Ngày nhỏ khi tôi về ở bên nội, có miếng đất trống bên hông nhà, loại đất giồng má tôi trồng nhiều thứ tùy theo mùa. Khi thì trông khoai lang, khi trồng dưa hấu, dưa gang, khi lại trồng bắp. Nhưng tôi thích nhất khi má tôi trồng mía.
Đó là vào thời điểm cuối nắng đầu mưa. Má tôi trồng mía để ăn chứ không phải để bán nên chỉ chọn hai loại mía tây và mía ngự. Mía tây thân mập, tròn, lóng mía dài, vị ngọt thanh, vỏ cây mía màu trắng xanh phớt một lớp phấn trắng. Mía ngự cũng giống như mía tây, chỉ khác vỏ cây mía màu nâu tím, vị mía ngọt đậm. Mía tây không biết có phải xuất phảt xuất phát từ bên... Tây không, nhưng mía ngự nghe nói là loại mía ngày xưa trồng để tiến vua.
Khi bắt đầu chớm mưa, mảnh đất giồng bên hông nhà nội tôi được dọn sạch cỏ, má tôi cuốc đất vun thành những líp theo hàng ngang từ ranh đất bên phía nhà ông Bảy (em bà nội tôi) chạy dài sát vách nhà nội. Mội líp cách nhau khoảng 1m. Tôi không nhớ có bao nhiêu líp, nhưng trồng được rất nhiều mía. Khi mía phát triển, những tàu lá mía xanh mát mắt, ngút ngàn, tiếng những tàu lá má bị gió đưa, đánh vào nhau kêu xào xạc thành âm thanh rất đặc trưng của vườn mía.
Mía giống má tôi mua về chặt ra thành từng khúc đều nhau khoảng 30 cm cắm xiên giữa mỗi vồng mía cách nhau khoảng 1m. Cắm mía giống xuống đất trồng phải cắm xiên góc 30 độ để tránh nước mưa nhiểu xuống ngay đầu cây mía sẽ làm mía giống bị thối. Sau khi trồng, những cây mía giống lớn lên từng ngày, nẩy mầm theo lóng mía rồi thành cây mía con, phát triển thành bụi mía.
Tôi có nhiệm vụ theo dõi giồng mía, khi những bụi mía phát triển, cao dần thì cuốc đất vun lên vồng mía cho cao thành bờ mía, tôi làm đến đâu, má tôi bỏ phân mía ở phía sau. Giữa mùa mưa những cây mía đã cao, tới lứa tướt lá mía già hay còn gọi là “đánh lá mía”. Lúc này có thể thấy những lóng mía dài hơn, giúp cây mía vươn cao hơn. Mía càng cao phải đánh lá mía thường xuyên cho cây mía phát triển và tránh cây mía um tùm, lá nhiều bị mưa gió giật làm cây mía gãy.
Những năm tháng ở bên nội ba tôi đi kháng chiến xa nhà ông ít khi về. Nhà chỉ có bà nội tôi, má tôi và hai anh em tôi. Bà nội tôi già yếu hay húng hắng ho về đêm, nhất là những đêm trời trở gió. Em gái tôi còn nhỏ ngủ với má tôi giường bên, tôi ngủ một mình trên chiếc gường sát vách hông nhà, nghe tiếng lá mía xào xạc theo gió những khi trời mưa dầm, gió giật, tôi chỉ sợ sáng ra nhìn thấy những bờ mía tan tác với những bụi mía gãy đổ ngổn ngang.
Nhưng biết làm sao được, mưa gió lớn, nhất là gió bão đổ về những bụi mía um tùm thường gãy đổ. Sáng ra tôi và má tôi phải dọn dẹp những bờ mía, cây nào gãy ngang sẽ là... phần của tôi. Không gì thú vị bằng đứng tại bờ mía trong khoảng trời mùa đục, gió lành lạnh thổi từng cơn, để cây mía trốc gốc hay gãy đôi lên đầu gối bẻ rốp một tiếng, có những khúc mía, vừa dùng răng tướt vỏ mía, vừa cắn ăn những lóng mía ngọt lịm hương vị quê nhà.
Bây giờ ở quê tôi mà cũng có thể nhiều vùng miền khác không ai trồng mía cây để ăn hay bán ngoài thị trường. Người ta chỉ trồng mía lau để ép đường theo hợp đồng thu mua với các nhà máy đường. Nên mía cây để ăn như mía tây, mía ngự coi như mất giống.
Mấy hôm tôi định dọn một khoảng đất phía sau nhà dành chỗ để trồng mía để nhớ má tôi, nhớ kỷ niệm những năm tháng thơ ấu ở bên nội. Nhưng bây giờ làm sao kiếm được mía tây hoặc mía ngự làm giống để trồng cho kịp đầu mùa mưa? Bây giờ không ai đẩy những bó mía trên xe ba gác để đi rao mía đây…
HỒ AN