.
TẢN VĂN

Bông búp về nàng

Cập nhật: 19:47, 17/02/2023 (GMT+7)

Thời hiện đại có quá nhiều phương tiện giải trí trên mạng. Con người ngày nay tiếp xúc với thế giới ảo bất cứ lúc nào khi lướt internet nên cũng dân phôi pha những ký ức đẹp về cánh võng đưa và tiếng hát ru người mẹ mà hầu như câu hát ru nào cũng xuất phát từ kho tàng ca dao. Người xưa không có internet, chỉ có trí tưởng tượng phong phú và tâm hồn gắn chặt với thiên nhiên. Và thiên nhiên là mạch nguồn tuôn chảy của trái tim để hóa thành ca dao.

Có câu ca dao trở thành câu hát ru bên cánh võng tuổi thơ mà tôi nhớ mãi. Câu hát ru này lại lấy hình tượng một loại bông dân dã được trồng trước hiên nhà. Đó là bông trang. Và loài bông dân dã quê mùa này đã đi vào ca dao, trở thành câu hát ru em, ru con của người chị, bà mẹ quê bên cánh võng nuôi lớn một đời người:

“Gió đưa gió đẩy bông trang/ Bông búp về nàng, bông nở về anh...”

Bông trang không phải là hoa thượng lưu, quý phái mà là hoa trong vườn nhà, hiên nhà thậm chí là hoa trồng ven hàng rào. Sắc hoa dân dã, màu đậm dù là đỏ, trắng hay vàng. Mùi thơm bông trang cũng bình dị, không thơm nồng nàn, sang trọng mà chỉ thơm dịu, ngọt ngào. Đặc biệt bông trang có cái nhị hoa tươm mật ngọt hơi đắng một chút, trẻ con rất thích ngắt một cái bông trang, rút nhị, ngậm trong miệng và hút chất mật ngọt đắng này. Ngày nhỏ, tôi cũng thường hút vị mật ngọt đắng của nhị bông trang.

Tuy không phải là hoa đài các nhưng tinh khiết, vì thế nên bông trang dùng để cúng bàn thờ và mùi thơm của hoa như hòa quyện cùng khói nhang làm tăng sự nghiêm trang, tĩnh lặng của không gian ngôi nhà thờ, nếu ngôi nhà mang nét cổ xưa thì rất phù hợp. Có một câu ca dao đã thành câu hát ru:

“Gió đưa gió đẩy bông trang/ Bông búp về nàng, bông nở về anh...”.

Bông trang là loại hoa nhiều cánh nhỏ, đúng hơn là từng cọng nhỏ hình tròn gộp lại thành một đài hoa to cỡ miệng chén khi còn búp, chưa nở bung ra thì túm lại, giấu cái nhị tươm đầy một giọt mật vừa đủ đắng tê đầu lưỡi như giữ kín sự tinh khiết của từng cọng hoa. Nên có thể ví bông trang như lòng một cô thiếu nữ còn trinh trắng, cái nhị mật ngọt đắng ấy còm ươm trong nhị hoa, giấu kín, chưa bị gột rửa bởi mưa nắng, gió bụi phong trần.

Cho nên ý nghĩa của câu ca dao, hay câu hát ru: “Gió đưa gió đẩy bông trang/ Bông búp về nàng, bông nở về anh” thật thâm thúy. Đây là tình nghĩa, sự hy sinh của anh con trai, nhận về mình sự thiệt thòi, nhường cho cô gái-người mình yêu tất cả giá trị, hạnh phúc. Bởi theo nghĩa đen, ai cũng biết rằng khi hoa còn búp mới quý trọng, khi hoa đã nở thì nhị rửa, hương tàn. Cho nên, dù gió đưa, gió đẩy bông trang, người đàn ông luôn dành cho người mình yêu một bông còn búp, chỉ nhận về mình cái bông đã nở bung chẳng còn giá trị gì.

Ngày nhỏ tôi thường nghe má tôi hát ru em tôi câu ca dao này. Lớn lên tôi dần hiểu ra ý nghĩa thầm kín của nó và càng lớn tuổi càng hiểu rõ hơn, kính phục người xưa. Tại sao các cô, các chị, các bà cứ mải trách người đàn ông bội bạc mà không học thuộc câu ca dao này để biết người đàn ông đã thật sự hy sinh cho người mình yêu để luôn nhận về sự thua thiệt?

VÕ THU SƠN

.
.
.