Lưu giữ nét văn hóa dân tộc

Thứ Sáu, 21/04/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng vui hội Sayangva của đồng bào dân tộc Châu Ro, hay hòa chung không khí ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer thì mới thấy hết được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của các dân tộc anh em đang sinh sống tại tỉnh. Tất cả tạo nên sự đa dạng và đậm đà văn hóa dân tộc của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Biểu diễn nhảy sạp tại ngày hội văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Châu Ro lần thứ X năm 2023 do UBND xã Long Tân, huyện Đất Đỏ tổ chức tối 16/4.
Biểu diễn nhảy sạp tại ngày hội văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Châu Ro lần thứ X năm 2023 do UBND xã Long Tân, huyện Đất Đỏ tổ chức tối 16/4.

Đa sắc màu văn hóa

Vào những ngày tháng 3 âm lịch, khi lúa, bắp đã “nằm yên” trong nhà, cũng là lúc đồng bào dân tộc Châu Ro (ở ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) lại vui hội Sayangva.

Năm nay, bà con tổ chức lễ hội vào ngày 16/4. Tại sân lễ Nhà văn hóa dân tộc ấp Tân Thuận, cây nêu được dựng theo nghi lễ truyền thống và lập bàn thờ cúng Yang (bồ lúa). Ngay từ sáng sớm, bà con đã tề tựu cùng nhau thực hiện nghi lễ truyền thống. Trong khi dưới bếp mọi người hối hả làm bánh giầy, nấu cơm lam, nấu canh bồi… thì ngoài sân, các thanh niên hồ hởi với những trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, bắn cung... trong tiếng cồng chiêng giục giã. Trẻ con cũng háo hức xem người lớn chơi trò chơi dân gian; tham gia thi cà kheo. Các em nhỏ hơn thì nhấp nhỏm theo mẹ xem nấu nướng và bày mâm lễ cúng.

Đêm xuống, trong khoảng sân của nhà văn hóa dân tộc, người Châu Ro đốt lửa cùng nhau tiếp tục nhảy múa, hát ca. Những người đánh cồng vừa đi quanh đống lửa vừa tấu lên tiếng cồng rộn rã. Họ đi theo chiều ngược kim đồng hồ, đánh tấu cồng theo vòng tròn từ ngoài vào cho đến sát gốc cây nêu. Giàn chiêng treo được những người phụ nữ đánh tấu lên hòa nhịp trong các điệu múa của các cô gái; trẻ con nhịp nhàng nhảy sạp. Riêng những người già thì ngồi bên chum rượu cần và hát đối - một tục lệ cổ xưa nhất của người Châu Ro.

Em Trần Thị Hồng Đào (dân tộc Châu Ro, hiện đang học lớp 8 Trường THCS Long Tân) bộc bạch: "Em là thành viên đội văn nghệ của Nhà văn hóa dân tộc ấp Tân Thuận, cùng tham gia luyện tập các tiết mục múa, hát truyền thống, nhảy sạp… để gìn giữ và lưu giữ nét văn hóa của người dân tộc Châu Ro".

Còn vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây (từ 14 đến 16/4), đồng bào dân tộc Khmer quy tụ về chùa Nam Sơn (tọa lạc Núi Lớn, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) để cùng nhau chúc mừng năm mới. Trong không khí náo nhiệt, ngày hội diễn ra với nhiều nghi lễ: đắp núi cát, tắm Phật cùng nhiều trò chơi dân gian, thu hút người dân địa phương và du khách.

Chị Lý Thị Ni (dân tộc Khmer, ngụ phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) vui vẻ cho biết: Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là Tết năm mới hay lễ “chịu tuổi”. Ngày đầu tiên của tết Chôl Chnăm Thmây được gọi là Maha Songkran, mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm vào buổi chiều, rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là Virak Wanabat, ngày vui chơi các trò chơi truyền thống tại chùa. Đến ngày tết thứ ba - ngày Tngay Leang Saka, mọi người dùng nước thơm để tắm Phật… “Ngày Tết cổ truyền, chúng tôi cùng nhau múa điệu múa rômvông; chơi trò chơi dân gian và tất cả đều tham gia lễ té nước như một cử chỉ cầu phúc an lành cho năm mới”, chị Lý Thị Ni bày tỏ.

Đồng bào dân tộc Khmer chơi trò chơi dân gian tại chùa Nam Sơn  (TP. Vũng Tàu).
Đồng bào dân tộc Khmer chơi trò chơi dân gian tại chùa Nam Sơn (TP. Vũng Tàu).

Gắn kết cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Xuân, là người uy tín trong đồng bào dân tộc ấp Tân Thuận chia sẻ, xã Long Tân có 178 hộ với 606 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Châu Ro, sinh sống tập trung tại ấp Tân Thuận. Cùng với lễ hội Sayangbri (lễ hội Thần rừng), Sayangva là 1 trong 2 lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng, để lại những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp của người Châu Ro.

“Trước kia lễ hội chỉ có đồng bào người Châu Ro tham dự. Sau này, có sự quan tâm, tương hỗ của các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng, lễ hội được mở rộng hơn trong cộng đồng và thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Điều này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Ðồng thời, khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số cùng chung sức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", bà Nguyễn Thị Xuân cho biết.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 650 hộ với hơn 3.900 người dân tộc Khmer. Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để đồng bào Khmer gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong phát triển lao động sản xuất, hướng đến cuộc sống mới khấm khá hơn, tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.