.
NGĂN KÉO THỜI GIAN

Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

Cập nhật: 17:00, 16/06/2023 (GMT+7)

Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.

Bùi Giang thời còn dạy học. Và một số tác phẩm của Bùi Giáng.
Bùi Giáng thời còn dạy học, một số tác phẩm của ông.

Hầu hết thơ của ông là thơ… tán gái, mà toàn là gái đẹp bởi Bùi Giáng yêu toàn những mỹ nhân trong nước và trên thế giới. Tình yêu của Bùi Giáng cũng rất lạ lùng, yêu trong mộng tưởng, cứ việc thấy người đẹp là yêu, yêu điên cuồng, làm thơ tặng điên cuồng không cần biết mỹ nhân đó có đáp lại tình yêu của mình không.

Chính vì cuộc đời kỳ lạ của Bùi Giáng mà quanh ông có rất nhiều huyền thoại, nhất là huyện thoại yêu đương. Và cũng chính vì tình yêu lạ kỳ đối với phụ nữ mà Bùi Giáng là một người đàn ông vô cùng hạnh phúc trong tình yêu. Ông không bao giờ biết đau khổ khi yêu từ lúc sinh ra cho tới khi nhắm mắt về bên kia thế giới. Và ở đó có thể gọi là “cõi khác” của Bùi Giáng, chính nơi đó ông sẽ còn tiếp tục cuộc rong chơi và yêu đương bất tận.

Nếu tính theo gia phả, Bùi Giáng thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi sinh ra trên đất Quảng Nam vốn nổi tiếng từ lâu bởi hai câu thơ thuộc hàng “đặc sản”:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say…

Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, mẹ Bùi Giáng là bà Huỳnh Thị Kiền, bà không phải chính thất mà là thứ thất do bà vợ cả của ông Bùi Thuyên mất sớm nên cưới bà Huỳnh Thị Kiền làm vợ kế. Bùi Giáng là con trai thứ của ông bà Bùi Thuyên nhưng tính theo thứ tự anh em trong “đại gia đình” thì Bùi Giáng thứ sáu nên gọi theo kiểu Nam Bộ khi Bùi Giáng đã vào Sài Gòn thì ông là… Sáu Giáng.

Chính Bùi Giáng cũng rất thích tên gọi đặc sệt Nam Bộ này khi anh em trong giới văn nghệ Sài Gòn thời đó gọi để trêu đùa ông. Và nhiều lần Bùi Giáng cũng tự xưng mình là Sáu Giáng, cụ thể có bài thơ Bùi Giáng đã viết:

Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?

Và cô có phải cô Bông năm nào

Anh còn nhờ rõ, ôi chao

Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh

Anh điên mà dzui dzẻ thập thành

Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu!

Sáu Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ở bậc tiểu học Sáu Giáng học Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hết bậc tiểu học, Sáu Giáng ra Huế học bậc trung học ở Trường Trung học Thuận Hóa. Chưa hết bậc trung học thì chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, lan tới Việt Nam. Lợi dụng cơ hội Nhật hất cẳng Pháp, rồi đến Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Bùi Giáng tiếp tục học lại và lấy được bằng Thành Chung.

Bỏ học giữa chừng làm …thi sĩ chăn bò

Sáu Giáng cưới vợ rất sớm vào năm 1944, khi đó ông mới 18 tuổi. Vợ ông là bà Phạm Thị Ninh, nổi tiếng xinh đẹp trong vùng nhưng chẳng may bị bạo bệnh và khi mang thai lại sinh non nên cả hai mẹ con đều thiệt mạng. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến con người có máu điên từ nhỏ như Bùi Giáng bùng phát thành những cơn điên khi tuổi ông còn rất trẻ.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Bùi Giáng bỏ học theo kháng chiến. Năm 1950, Liên khu V tổ chức kỳ thi tú tài đặc biệt, Bùi Giáng đi thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Sau đó Bùi Giáng đi bộ ròng rã một tháng rưỡi theo đường mòn trên núi qua Liên khu IV tới Hà Tĩnh để tiếp tục vào đại học. Nhưng ông lại bỏ ngang trong ngày khai giảng để trở về quê ở Quảng Nam… chăn bò, rong ruỗi theo đàn bò khắp các vùng đồi núi Trung Phước suốt 2 năm trời và làm thơ.

