Sức nóng như gom lại trong lòng thành phố. Niềm ước ao của mọi người là mưa, dù ít ỏi cũng được. Niềm mong đợi cũng đã đến. Mưa như sự ban ơn của trời đất. Nhưng sau cơn mưa ngày nắng lại gắt hơn. 11giờ trưa ra đường nắng như đốt, hơi nóng bốc lên hừng hực mặt đường nhựa. Phụ nữ đi đường trùm kín mặt mũi. Nắng tháng ba tháng tư xưa nay là vậy!
Minh họa: MINH SƠN |
Tôi cho xe vô cổng nhà, chợt má tôi gọi: “Để xe ngoài đó, chút đi công chuyện với má”. “Đi đâu má?” “Đi về vườn thăm cậu Năm của bây, nghe cậu không được khỏe”. Tôi cũng khoái trong lòng vì được về thăm quê.
Xe rời thành phố, ra quận, huyện vào đường nông thôn. Đường quê đâu đâu cũng được tráng xi măng láng mịn. Tôi nhớ ngày xưa về đây phải qua nhiều cây cầu khỉ. Có cây bắc sáu, bảy nhịp. Nhờ những chuyến về quê ngoại mà tôi biết đi cầu khỉ, biết bơi lội, biết trầm mình xuống dòng kênh mò hến, bắt cua. Cũng bởi trải nghiệm này mà tôi tán dóc, lên lớp với bọn con nít thành thị không biết bơi, thấy nước là sợ cóng chân. Nó luôn coi tôi là thần tượng về sông nước. Hai từ sông nước đã đi vào ký ức tuổi thơ bình yên và đẹp đẽ của tôi.
Cậu Năm ốm mấy ngày đang nằm trên ghế xích đu, mặt hướng ra sân, đôi tròng mắt lờ mờ đục. Cậu thấy má tôi về mừng đưa bàn tay chào và mắng yêu tôi: “Dữ hông, lâu lắm mới dắt thằng nhóc về thăm cậu”.
Bữa cơm quê đạm bạc nhưng đầy ký ức.
Cậu kể: Sau Tết Ất Mão 1975 vùng quê nhốn nháo chờ đón hòa bình, dân quê cũng đoán biết phần nào cái kết của cuộc chiến tranh dai dẳng. Người dân tản cư lần lượt về sửa sang lại mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Về mà trong tư thế nơm nớp lo sợ bom đạn chết chóc, và sẵn sàng cuốn gói ra đi nếu không yên ổn. Má tôi năm ấy mười hai tuổi, nhà chỉ còn ba người: bà ngoại và cậu Năm, cậu Tư thì đi cách mạng biệt mù tăm hơi không biết nơi nào.
Ngoại thấy trời oi bức, tay cầm cây quạt mo, nói: “Nói sắp mưa đó nghen, các con coi củi khô đem vô cự”. Ngoại nói không bao lâu, thì trời đổ mưa, mưa kéo theo giông gió. Cậu Năm cởi áo tót ra sân, trời gần tạnh mưa, cậu ì ạch kéo về một bao bỏ trước sân, má tôi đến mở ra, ôi toàn là xoài. Bởi vì nắng lâu ngày rồi mưa giông nên xoài rụng đầy gốc bỏ không ai lượm.
Má tôi nghe nói xoài cũng mê lắm thoát ra sân khi trời còn mưa lất phất. Hơn giờ sau mưa tạnh hẳn, má tôi mình mẩy ướt nhem vô nhà nói nhỏ với cậu Năm, cậu tót ra sau nhà một lúc vác vô một bao để trước sân, ngoại tưởng là xoài, nên cằn nhằn: “Lượm chi ba đồ này để thúi hôi ai mà ăn?”. Nhưng rồi ngoại mở ra xem thấy toàn là ốc.
Thấy ốc mắt ngoại sáng lên, nói: “Ốc đầu mùa mập ngon lắm. Chiều nay các con đốn chuối cây vô đây tao làm gỏi cho mà ăn”. Ngoại là người làm gỏi ốc ngon số một. Xưa người miền quê sống tương thân, tương ái lắm, nhà nào có món ngon vật lạ hoặc làm bánh thì bưng cho mấy nhà lân cận! Món gỏi ốc dễ làm, ai cũng làm được, nhưng cách nêm nếm của ngoại không phải ai cũng làm được.
Ngoại nói: “Làm gỏi ốc ai cũng biết nhưng phải bắt đầu từ nồi ốc luộc. Trước khi luộc phải chà, rửa vỏ ốc cho thật sạch vì ốc dính bùn đất và rong rêu. Sau khi chà xong ngâm nước cơm vài giờ cho ốc nhả thức ăn ra, đến khi thấy ốc sạch ruột mới cho vô nồi. Cách nấu ốc cũng phải có cách, trước nhất ngoại hái đọt ổi non lót phía đáy nồi rồi mới nấu.
