.
TẢN VĂN

Chạm vào hương Tết

Cập nhật: 20:00, 13/01/2023 (GMT+7)

Tôi có một thói quen, dịp khi Tết đến, tôi thường ngồi lại một mình và viết nhật ký trải lòng về những điều mình đã từng trải qua trong suốt 365 ngày với đủ đầy những dư vị và sắc màu của cuộc sống. Nhưng vẫn thích nhất là nghĩ về “hương vị” của Tết.

Ấy là những câu chuyện lướt qua trên từng bàn phím lách cách đêm khuya thanh vắng và những xúc cảm, những khoảnh khắc cứ ùa về, tuôn trào lấp đầy trái tim tôi. Lúc này đây là một cảm giác nhớ nhung da diết về bậc sinh thành. Nhớ mùi cơm mẹ nấu, nhớ mùi của gia đình, nhớ mùi đoàn tụ, mùi của mẹ, mùi quần áo mới mẹ mua cho chờ mãi chưa thấy đến sáng mùng 1 để được mặc... Thứ mùi ấy ám vào ký ức, qua bao tháng năm vẫn vẹn nguyên.

Con gái 5 tuổi hỏi “Mẹ ơi, Tết có mùi gì”. Trả lời sao cho con dễ hiểu nhỉ. Ấy là Tết có mùi ngọt ngào của tình yêu mẹ dành cho con. Mùi của chồi non, lộc biếc, của niềm hân hoan đoàn viên. Tự nhiên nhận ra, đã thật nhiều Tết rồi, gia đình nhỏ này chưa về quê... và ở đó có hương vị ngày Tết đậm đà.

Mùi Tết - cái mùi không có tên trong từ điển tiếng Việt, không thể miêu tả được bằng lời nhưng dường như ai cũng hiểu. Mùi đặc trưng nhất của Tết chính là sum vầy. Giống như tình yêu thương không có mùi nhưng là thứ tạo nên mùi vị Tết ấm áp, khó quên nhất.

Mỗi năm Tết có một mùi hương, mỗi năm thường có những kỷ niệm nhớ thương về Tết. Có khi là mùi mứt bị cháy, có khi là mùi khói rơm rạ tỏa lan hăng nồng khó tả. Thậm chí mùi ẩm mốc được lau dọn để đón xuân. Đó là mùi tết đẹp mộc mạc, bình dị như tâm hồn quê thuần khiết và hồn hậu.

Tết đến, cả nhà sum vầy bên nồi bánh chưng, vân vê từng “hạt ngọc trời” khi gói bánh cũng là mùi tết gợi bao cảm thức về một mùa vụ no đủ. Mẹ thích ngồi cạnh bếp lửa để hưởng cái không khí ấm cúng, cái mùi cay cay thơm thơm áo quần, đầu tóc. Mùi khói mỏng của nồi bánh chưng sôi bảng lảng bay lên từ chái bếp mà nghe lòng ấm áp đến lạ thường.

Rồi cả mùi thịt kho thơm nức mũi của bà ngoại. Giờ đây dù có hàng trăm công thức tìm thấy trên Google vẫn không thể nào tìm được cái mùi bà nấu khi xưa. Mẹ gọi đó là mùi nhớ.

Hay là mùi mứt gừng cay nồng, mứt dừa ngọt của cố ngoại khiến cả đám trẻ con thèm thuồng ăn không biết chán. Đợi cố không để ý, mẹ và đám trẻ con trong xóm len lén thò tay bốc một miếng cho vào miệng, tan chảy thơm ngọt với cái mùi vị không lẫn đâu được. Khi cố biết lại cười nắc nẻ xuýt xoa: “Ngon nhức nách luôn”…

Có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ cho mùi Tết với bao nỗi nhung nhớ thổn thức đong đầy mùi vị Tết. Chợt nhận ra, phải sớm đưa con gái về quê đón Tết cổ truyền, để con tự cảm nhận “mùi Tết”. Từ đó con tự thấy yêu hơn quê hương mình với tết cổ truyền đậm chất văn thơ từ ngàn xưa vẫn chảy đến hôm nay.

THÙY HƯƠNG

.
.
.