.

Sắc màu lễ hội thành phố biển

Cập nhật: 18:54, 28/10/2022 (GMT+7)

Hơn 300 năm trước, theo hành trình mở cõi, lập nghiệp làm ăn ở vùng đất mới phương Nam, cư dân đã mang theo các tập tục tín ngưỡng, tôn giáo từ nơi quê hương bản quán vào hội nhập, dung hòa với tín ngưỡng của cư dân bản địa. Từ đó tạo nên sự đa dạng phong phú trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, lễ hội truyền thống tại Vũng Tàu đa dạng những sắc màu. 

Nghi thức cúng tại Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo lần thứ 722 năm 2022.
Nghi thức cúng tại Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo lần thứ 722 năm 2022. Ảnh: QUANH MINH

“Hút” khách du lịch

Lễ hội Trùng Cửu diễn ra ngày 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm tại Nhà Lớn Long Sơn có sức hút rất lớn với số lượng hơn 10 ngàn khách đến chiêm bái, trải nghiệm mỗi kỳ tổ chức. Đây là lễ hội độc đáo, riêng biệt ở tại xã đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

 Bà Lê Thị Kiềm, hậu duệ đời thứ 4 của ông Trần nói: Lễ hội Trùng Cửu được Nhà Lớn Long Sơn tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công ơn ông Trần (tức ông Lê Văn Mưu, 1855-1935) - người đã có công trong việc khai hoang, lập làng tại xã đảo Long Sơn.

Năm nay, Lễ hội diễn ra vào ngày 4/10 (ngày 9 tháng 9 Âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn đã dâng 69 mâm cỗ chay, trong đó độc đáo là món bánh quy, xôi, chè, trái cây được dâng lên các bàn thờ kỉnh Ông Trần. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ ông Trần, đây cũng là dịp để cầu cho đất nước thanh bình, nhân dân no ấm, an cư lạc nghiệp, không bệnh không tật, tránh được mọi tai họa... Sau nghi thức kỉnh ông Trần, Nhà Lớn mở cửa đón khách dâng hương, chiêm bái, tham quan. Trong những ngày diễn ra lễ, đông đảo bá tánh từ khắp các miền quê Nam Bộ về đây hành lễ, cầu mong những điều an lành, tốt đẹp. Khách đến tham dự lễ hội được Nhà Lớn phục vụ ăn, uống, nghỉ ngơi miễn phí. “Chúng tôi đã lưu giữ lễ hội này nhiều năm để gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông mình”, bà Lê Thị Kiềm khẳng định.

Anh Nguyễn Văn Toàn, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Lễ hội Trùng cửu Nhà Lớn Long Sơn tuy không rình rang, chiêng trống nhưng có dấu ấn riêng không tương đồng với bất kỳ lễ hội nào ở Việt Nam. Lễ hội này bình dị, chân chất nhưng rất văn minh.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam lại là lễ hội độc đáo mang nét đặc trưng miền biển của TP. Vũng Tàu đã được tôn vinh là một trong 15 lễ hội dân gian miền biển có quy mô lớn nhất nước vào năm 2000.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, diễn ra trong 3 ngày (16, 17 và 18/8 Âm lịch) hằng năm.

Thường niên, lễ hội được TP. Vũng Tàu tổ chức chu đáo, trang trọng cả 2 phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra với những nghi thức truyền thống như: Cầu Ngư, cúng tế Ông Nam Hải, cúng giỗ các bậc tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ rước kiệu, trình diễn tuồng cổ. Đặc biệt, năm nay, ở phần lễ rước, TP. Vũng Tàu đã nâng tầm thành lễ hội Carnaval với sự tham gia của hơn 5.000 người, tạo ra điểm nhấn sắc màu rực rỡ cho lễ hội. 

TP. Vũng Tàu cũng lần đầu tổ chức cho 500 du khách ra biển để chứng kiến nghi thức rước Ông và ngắm nhìn cảnh quan Vũng Tàu từ ngoài biển.

Ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đình Thần Thắng Tam cho hay, Lễ hội Nghinh Ông chính là dịp để bà con ngư dân cầu mong bình yên trong những chuyến biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, để nhà nhà đều có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc, trường tồn. 

"Trải qua thời gian, Lễ hội Nghinh Ông không còn là của riêng ngư dân mà đã phát triển thành lễ hội chung nhiều tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, giữ gìn sự bình yên cho biển cả", ông Khôi bày tỏ.

Nghi lễ nghinh Ông trên biển tại Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu năm 2022.
Nghi lễ nghinh Ông trên biển tại Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu năm 2022.

Đậm nét truyền thống dân tộc

2 lễ hội lớn trong năm khác tại TP. Vũng Tàu đều tổ chức thường niên là Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Hùng Vương - Mẫu Cửu Thiên (12 Bạch Đằng, phường 5) và Lễ giỗ Đức Thánh Trần tại Đền Đức Thánh Trần (68 Hạ Long, phường 2). Trong đó, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo diễn ra trong 3 ngày (19 đến 21/8 Âm lịch) với đầy đủ nghi lễ truyền thống.

Ông Trần Quang Châu, Hội trưởng Hội Đền thờ Đức Thánh Trần TP. Vũng Tàu cho biết, theo tập quán của dân ta, ngày giỗ là dịp để con cháu lấy việc tưởng nhớ người xưa mà giáo dục người nay, để phúc đức của tổ tiên được thấm nhuần. Còn đối với các đấng anh hùng, danh nhân của dân tộc, ngày giỗ là dịp để toàn dân có cơ hội tỏ rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ giỗ Đức Thánh Trần ở Vũng Tàu được tổ chức với những nghi thức cúng tế truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đã được gìn giữ từ đời này sang đời khác tại địa phương.

Ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, ngày nay, được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền và cơ quan văn hóa nên những lễ hội truyền thống tại Vũng Tàu ngày càng quy mô và giữ được nguyên nét truyền thống. Những lễ hội này ngày càng phát huy giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của phố biển Vũng Tàu.

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

.
.
.