.

Sau 80 năm, Đề cương văn hóa vẫn giữ nguyên sức sống

Cập nhật: 14:50, 27/02/2023 (GMT+7)

Sáng 27/2, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đến các điểm cầu địa phương. 

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có các ông: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL; Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (ảnh trên).

Ông Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ảnh dưới).

Báo cáo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vào thời gian này 80 năm về trước, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng (diễn ra từ ngày 25-28/2/1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hoá.

40 năm sau, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: "Đề cương văn hoá Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hoá Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hoá đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hoá Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam".

Trải qua 80 năm với nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người, đóng vai trò như một cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa của Việt Nam. Nó thể hiện tư duy, tầm nhìn, và sự quan tâm sâu sắc của Đảng trong phát triển văn hóa.

Các đại biểu thảo luận bàn tròn tại hội thảo. Ảnh: Phương Hà.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Phương Hà.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hóa phát triển.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - khởi nguồn và động lực phát triển” một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn của đề cương từ khi ra đời cho đến nay, là cơ sở để dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, đồng bào, chiến sĩ cả nước không ngừng nỗ lực, hăng hái đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

Trải qua 80 năm, đề cương đã góp phần hình thành văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Quá trình vận dụng kế thừa giá trị cốt lõi của đề cương trong việc xây dựng phát triển đất nước, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, đổi mới nội dung để đề cương phù hợp với bối cảnh lịch sử, thời đại. Vì vậy, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà quản lý nghiên cứu đóng góp ý kiến, công trình khoa học... nhằm tiếp tục xây dựng nền văn hóa dân tộc đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.

Tin, ảnh: AN NHIÊN

 

.
.
.