Ngày sách nghĩ về văn hóa đọc
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay được xác lập bằng một chuỗi sự kiện sôi nổi và thiết thực trên khắp cả nước. Xây dựng và bồi đắp văn hóa đọc được xem như một sứ mệnh chung của cộng đồng, trách nhiệm hành động không của riêng ai và thành quả thụ hưởng cũng không bỏ quên ai.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Nguyễn Quang Thiều giới thiệu sách đến độc giả nhỏ tuổi. |
Tỷ lệ đọc của người Việt tăng 12%
Từ rất xa xưa, ông bà chúng ta đã có câu “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao thượng). Ý niệm ấy tuy hơi có chút thiên vị cho các nho sinh, nhưng không phải hoàn toàn vô lý. Bởi lẽ, đọc sách đâu phải một thú vui lúc nhàn rỗi, mà là một thói quen để hình thành sự tu dưỡng cho mỗi người. Hình ảnh đứa trẻ ngồi trên lưng trâu đọc sách, dù cách đây vài trăm nay hay xảy ra ngay bây giờ, vẫn là hình ảnh đáng trân trọng nhất, đáng hy vọng nhất.
Người Việt có truyền thống hiếu học. Đọc sách là khởi điểm của sự học, học tự giác, học suốt đời. Chính tinh thần ấy mà bước vào kỷ nguyên hội nhập, giữa rất nhiều ngổn ngang danh lợi thử thách nền tảng đạo đức và nhân tính của dân tộc, việc thúc đẩy nhu cầu đọc sách đã được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành.
Năm 2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Ngày 21/4 được chọn làm Ngày Sách Việt Nam vì gắn với mốc lịch sử cuốn “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, bởi bàn tay những người thợ in Việt Nam. Từ cơ sở Ngày Sách Việt Nam, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định nâng cấp Ngày Sách Việt Nam lên thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với quy mô toàn quốc.
Thị trường xuất bản nước ta sau khi được xã hội hóa bằng quy chế cho các công ty tư nhân tham gia vào quá trình làm sách, thì có thêm một cú hích là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường xuất bản nước ta vẫn còn nằm ở mức khiêm tốn, nếu nhìn vào con số doanh thu.
Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành tiết lộ, với nhiều nỗ lực kích hoạt từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ đọc của người Việt đã tăng khoảng 12%. Cụ thể, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ loanh quanh 4,1 đầu sách/ người/ năm.
Trung bình mỗi năm thị trường xuất bản nước ta tung ra hơn 400 triệu bản sách, nhưng sách giáo khoa và sách tham khảo đã là 300 triệu bản sách. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 100 triệu dân Việt Nam, thì mỗi người chỉ đọc đúng 1 cuốn sách/ năm. Dù muốn dù không, vẫn phải thừa nhận sức đọc của người Việt vẫn còn rất thấp. Cho nên, không có gì khó hiểu, khi Malaysia có dân số bằng 1/3 nhưng doanh thu ngành sách gấp 4 lần Việt Nam, khi Thái Lan có dân số bằng 1/2 nhưng doanh thu ngành sách gấp 5 lần Việt Nam. Đáng nể hơn, Hàn Quốc có dân số phân nửa Việt Nam nhưng doanh thu ngành sách của Hàn Quốc gấp 52 lần Việt Nam.
Sự ra đời của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một thái độ đúng đắn và cần thiết, sẽ làm đòn bẩy hiệu quả cho tốc độ tăng trưởng của thị trường xuất bản nước ta. Tuy nhiên, hóa đơn bán hàng của ngành sách, chỉ là dấu hiệu khởi đầu chứ chưa phải yếu tố quyết định để xây dựng văn hóa đọc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh |
Đọc sách trên con đường văn hóa Việt Nam
Khái niệm văn hóa đọc không căn cứ vào ý nguyện một lĩnh vực hoặc một nhóm người, mà được xét trên bình diện quốc gia. Văn hóa đọc phải được hình thành ở từng cá nhân theo các tiêu chí cơ bản, bao gồm thói quen đọc sách, sở thích đọc sách và kỹ năng đọc sách.