Trong giai đoạn này Bùi Giáng làm rất nhiều thơ, trong đó có bài “Nỗi lòng Tô Vũ”, có lẽ Bùi Giáng tự ví mình như ông Tô Vũ ngày xưa chăn dê 15 năm trên núi nên ông nhìn những con bò thành những con dê mà toàn là dê cái rồi làm thơ để… ca ngợi hết lời, hết tình.

Bài “Nỗi lòng Tô Vũ” dài tới 60 câu, được cho là bài thơ hay nhất trong thời kỳ chăn bò của Sáu Giáng (1950-1952) thời kỳ rất mực lãng mạn của nhà thơ họ Bùi vì hầu như ông chỉ sống với những đồi sim trái chín, đàn bò mà ông cho là…đàn dê, và lũ chuồn chuồn châu chấu luôn lượn lờ trong sương, trong mây ngay chỗ ông nằm khễnh vê râu ngắm trời, ngắm đất. Sau này bài thơ “Nỗi lòng Tô Vũ” được in trong tập thơ Mưa Nguồn, tập thơ ghi dấu ấn trong hàng loạt những tác phẩm đồ sộ của Bùi Giáng về sau này với NXB An Tiêm.

Anh Sáu Giáng đã ca ngợi những con bò biến thành những “em” dê và trân trọng trao tặng các “nàng” những chiếc vòng mây đủ sắc màu để làm vật trang sức, kỷ niệm tình yêu rất hư không, rất mộng tưởng của một anh chàng cực kỳ lãng mạn như sau:

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi thắm

Này em Vàng chiếc vòng trắng há mờ đâu

Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh

Này đây em Hoa Cà hỡi! chiếc nâu!

Những chiếc vòng cầu hôn cho các “em” dê này không phải là vòng tưởng tượng mà Bùi Giáng đích thân đeo vào cổ cho các “em” như gửi vào đó cả lời ước thệ, thề nguyền trăm năm. Không phải lời khuôn sáo mà toàn là lời như đinh đóng cột:

Ngẩng đầu lên, dê ơi anh thong thả

Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh

Ngẩn đầu lên, đây lòng anh vàng đá

Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên

Và giờ đây một lời thề đã thốt

Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta

Cao lời ca bê hê em cùng thốt

Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha.

Nhân cách hóa những con vật thành người yêu mộng tưởng

Bùi Giáng trong cơn điên tình yêu mộng tưởng đã nhân cách hóa những “em” dê thành những cô gái, những người phụ nữ nào đó mà ông đã yêu bằng một tình yêu say đắm, thiết tha. Trong trí tưởng tượng của ông (Bùi Giáng luôn nghĩ là thật), tình yêu không chỉ đẹp nồng nàn, chan chứa niềm vui hạnh phúc mà luôn báo hiệu sự chia lìa, nghẹn ngào nước mắt. Những câu thơ của Bùi Giáng gửi vào chiếc vòng cầu hôn thật buồn, đọc mà nghe rưng rưng:

Ngẩng đâu lên nhìn anh mờ mắt lệ

Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi

Trao người em trăm năm lời ước thệ

Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi

Em nhớ hay không lời hoa dại cỏ

Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya

Vàng cao gót nơi đầu buông hãi sợ

Gió cây rung trút lá mộng tan lìa!

Sau khi chán chuyện theo đàn bò ngao du sơn thủy, năm 1952, Bùi Giáng ra Huế học để thi lấy bằng “tú tài tương đương” với mục đích vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn Khoa, nhưng khi tới trường dò xem danh sách những giáo sư sẽ dạy mình Bùi Giáng liền bỏ ngang không thèm học.

