Ông Thiệt không phải người làng tôi.
Ngày trước ông ở tận La Gi, nghe đâu sống bằng nghề chẻ đá, công việc vất vả lại nguy hiểm, sức khỏe giảm sút sau bao nhiêu năm phải hít toàn bụi đá, vợ chồng ông đành dắt díu nhau tìm đến làng tôi.
Làng tôi lèo tèo mấy nóc nhà nằm rải rác dưới chân đồi, đất đai khô cứng, lưỡi cuốc cắm vào cũng bật ra vì đá. Người làng quanh năm không ra khỏi lũy tre làng, chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, đàn ông còn có nghề đóng gạch. Người thành phố xây nhà cũng tìm về làng tôi mua gạch, người ta khen gạch nung vừa lửa, đã chắc lại còn sắc cạnh.
Một ngày xuất hiện đôi vợ chồng độ tuổi trung niên, họ lang thang ngoài chợ, ai mướn gì làm nấy, tối về vạ vật ngủ trên sạp hàng. Người chồng cao lớn, thân hình rắn chắc, gương mặt vuông trông lầm lì nhưng miệng cười cho thấy là người hiền lành, vai khoác chiếc túi vải móp xọp, theo sau bà vợ da dẻ vàng ủng, thân hình đét lại như con cá khô trong bộ quần áo bạc phếch, chiếc mũ lá rách tưa tướp cũng không che được hai con mắt trắng dã lúc nào cũng len lét.
Minh họa: MINH SƠN |
Những ngày đầu vợ chồng ông Thiệt đã đến làng tôi trong bộ dạng nghèo khổ đến đáng thương. Bà con thương tình chỉ cái nền đất bỏ hoang ngoài gò Duối, trai làng xúm vào giúp một tay, mất ba ngày rồi cũng có chỗ cho vợ chồng ông chui ra chui vào tránh nắng mưa. Từ ngày về làng tôi, ông Thiệt theo đám đàn ông trong làng đi đóng gạch, công việc ổn định lại có tiền hơn là làm thuê ngoài chợ làng. Vợ ông ở nhà chăm luống rau, đàn gà. Cuộc sống vậy là tạm ổn.
Nhà ông Thiệt cách nhà nội tôi một vạt đất rộng. Mỗi sáng thức dậy nhìn ra tôi đã thấy ông Thiệt ngồi chẻ một đống củi rồi quảy đôi thùng ra cái giếng ở cuối làng gánh nước về đổ đầy mấy cái lu. Trong khi ông cặm cụi làm, bà vợ ngồi bên hiên bắt chéo chân nhìn ra, mặt mày quàu quạu. Xong việc ông Thiệt vào ăn chén cơm rồi ra lò đóng gạch đến tận tối mịt. Tụi trẻ con trong làng mỗi chiều thấy ông trở về, quần ống thấp ống cao, lưng áo ướt sũng mồ hôi, tụi nó xúm lại, đứa ôm chân, đứa nắm tay. Ông Thiệt chiều con nít chẳng ai bằng. Có lần tụi con Thóc, thằng Túc thả diều ngoài bãi, diều đứt dây mắc vào ngọn bạch đàn, tụi nó ngẩn ngơ tiếc cái diều thiệt đẹp mất hai ngày mới làm xong, đúng lúc ông Thiệt đi qua, thấy vậy trèo lên tận ngọn khều xuống. Mùa lụt nước từ trên nguồn đổ về, tụi nó hè nhau làm bè thả, ông Thiệt thấy vậy cũng hì hục làm giúp… lâu dần tụi nó thương ông, cứ có chuyện gì là đi tìm ông Thiệt mà nhờ.
Người làng bảo ông Thiệt thương trẻ nít vì ông không có con, hai vợ chồng lấy nhau hơn ba mươi năm đến giờ vẫn vậy. Người ta nhỏ to rằng, không con là do ông Thiệt nên bà vợ mặt mũi suốt ngày sưng sỉa, kiếm chuyện gây ông. Ông biết phận mình, cặm cụi làm phục dịch bà vợ cứ như cái nợ phải đeo mang.
Tụi con nít mỗi lần có chuyện gì đến nhà tìm ông luôn bị bà vợ đuổi xoe xóe, tụi trẻ đâm sợ, thấy bà ở đâu là tránh xa. Nhiều lần ông ngỏ ý với bà xem có đứa trẻ nào bị bỏ rơi thì xin về làm con nuôi, bà vợ nghe vậy lại nhảy lên xỉa xói. Người làng thương ông Thiệt bao nhiêu lại xa lánh bà vợ bấy nhiêu, người ta rỉ tai nhau, sáng nào hễ bước ra ngõ mà gặp bà Thiệt thì y như rằng xúi quẩy cả ngày.