Cầm lấy cuốn sách, mỗi người có một cảm xúc riêng, mỗi người có một tâm trạng riêng, và thậm chí mỗi người có một toan tính riêng. Thế nhưng, cầm lấy cuốn sách đã là một sự chọn lựa thú vị giữa cuộc sống nhiều bon chen danh lợi. Cầm lấy cuốn sách, độc giả có thể không cần biết hành trình từ bàn viết tác giả đến cánh cổng nhà in, mà độc giả rất cần suy ngẫm hành trình từ cá nhân đến cộng đồng, từ hiện tại đến tương lai. Bởi lẽ, đó chính là câu chuyện của văn hóa đọc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có mấy chục năm đi khắp nơi để truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ, không ngần ngại thổ lộ: “Bấy lâu nay, trên các hãng truyền thông, không ít học giả cứ băn khoăn về văn hóa đọc. Có người tỏ ra bi quan. Có người hoàn toàn tuyệt vọng. Hình như người Việt đã mất thói quen đọc sách? Đó là dấu hiệu đáng lo sợ.
Tuy nhiên, nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách, thì tôi lại nghi ngờ. Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân, nhưng phần lớn các nhà xuất bản lại liên kết với các công ty tư nhân. Họ in sách hoàn toàn vì lợi nhuận, cứ cuốn sách nào ăn khách thì in.
Nhờ thế, chúng ta có được rất nhiều tác phẩm đặc sắc của tinh hoa nhân loại. Dù chỉ có một mục đích thực dụng, mục đích duy nhất là kiếm tiền, nhưng các nhà “buôn sách” ấy lại làm được một nghĩa vụ cao cả và linh thiêng: Nâng cao dân trí đất nước. Một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng quốc tế, thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn sách còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam bây giờ, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu”.
Dù nhìn ở góc độ nào, thì mức độ thành bại của văn hóa đọc cũng phải bắt đầu từ số lượng người đọc sách. Nếu mỗi cuốn sách chỉ in vỏn vẹn trên dưới 1.000 bản ở một đất nước có 100 triệu dân, thì ước mơ về một nền văn hóa đọc bền vững e chừng hơi xa vời.
Làm sao để phát triển thị trường sách thật nhộn nhịp từ thành thị đến nông thôn? Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị: “Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Tức là có thị trường. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách. Lập lại chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” trên truyền hình, trên báo chí.
Xuất bản cũng là kinh doanh. Kinh doanh phải có thương hiệu. Thương hiệu được tạo nên bởi sự khác biệt. Chúng ta có nhiều nhà xuất bản, mỗi nhà xuất bản phải có thương hiệu của riêng mình, để không lẫn với các nhà xuất bản khác. Nếu tất cả nhà xuất bản giống nhau thì chắc chỉ cần một nhà xuất bản. Kinh doanh cần giới thiệu, quảng bá.
Các nhà sách đang “nghèo” sẽ thật khó khăn trong quảng bá. Các nhà mạng viễn thông Việt Nam có thể giúp xuất bản Việt Nam, giúp sách Việt Nam bằng cách mỗi tuần chuyển miễn phí một tin nhắn về sách tới người dân không? Hành động này có thể nhỏ, nhưng với sách thì lại là quá lớn.
Chuyển đổi số ngành xuất bản và chung tay Việt Nam cho sách Việt Nam là lời giải. Sách muốn tái sinh vẫn phải đi con đường Việt Nam, tức là dân tộc hóa, vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng”.
Cần hiểu cho thật nghiêm túc, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam chính là tiếng còi báo hiệu mỗi người dân tích cực rời khỏi vạch xuất phát trên con đường xây dựng văn hóa đọc quốc gia. Con đường ấy còn rất dài, còn rất xa, mà mỗi người dân phải cầm lấy cuốn sách như một niềm tin bền vững. Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc của dân tộc Việt Nam.
LÊ THIẾU NHƠN