Lá ổi có chất chát đánh tan chất nhớt của ốc và mùi lá ổi thơm thấm vào mặt ốc thơm lừng. Làm kỹ như vậy mặt ốc lể ra trắng bóc, ruột sạch trơn, thơm ngon, còn chuối cây rau rém phải là cây chuối mập non tơ lột ra chỉ còn cái lõi, xắt thật nhuyễn ngâm chút muối cho rau dịu không bị giòn. Nước giấm nêm nếm chút đường, gia vị cho vừa ăn, mới trộn ốc vào để mười lăm phút cho thấm nước gỏi. Nhìn dĩa gỏi trắng tươi, mùi rau răm thơm phức, mặt ốc mập ú thấy thèm!
Bữa cơm chiều vừa dọn ra chưa ăn, lính tràn vào nhà. Cậu chỉ kịp chui xuống hầm. Khác hơn mọi khi. Lính mặt mày hung dữ lần này thằng nào cũng mặt bí xị, nói nhỏ nhẹ xin bữa cơm ăn rất dễ thương. Ngoại tôi lo sợ không biết có dấu vết gì của cậu Năm như quần áo là khổ cả nhà. May, cậu không để lại gì, thường khi lính vào nhà hạch hỏi đủ điều lần này chỉ xin cơm ăn thôi.
Ngoại thấy vậy múc cho một tô gỏi ốc và thau cơm. Ăn xong, đám lính cảm ơn, khen gỏi ốc ngon, và nói nhỏ với ngoại tôi: “Tụi con bỏ ngũ về nhà!”. Khi lính đi rồi, cả xóm nhôn nhao: “Hòa bình rồi! Hết giặc rồi!”. Lúc bấy giờ bộ đội đã ra tiếp quản ở thành phố, và các điểm then chốt.
Nhà ngoại tôi từ ấy vui hẳn lên, nhộn nhịp hẳn lên. Người trong xóm vật heo gà ăn mừng. Cậu Năm cũng về kéo theo bộ đội về ca hát vui thật vui. Ngoại tôi mừng mừng tủi tủi, nói: “Thương mấy đứa cháu không thấy được ngày hòa bình thống nhất!”.
Chuyện quá khứ qua lâu, mà hôm nay tôi mới nghe cậu kể má tôi bắt ốc cả bao vác không nổi, về kêu cậu vác, tôi hỏi má: “Ốc ở đâu mà nhiều dữ vậy má?”. Má nói: “Ngày xưa vùng quê làm ruộng năm chỉ có vụ, trồng lúa mùa qua Tết mới thu hoạch. Khi thu hoạch bỏ đất hoang, con ốc bị nắng vùi xuống đất, khi trời mưa xuống bò đi kiếm ăn. Có năm nắng hạn lâu như năm 1975, nắng kéo dài ốc nằm vùi dưới đất chờ. Những hạt mưa đầu mùa rơi xuống làm ướt đất, ốc bò lên đầy ruộng, người đi đồng mặc sức mà lượm.
Ốc ở quê có quanh năm ở ao, mương, nhưng ngon nhất là ốc đầu mùa. Vì con ốc đã nhịn ăn ngót ba tháng trời, ốc chỉ sống nhờ chất nhờn trong cơ thể. Ốc rất sạch và mập”.
Nghe má tôi kể, tôi biết thêm về con cua ốc, cá tôm ở miệt đồng. Người quê hầu như không phải mua thức ăn ở chợ. Cuộc sống vì thế rất an nhàn và trầm lặng. Chòm xóm cũng thương mến nhau.
Gần năm mươi năm đi qua, mọi thứ trở thành quá khứ, nhưng với tôi cái quá khứ đẹp đẽ của vùng quê ngoại sao mà tha thiết, ngọt ngào.
Mưa đầu mùa, chỉ con ốc con cua thôi cũng làm cho tôi yêu mến quê ngoại đến vô cùng. Mưa đầu mùa cũng là ký ức của một ngày đặc biệt lịch sử, kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước. Ngày đã cho tôi một hướng đi mới, đầy tình yêu thương, hình ảnh cây cầu tre và con lộ quanh co lối đi về nhà ngoại không còn, nay dù đã thay bằng lộ xi măng 4 mét nhưng thấp thoáng vẫn còn một nét chân quê không thay đổi.
Má là cái bóng của ngoại đã che cho tôi râm mát trong tình yêu thương bất tận.
Truyện ngắn của: NHẬT HỒNG