Từ đó ông không bao giờ đi thi nữa mà tự học. Bùi Giáng học rất giỏi, tư chất thông minh. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức… nghiên cứu sâu những tư tưởng triết học của Jean Paul Sartre, Heidegger, Nietzche, Camus… những tác giả văn học lừng lẫy: Henry Miller, Somerset Maugham, Simone de Beauvoire, Sagan St Exup éry, André Gide, Gérard de Nerval, René Char. Simone Weil, Wall Whitman… kể cả những “ông thầy” triết học Đông Phương như: Khổng Tử, Lão Tử và các đạo giáo: Phật, Thiên Chúa… rồi Nguyễn Du, Huy Cận… Và cũng có lẽ vì đọc nhiều, nghiên cứu nhiều những tư tưởng, triết học Đông, Tây, Kim, Cổ mà không “dẫn lưu” được nên Bùi Giáng giống như một cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung không đả thông được kinh mạch nên đã bị… tẩu hỏa nhập ma.

Nhưng rồi Bùi Giáng đã tự giải tỏa “xung lực” của mình bằng ngòi bút, ông không chỉ làm thơ mà còn viết biên khảo, dịch thuật, phê bình…Thời kỳ đầu để có tiền in tác phẩm Bùi Giáng đã bán hết đất đai, ruộng vườn được thừa kế để in sách, về sau một nhà sư có máu văn nghệ chủ trương NXB An Tiêm, một nhà xuất bản nổi tiếng, nghiêm túc, in rất đẹp đó là thầy Thanh Thuệ đặc biệt rất “mê” Bùi Giáng nên ưu tiên in sách của ông.

Năm 1957, Bùi Giáng đã in những tập khảo luận về Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Chinh phụ ngâm…Từ năm 1962, sách của Bùi Giáng in và phát hành liên tục, có tháng ra đến 4-5 đầu sách mà cuốn nào cũng dày cộm cỡ 2, 3 trăm trang trở lên.

Thơ thì Bùi Giáng có trên ngàn bài, tập trung in thành tác phẩm vào thời kỳ đầu là những cuốn: Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột… sách dịch thuật, trước tác của Bùi Giáng rất nhiều không thể kể hết có thể chất thành đống cao cả thước, chiếm kỷ lục so với các tác giả khác ở Sài Gòn và cả miền Nam lúc đó. Nhưng sách của Bùi Giáng phải đọc chậm, nghiền ngẫm từng câu chữ, có cuốn đọc dễ hiểu, có cuốn đọc… hiểu chết liền!

(Còn tiếp)

TỪ KẾ TƯỜNG

Đã có rất nhiều người viết về Bùi Giáng, nên chuyện về “Trung niên thi sĩ Bùi Giàng Búi” - Tên do ông tự đặt không còn xa lạ nữa. Lạ chăng là ở cách nhìn của mỗi người về cuộc “giả điên” của ông - Đây là cách gọi của tôi, vì tôi chưa bao giờ cho là Bùi Giáng điên cả. Có chăng, với ông, điên cũng là một cuộc chơi, trong kiếp nhân sinh này.

Do tôi từng tiếp xúc với nhà thơ Bùi Giáng cả trước và sau năm 1975, đặc biệt có nhiều lúc ông tới Tòa soạn Báo CATP tìm anh em chúng tôi để xin tiền trả tiền xe xích lô. Lúc đó ông cứ xin 20.000 đồng cho một cuốc xích lô không biết khởi hành từ đâu, nhưng trạm “trung chuyển” là tòa soạn Báo CATP. Có những lúc tôi gặp ông bên ngoài Tòa soạn báo, ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng nằm trên đường Bà Lê Chân gần chợ Tân Định Q1 (TP.HCM). Rồi sau này trước khi ông mất tôi có thời gian ngắn làm việc với chị Kim Cương, có hỏi về ông và có nghe chị Kim Cương kể về mối quan hệ giữa chị và Bùi Giáng.

Chị Kim Cương kể không nhiều, nhưng lại là những tư liệc xác thực chứ không như giai thoại, lời đồn, hoặc thêu dệt. Tôi quyết định đăng bài Ghi chép này, có hiệu đính, bổ sung từ nhiều nguồn tư liệu về Bùi Giáng. Bài viết coi như một cách nhìn tổng quan về Bùi Giáng, và cũng coi như góp thêm một cái nhìn về “Trung niên thi sĩ Bùi Giàng Búi” đã được nhiều thế hệ yêu mến, trong đó có tôi về sự tài hoa rất mực và tính cách điên rất văn nghệ của ông. Và cũng là một kỷ niệm đáng nhớ về “một thi sĩ đích thực” đã khuất.

 

.
.
.