Sâu nặng nghĩa tình

Thứ Sáu, 13/01/2023, 20:03 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà văn Trần Công Tấn là nhân vật có nhiều nét riêng đặc biệt. Ông là cựu chiến sỹ quân tình nguyện Việt-Lào từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, được  Hoàng thân Xuphanuvông của nước bạn Lào  coi ông như con trai trong gia đình, đặt tên Xômbun Xuphanuvông, theo họ Hoàng thân. Xômbun-Trần Công Tấn quê Quảng Trị, sinh tại TP.Huế, làm việc tại Quảng Bình và TP.Hồ Chí Minh nhưng cuộc đời ông gần như gắn bó với quê hương thứ hai -xứ sở hoa Champa.

Trước ngày cúng ông Công-ông Táo, 23 tháng Chạp, mừng xuân Quý Mão, nhóm đồng nghiệp lớp đàn em ghé thăm và chúc Tết ông tại nhà riêng nằm trên đường Trịnh Hoài Đức, TP.Thủ Đức. Bước vào tuổi 93, so với các Tết trước sức khỏe của hai ông bà nhà văn, nhà giáo Xômbun-Trần Công Tấn & Phan Bích An giảm sút nhiều. Chúng tôi đến chúc Tết, ông bà rất vui thân mật hỏi tôi:

- Cụ Phan Quang đồng hương Quảng Trị  của Trần Công Tấn còn khỏe không, lâu nay điện thoại không được mà email cũng không?

Tôi mở ba lô lấy cuốn sách dày cộp 1.340 trang “Nghìn lẻ một đêm” của dịch giả Phan Quang, vừa tái bản lần thứ 45 (nhà XB Văn học & công ty Đông A ấn hành) tặng nhà văn Xômbun - Trần Công Tấn, thay cho sự trần tình về trí tuệ và nghĩa tĩnh của hai “lão tướng”. Ở tuổi ngoài cửu thập các bậc tiền bối đã ở vào chặng cuối cuộc đời, nhưng nghị lực, lòng yêu nghề của các cụ vẫn giàu sức sáng tạo thanh xuân.

Trong căn phòng khách ấm cúng tình gia đình, chúng tôi gặp cô con gái út Trần Thúy Vinh của nhà văn Xômbun-Trần Công Tấn là giảng viên Học viện âm nhạc ở Pháp định cư tại TP.Maisons Laffitte (Tây Paris) về thăm ba mẹ. Nhiều câu chuyện xa quê, chuyện đón Tết cổ truyền của kiều bào ta ở nước ngoài… được chị nhắc lại thật xúc động. Trần Thúy Vinh kể rằng, hơn 10 năm trước, khi cả nhà dọn về phố Tây-Maisons Laffitte định cư lâu dài, nhân đón Tết cổ truyền Việt Nam, nữ giảng viên âm nhạc làm bữa tiệc mời hơn chục bạn láng giềng đến uống rượu vang Đà Lạt, ăn nem cuốn Sài Gòn, thưởng thức bánh cốm Hà Nội chung vui cùng gia đình, ai cũng rất vui. Một bà lão người Pháp gốc Phi đứng lên bày tỏ sự cảm ơn, hóm hỉnh mà chân thành:

- Thì ra chúng tôi là láng giềng của nhau, ở đây đã mấy chục năm mà nhà ai biết nhà đó,  kín cổng cao tường. Tại sao bà Trần Thúy Vinh không dọn về đây sớm cho chúng tôi được biết nhau?

Cả hội bà con láng giềng phố Tây cười ồ lên vui vẻ và nồng ấm tình thân cùng uống hết ly rượu tết cổ truyền, thưởng thức các món ăn Việt Nam. Bán anh em xa mua láng giềng gần, sau lần đó năm nào vào dịp Tết cổ truyền, Trần Thúy Vinh lại tổ chức tiệc mời bạn láng giềng, tăng thêm tình thân ái bạn hữu bên nhau. Các con cháu của họ, nếu yêu âm nhạc và có hoàn cảnh khó khăn, chị mở lớp dạy nhạc lý cơ bản  miễn phí, nhân đó lan tỏa cho các cháu nhỏ xứ người “Tình yêu âm nhạc Việt”.

Nhà văn  Xômbun-Trần Công Tấn  ngồi cạnh góp vui cùng con gái và nhóm đồng nghiệp thua kém mình  vài chục tuổi đời:

- Thời trai trẻ, chiến đấu chống quân xâm lược cùng một kẻ thù chung trên đất bạn CHDCND Lào, sau này dịch thuật và sáng tạo nhiều tác phẩm về con người và đất nước Triệu Voi, tôi luôn luôn đan xen viết và kể  những mẩu chuyện nền văn hóa của đất Mẹ hai dân tộc Việt Nam và Lào. Và đến lượt Trần Thúy Vinh cũng đã làm được điều tốt đẹp này bên trời Âu. Kho sách của tôi, tài sản báo chí và văn học để lại, tôi sẽ dâng hiến cho các thư viện của Việt Nam và Lào. Thế giới này, tình yêu hòa bình, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đã, đang và sẽ mãi mãi là lẽ sống, đích đến mà ai cũng hướng tới.

Xế trưa, chúng tôi tạm biệt mái ấm gia đình của nhà văn Xômbun-Trần Công Tấn. Màn hình nhỏ giới thiệu chương trình thời sự đài truyền hình quốc gia đặt trong phòng khách đang giới thiệu phóng sự “Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào” và chuyến đi thăm hữu nghị chính thức đầu năm mới 2023-trước thềm tết cổ truyền Quý Mão của Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam tới Viêng Chăn, thủ đô CHDCND Lào.

Sự trùng hợp  thật thú vị, mang nhiều ý nghĩa nghĩa thời cuộc mà thấm đậm nghĩa tình  mùa xuân Quý Mão…

Xuân Quý Mão-2023

PHẠM QUỐC TOÀN

 
;
.