Nhà thằng Mốc bên cạnh nhà ông Thiệt, hai nhà cách nhau cái hàng rào. Nhà Mốc đã nghèo lại đông con, anh chị nó lần lượt lên thành phố làm thuê kiếm sống. Mốc hiền lành chậm chạp, cha mẹ than thở tướng nó chắc chẳng nên cơm cháo gì, vậy là cha nó mua cho mấy con bò về chăn. Nghỉ hè, sáng sớm thằng Mốc đã lùa bò lên đồi cho ăn cỏ, nó mang theo cái cà mèn cơm, ăn luôn trong rẫy rồi chiều lùa bò về. Tụi con nít không mấy thích chơi với Mốc vì nó chậm chạp, không biết bày trò. Ngày ngày lùa bò lên đồi, Mốc làm bạn với cây sáo, chẳng biết ai dạy cho mà nó thổi sáo rất hay.
Tụi con Thóc và thằng Túc kể, có lần Mốc lùa bò lên rẫy, đem theo quyển vở ngồi học bài. Nó học say sưa quên cả trời chiều, đàn bò đi ăn xa, tìm chẳng thấy đâu Mốc lấy ống sáo ra thổi bản Quê em miền trung du đồng xanh lúa xanh rờn… đàn bò lần lượt kéo về. Nghe đâu cũng có lần thằng Mốc thả bò đi xa, vào sâu tận trong núi, nó say sưa thổi sáo để bò ăn lúa bên đồng ông Chữ làng bên, ông tức mình cột cổ con bò lại lôi về, đợi ba mẹ nó qua chuộc mới cho dắt về.
Đêm đó thằng Mốc bị cha nó đánh một trận tơi bời. Ngồi bên này nghe tiếng Mốc khóc lóc van xin, ông Thiệt xót ruột chạy qua can ngăn, xin cha thằng Mốc tha cho nó. Chẳng biết từ bao giờ ông Thiệt thương Mốc như con. Sáng nào ra lò gạch ông cũng chần chừ đợi nó lùa bò qua để hỏi một tiếng “Nay thả bò sớm hử con?”. “Trưa ăn trên rẫy sao đem cà mèn cơm vậy?” “Đài báo chiều nay mưa đó nghen, nhớ lùa bò về sớm”...
Những câu nói tưởng như bâng quơ nhưng lại khiến lòng ông ấm hơn khi được nhìn thấy nó, nghe nó trả lời. Ba mẹ Mốc cũng hay đùa “Ông đem nó về nuôi quách, tôi cho luôn!”. Lần nào nghe Mốc cũng im lặng lảng đi chỗ khác, chỉ có ông Thiệt là cười, ánh mắt trìu mến nhìn Mốc đang cắm mặt xuống mà buồn, tại nó biết nó là đứa khù khờ, chậm chạp chẳng được lanh lợi như các anh các chị trong nhà. Nó biết cha mẹ nó đùa, nhưng câu đùa đó lại chạm vào nỗi niềm của nó.
Ngoài việc chăn bò, Mốc còn gánh nước, mỗi ngày nó gánh chừng mười lăm đôi nước, gánh riết rồi nó không lớn nổi, trạc tuổi tôi nhưng Mốc thấp hơn tôi một cái đầu. Cái giếng nằm ở ngã ba làng, bên cây sung già, chẳng biết nó có từ bao giờ, nghe bà tôi kể từ lúc về làm dâu bà đã thấy nó ở đó rồi. Giếng rộng và sâu hun hút, nước quanh năm ăm ắp, trong veo, lại mát ngọt. Vậy mà hai năm trở lại đây giếng bỗng cạn hẳn. Mấy cụ già trong làng bảo, có lẽ mạch nước bị tắc nên nước giếng mỗi ngày một cạn, vào mùa hè có ngày giếng cạn trơ cả đáy vì người làng ra tắm giặt.
Buổi chiều, vừa lùa bò vào chuồng, Mốc quảy đôi gánh ra giếng. Chiều lại nước chỉ còn dưới đáy. Mốc buông gàu đứng chờ, nó ngước nhìn mảnh trăng đang ló lên sau mái đình. Trong màn chiều nhá nhem chợt nó nghe vẳng lại tiếng cười khúc khích từ cái chòi bỏ hoang giữa đồng. Mốc run rẩy liên tưởng đến chuyện con Thóc, thằng Túc kể có lần tụi nó từ rẫy về lúc trời chạng vạng chợt thấy có người đi trước, đầu đội cái nón cời, tay ôm cái mủng, hai đứa chạy lại nhưng không cách gì sáp gần được. Lúc đi qua bãi sình, con Thóc ngã cái “oạch”, thằng Túc chạy lại đỡ, ngẩng lên đã không thấy người kia đâu nữa, xung quanh là đồng không mông quạnh. Nhớ đến chuyện này, Mốc rùng mình vội vã kéo gàu lên để về, định bụng sáng mai thức dậy ra giếng gánh sớm. Không biết chúi người ra sao nó lộn nhào xuống, nước cạn đến bắp chân nhưng đầu nó táng vào thành giếng đau điếng. Mốc ngất lịm.
Tình cờ ông Thiệt đi về, mọi bữa ông về sớm hơn, nay ráng đóng thêm cho hết hàng gạch, chạng vạng ông mới đứng lên. Lúc về ngang qua giếng, trong màn chiều nhá nhem ông nhìn thấy đôi gánh của ai để cạnh đó nhưng chẳng thấy người, ông đi thẳng. Được một đoạn, linh tính ông quay lại nhìn đôi gánh một lần nữa, lúc này mới nhận ra đôi gánh của thằng Mốc vì quai móc ngắn hơn bình thường. Nhìn quanh không thấy Mốc đâu ông đến bên giếng. Trong bóng tối mờ mờ trong lòng giếng một khối đen sì ngồi bất động, ông vội vàng chạy về lấy cây đèn bão, cột dây thòng xuống, lúc này đàn ông trong làng cũng kéo đến giúp một tay. Ông Thiệt đu người vào dây tuột xuống. Thằng Mốc ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, nước giếng lúc này đã ngập tới cổ nó. Đưa được Mốc lên thì ông Thiệt cũng lả đi.
Đợi Mốc hoàn hồn trở lại, ba mẹ dắt qua nhà ông Thiệt cảm ơn, gọi là có chút quà. Ông Thiệt nhất định không nhận, ánh mắt trìu mến cứ nhìn về phía Mốc. Thằng Mốc từ lúc cha mẹ dắt qua nó đứng im thinh, mông lung nhìn ra đồng, chợt nó ngước nhìn cha mẹ, lí nhí “Con muốn kêu… ba Thiệt… bằng ba” giọng nó rưng rưng, quay sang ông Thiệt lúc này đang sững lại vì bất ngờ. Rồi không đợi cha mẹ nói gì, nó chạy lại ôm chầm ông Thiệt, dụi đầu vào thân hình đen đúa của ông. Ông Thiệt qua cơn xúc động, người bỗng mềm lại, ông quàng tay siết chặt thân hình gầy còm của nó, mấy ngón tay gân guốc quệt nước mắt, run run bật ra tiếng gọi “Con!”
Cha mẹ thằng Mốc lặng lẽ ra về, có lẽ ông bà muốn dành giây phút cảm động đó cho hai cha con. Hôm sau ông Thiệt qua xin cha mẹ thằng Mốc cho nó được ngủ lại nhà ông một đêm. Đêm đó, sau mấy mươi năm cưới vợ, lần đầu tiên trong nhà ông có tiếng cười con trẻ. Không biết ông kể chuyện gì mà thằng Mốc cười hích hích cả đêm khiến bà Thiệt nằm trong buồng phải vọng ra “Khuya rồi, hai cha con lo mà ngủ đi!”.
Từ ngày có bóng dáng Mốc chạy qua chạy lại, nghe tiếng nó gọi “mẹ”, bà Thiệt như trở thành một người khác, gương mặt lúc nào cũng cau có giờ đã giãn ra, bà cười nhiều hơn. Lần nào nhác thấy Mốc từ ngoài ngõ, trong này bà đã lật đật xuống nhà dưới, khi thì đem ra mấy trái chuối chín, lúc lại xới chén khoai đường.
Chiều nay Mốc lùa bò về, ông Thiệt tắm xong vừa ngồi vào mâm, nhìn ra đã thấy nó gánh nước đổ ào ào vô lu. Ông lật đật chạy ra, chân nó đã đến ngõ, còn quay lại cười “Ba hồi rày đau lưng, đừng gánh nước nữa! Để đó cho con!”.
Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO