Ngành VH-TT tỉnh đang tập trung trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử.
Người dân và du khách tham quan di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. |
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo) và di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu) là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Dẫu vậy, qua thời gian, các di tích quan trọng, thu hút người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu trở nên xuống cấp. Chính vì vậy, từ năm 2020 đến nay, Sở VH-TT đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan triển khai các dự án: Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; tu bổ, tôn tạo di tích Bạch Dinh; cắm mốc di tích trên địa bàn các huyện, thị thành phố, trừ huyện Côn Đảo với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Trong đó, di tích Bạch Dinh do Sở VH-TT làm chủ đầu tư hoàn thành công tác trùng tu năm 2021 và đưa vào mở cửa hoạt động, đón khách tham quan vào ngày 1/1/2022. Đơn vị chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, chỉnh trang cảnh quan di tích để phục vụ tốt nhất cho du khách khi đến tham quan.
Di tích Đình thần Phước Lễ toạ lạc tại phường Phước Trung, TP.Bà Rịa đã được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Nơi đây lưu giữ giá trị lịch sử lâu đời của vùng đất Bà Rịa, là địa chỉ văn hóa tâm linh, sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Tháng 8/2019, UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận Đình thần Phước Lễ là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2020, UBND TP. Bà Rịa đã triển khai tu bổ chống xuống cấp di tích này với tổng kinh phí 400 triệu đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử lẫn gắn kết cộng đồng cho cư dân địa phương.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 48 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. |
Ông Phan Lý Chinh Luân, Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Bà Rịa cho biết, hiện nay, TP.Bà Rịa đang quản lý 4 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh. Trong 5 năm qua, từ nguồn ngân sách tỉnh và thành phố, các di tích này thường xuyên được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng.
“TP. Bà Rịa cũng đã xây dựng các kế hoạch như là kế hoạch phát huy các giá trị lịch sử gắn với du lịch, phát huy truyền thống cách mạng gắn với các điểm đến du lịch của thành phố... nhằm để thu hút, phát triển du lịch đồng thời giáo dục cho người dân, con em chúng ta về lịch sử hào hùng của nhân dân thành phố”, ông Phan Lý Chinh Luân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT, từ nguồn ngân sách của tỉnh và xã hội hóa, giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh có 33 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Giai đoạn năm 2021- 2025, tỉnh tiếp tục đầu tư, tu bổ 3 di tích: Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo, di tích lịch sử địa đạo Hắc Dịch, di tích lịch sử địa đạo Kim Long với tổng mức đầu tư trên 326 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước, tỉnh và các địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội tham gia tu bổ, tôn tạo di tích, góp phần bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của từng di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG