.

Cụ ông 'giữ lửa' cho đàn bầu

Cập nhật: 15:27, 25/08/2023 (GMT+7)

Dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng mỗi khi nhắc đến đàn bầu là cụ Nguyễn Trọng Yêm (72 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn An Ninh, phường 9, TP. Vũng Tàu) bỗng trở nên sôi nổi, hào hứng hơn bao giờ hết.

Cụ Yêm say mê đàn bầu từ khi con trai trẻ cho đến tận bây giờ.
Cụ Yêm say mê đàn bầu từ khi con trai trẻ cho đến tận bây giờ.

Theo cụ Yêm, đàn bầu không chia khuôn nhạc rõ ràng như các nhạc cụ hiện đại nhưng ai đã biết chơi, biết nghe được tiếng đàn sẽ cảm nhận hết cái hồn của nó. Chính về thế, nhiều người coi “độc huyền cầm” như hồn dân tộc, là một trong những nhạc cụ có tính thuần Việt”.

Từ tiếng đàn trong “mưa bom, bão đạn”...

Được sự giới thiệu của Ban Đại diện Hội NCT phường 9, TP. Vũng Tàu chúng tôi tìm đến nhà của cụ Yêm. Mới tới ngõ, chúng tôi đã nghe thánh thót tiếng đàn “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”.

Cụ Yêm say mê kể về thời mới mười tám đôi mươi đã gắn bó với đàn bầu. Một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cầm súng bảo vệ đất nước, nhưng không thể thiếu tiếng đàn ngân vang xen lẫn tiếng bom rơi đạn lạc giữa rừng vắng hay ở nơi dừng chân đóng quân.

Năm 1971 chàng trai quê gốc Thái Bình tròn 20 tuổi xung phong đi bộ đội tại chiến trường B, năm 1972 được vào Đảng, tới năm 1976 thì xuất ngũ. Khoảng thời gian đó, cụ Yêm tự chế đàn bầu và tự học chơi đàn.

Thời ấy, cây đàn bầu của cụ được làm rất đơn giản, chỉ bằng cây tre có sẵn trong rừng, nhưng cũng đầy đủ 3 cung 6 nhịp. Các nốt nhạc và tiếng đàn vang vọng đã làm ngẩn ngơ bao anh lính trẻ cùng các cô dân quân đóng quân tại chiến trường B. Cụ nói: “Tôi mê đàn bầu lắm, nói đúng ra rất có “máu” nghệ thuật dù bố mẹ tôi không ai theo nghệ thuật, hiện tại tôi có thể chơi hơn 50 bản nhạc thuần thục và biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau”. Sau khi xuất ngũ, cụ Yêm tham gia đoàn văn công tại Thái Bình. Tới năm 2013, cụ mới vào TP. Vũng Tàu sum vầy cùng con cháu.

Chiếc đàn bầu bây giờ không còn làm bằng tre mộc mạc như thuở xưa nữa, mà là chiếc đàn bằng hộp được làm từ gỗ quý, do chính các con của cụ Yêm mua tặng. Vừa dứt lời, cụ đã biểu diễn cho chúng tôi nghe đàn bầu bản “Việt Nam quê hương tôi”. Dẫu không am hiểu tường tận, sâu sắc về nhạc cụ dân tộc, nhưng khi nghe cụ Yêm vừa đánh đàn bầu vừa ngân nga tiếng hát, tôi cảm nhận được âm thanh ngọt ngào và sâu lắng.

... đến mong muốn tiếng đàn mãi ngân vang

Dù cao tuổi, nhưng với niềm say mê với đàn bầu nên cụ Yêm thi thoảng vẫn nhận lời mời giao lưu văn nghệ với nhiều danh cầm. Trong 4 năm qua (2019 -2022) cụ Yêm cùng các thành viên trong nhóm chơi nhạc cụ thường xuyên biểu diễn tại sân khấu Hồ Mây Park. Vừa được chơi đàn thể hiện những bản ca truyền thống cho du khách tận hưởng, vừa có những bạn đàn, những người yêu thích âm nhạc.

Cụ Yêm luôn mong muốn được lan tỏa niềm đam mê dòng nhạc cổ đến những người trẻ có cùng sở thích. Cụ Yêm chia sẻ: “Tôi chơi được nhiều loại nhạc cụ nhưng tôi thích và đam mê nhất vẫn là đàn bầu. Đàn bầu tuy chỉ có một dây nhưng cách thể hiện của người chơi đàn đa dạng. Nếu gẩy âm trầm sẽ nghe rất ấm, thì âm cao sẽ thánh thót và âm trung thì ngọt ngào, lắng sâu. Đàn bầu độc tấu cũng hay mà kết hợp với các nhạc cụ khác như: đàn nguyệt, nhị, trống hay sáo… cũng rất dễ dàng. Âm thanh của tiếng đàn bầu trầm, buồn như gợi niềm tâm sự về tình người, tình đời rất dễ quyến rũ người nghe”.

Nhiệt tình với các phong trào của địa phương, mỗi khi có hoạt động văn nghệ là cụ Yêm lại xung phong mang đàn đi biểu diễn và hầu hết đều đoạt giải cao như: giải A độc tấu đàn bầu tiết mục “Vì miền Nam” năm 2016, Tiết Mục “Lên ngàn” năm 2019, tiết mục “Việt Nam quê hương tôi” năm 2022 tại Hội diễn Tiếng hát NCT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Giải nhì độc tấu đàn bầu tiết mục “Xa khơi” ngày 22/8/2023 tại Hội diễn Tiếng hát NCT TP. Vũng Tàu.

Ông Lê Mạnh Tắc, Chủ tịch Hội NCT phường 9, TP. Vũng Tàu cho biết: “Ông Yêm cao tuổi nhất trong chúng tôi nhưng tâm hồn luôn tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy sức trẻ. Nhờ những người như ông mà âm nhạc truyền thống được bảo lưu, gìn giữ, phong trào văn nghệ không bị mai một”.

Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN

.
.
.