giờ cũng trống hoác.
Phan thì ôn tồn nói với Thùy: “Nếu là anh, anh cũng sẽ bị mất như em thôi. Coi như mình tự rút kinh nghiệm vậy”.
Thật may, Thùy cứ nghĩ Phan sẽ nói câu giống dì “sống ở thành phố lớn này…”. Vậy thôi mà Thùy thấy vui lên hẳn, như thể đã lấp đầy được sự tiếc nuối của việc mất điện thoại cùng biết bao nhiêu hình ảnh, dữ liệu trong máy.
Một buổi sáng có việc về nhà đột xuất, dì hốt hoảng thấy Thùy đang loay hoay đỡ bà cụ lên bộ sofa trong phòng khách. Mới nhìn là dì nhận ra ngay đó là bà cụ đi bán vé số trong xóm mà Thùy hay mang thức ăn cho. Mặt dì tái nhợt đi. Dì lôi Thùy hẳn vào phòng, đóng sập cửa lại, mặt dì bừng bừng đỏ, nói mà như hét vào mặt Thùy: “Con có biết con đang làm chuyện gì không hả? Tại sao lại đưa bà ta vào nhà mình?”. Thùy nhìn cơn nóng giận trào lên của dì, cô lắp bắp: “Bà ấy ngất ngoài đường, con lay mãi, sợ bà ấy chết…”. Dì gầm lên với Thùy: “Rồi con có biết lỡ chẳng may bà ta chết thật, con sẽ bị liên lụy không hả?”.
Vừa lúc ấy Phan chạy tới, tiếng xe máy gấp gáp trước thềm nhà. Thùy bật dậy cùng dìu bà cụ ra đường thì có tiếng xe máy khác chạy tới, người đàn ông trong bộ quần áo nhàu nhĩ gọi thất thanh: “Mẹ, mẹ có sao không, mẹ ơi”. Bà cụ được đặt ngồi gọn lỏn giữa người đàn ông và người phụ nữ, xe rồ ga lao đi giữa cái nắng chói chang làm héo hắt hàng phượng non ven đường.
Thùy cảm động bởi sự chu đáo của Phan. Cô tin bà cụ sẽ khỏe lại và cô sẽ gặp bà đi ngang qua nhà mỗi ngày như mọi khi.
* * *
Sau đám cưới, Thùy dọn về cùng Phan ở căn hộ chung cư giữa lòng thành phố. Đúng như lời dì nói, cuộc sống của những người nơi chung cư quá cô độc, nhà nào biết đến nhà nấy. Cả một phép giao tiếp căn bản là chào hỏi cũng trở thành hiếm hoi ở nơi này.
Hôm Thùy đến, cánh cửa căn phòng ở căn hộ ngay đầu cầu thang bộ đang còn khép hờ, người đàn ông chỉ trạc tuổi chồng Thùy đang đứng nhìn ra ngoài, Thùy đã gỡ khẩu trang để chào hỏi bằng nụ cười rất tươi, nhưng đáp lại là khuôn mặt sắc lạnh và tiếng đóng cửa vang lên khô khốc. Nếu là một họa sĩ vẽ về không gian sống của mình, Thùy sẽ vẽ gì ngoài những cánh cổng im lìm ở nơi này? Tại sao không thể cho nhau sự ấm áp mà mỗi người đều có sẵn? Ban đầu Thùy không quen lắm, nhưng con người được trời phú cho khả năng thích nghi. Mọi thứ dẫu khó tiếp nhận nhất, dần dà cũng thành quen.
Những ngày sinh con đầu lòng, Thùy ở hẳn trong nhà, thỉnh thoảng có dì và vài người đồng nghiệp đến chơi. Một lần Thùy nói với chồng: “Những ngày anh đi làm, lỡ mà có chuyện gì em chẳng biết xoay xở sao”. Phan chỉ cười hiền lành, bảo rồi sẽ ổn cả thôi. Thùy thích cái tính nghĩ mọi thứ thiện lành của con người Phan. Đôi khi những nỗi sợ hãi cũng do mình tạo nên, thì cớ gì không cân bằng nó bằng những hướng suy nghĩ tích cực.
Một ngày trời nắng, tranh thủ lúc bé Dâu ngủ, Thùy mang mớ quần áo lâu ngày không mặc ra soạn lại, nhẩm tính xem bao lâu nữa thì qua thời kỳ thai sản. Rồi Thùy sẽ trở lại với công việc, với quần áo, với phấn son, đồng nghiệp… Có những nỗi thèm thuồng đôi khi rất đỗi bình thường như thế.
Có âm thanh lạ từ phía Dâu nằm, Thùy tất tả chạy lại với con, tim cô thắt lại khi bé Dâu đột nhiên co giật, người tím tái. Tay chân Thùy lạnh toát, bủn rủn. Sự việc xảy đến quá bất ngờ nên Thùy không biết nên làm gì với tình huống cấp bách này, những ngón tay Thùy co cứng trên màn hình cảm ứng, đến độ không sao tìm ra số Phan để gọi.
Trong vài giây vô nghĩa trôi qua, Thùy kịp bế thốc con lên, bật tung cánh cửa và chạy nhanh ra khỏi phòng. Những bước chân Thùy nện thình thịch trên dãy hành lang hun hút, thanh âm dội ra từ những cánh cổng đóng im lìm, tiếng kêu cứu của Thùy chỉ như vọng lại từ một nơi xa xăm hay trên phim ảnh, chẳng mảy may thấy cánh cửa nào bật mở.
Chỉ ít bước chân nữa thôi, Thùy sẽ ra khỏi cái nơi lạnh lẽo này, dưới lòng đường, hẳn sẽ có chiếc taxi nào đó đang đợi mẹ con cô. Nghĩ vậy, Thùy ôm chặt lấy bé Dâu trong lớp mền mềm mịn, chạy thật nhanh. Khi chỉ còn vài bước chân nữa là đến căn hộ của người đàn ông mà ngày đầu tiên Thùy chạm mặt, cánh cửa bất ngờ mở toang, luồng ánh sáng thoát ra từ căn hộ như một thứ ánh sáng nhiệm màu làm lóe sáng những tia hy vọng trong Thùy.
Từ trong căn phòng, người đàn ông bước ra, đứng như thể đang chờ những bước chân vội vã của Thùy đến gần, Thùy cũng nhìn anh ta bằng ánh mắt cầu cứu. Người đàn ông điềm tĩnh vén lớp mền mỏng, nhìn cho kỹ đứa trẻ, xong, rất nhanh anh kéo cả hai mẹ con vào trong căn phòng đã mở toang cửa, đặt bé Dâu xuống giường. Bằng những thao tác thuần thục, dứt khoát, da bé Dâu chuyển từ tím tái sang màu hồng trở lại, những cơn co giật cũng ngưng hẳn. Lúc này, người đàn ông mới ngước lên, trên trán anh ta lấm tấm những giọt mồ hôi: “Giờ thì không lo nữa rồi. Chị có thể đưa cháu đến bệnh viện để các bác sĩ chăm sóc cho bé”.
Thùy nhìn người đàn ông bằng ánh mắt cảm động, cảm ơn rồi đón xe đưa bé Dâu đi. Lúc đó, hoàng hôn chưa xuống hẳn, vài áng mây còn nhởn nhơ phía sau những dãy nhà cao tầng. Thùy ôm chặt con vào lòng. Mắt cô không rời khỏi những đám mây trên kia, “có phải mẹ đang ở đó dõi theo con không?” Trong tiềm thức, cô nghe tiếng mẹ vang lên “chung quanh luôn có những người giúp khi con cần và con cũng phải giúp lại khi có điều kiện, nhớ chưa?”.
Thùy hít một hơi thật sâu rồi lấy máy nhắn cho Phan, một câu ngô nghê nhưng Thùy tin là Phan hiểu: “Cánh cửa đã mở rồi, anh ạ!”.
Truyện ngắn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG