Bắt đầu từ chuyện cái cối xay bột của bà tôi để sau hè không dưng biến mất.
Minh họa của: MINH SƠN |
Đó là cái cối đá to, một vòng tay tôi ôm không xuể. Ngày trước bà tôi đặt nó ở hàng hiên, nghe đâu từ thời bà cố tôi cối đá đã ở đó rồi. Trên cái sân lát bằng đá ong mát rượi, bà tôi xếp cái cối đứng cạnh một dãy lu chứa nước mưa. Nhà nội tôi có cái lệ, mỗi khi con cháu ở xa về là bà tôi lại sấp ngửa đi ngâm gạo đúc bánh xèo. Bà lọ mọ ngâm gạo từ đêm, sáng ra bỏ vào cối quay ù ù, đến xế chiều đã có nồi bột.
“Thời buổi này ai mà ngồi xay bột nữa mẹ!” - Một lần cô tôi nhìn bà gò lưng bên cái cối “Mẹ cứ để con ra tiệm tạp hóa đầu chợ mua gói bột bánh xèo chớ ngồi xay chi cho cực!”. “Nhưng bột bánh xèo đâu có ngon, nó thiếu mùi vị gạo quê con à!” bà tôi thủng thẳng. “Mẹ thích gạo quê thì từ nay cứ ngâm rồi con đem ra tiệm xay cho khỏe, khỏi mất công mẹ kỳ cạch từ sáng đến trưa”.
Chẳng lâu sau, cái cối xay bột của bà tôi trở thành vật dụng thừa thãi trong nhà.
Hôm chú tôi từ thành phố về, chưa kịp uống xong ly nước cô tôi đã giục: “Vần cái cối xay ra sau hè cho em, để hiên rộng em ngồi băm chuối”. Chú tôi cùng hai người nữa hè nhau một lúc mới vần được cái cối. Mọi người phủi tay cười. Vậy là xong. Khỏe re.
Cái cối xay rồi cũng đi vào quên lãng. Buổi trưa tôi thường ra sau hè ngồi đợi con Mốc, thằng Ve chui hàng rào qua chơi, nghe tiếng con chim cu cườm về gừ gừ trên đụn rơm cao ngất. Tôi thơ thẩn nhìn cái cối xay, thấy màu đá ngày càng xỉn đi, toát cả mồ hôi lạnh. Có lần cô tôi cầm chổi quét sau hè, bâng quơ: “Cái cối coi ai xin cho quách, để chi cho chật cái hè!”. “Bậy nà!” bà tôi nghe được liền trợn mắt: “Đó là kỷ vật duy nhất còn lại của bà nội sắp bay, cho sao được mà cho!”. Cả ngày hôm đó bà tôi vẫn chưa thôi lầm bầm chuyện cô tôi đòi đem cái cối đi cho.
Bà chưa hết bực chuyện cô, đến bữa cơm chú tôi lại nhắc: “Con tính nới thêm cái nhà rộng ra phía sau cho mát, để con cháu về có chỗ ngủ nghê má à!” “Ờ” bà tôi ậm ừ. “Hè này coi được ngày con làm luôn, mẹ coi mấy thứ linh tinh để sau hè dẹp bỏ bớt”. Bà tôi im lặng và nốt chén cơm, thấy vậy chú tôi được thể: “Cả cái cối nữa, coi ai xin mẹ cho họ luôn đi!”. Bà tôi đang trệu trạo nhai liền thả chén cơm xuống mâm: “Thôi khỏi cơi nới sửa sang chi hết, tao ở rứa được rồi!” bà đứng lên bỏ ra chuồng trâu ngồi, tôi kịp nhìn theo, thấy trong đôi mắt già nua ầng ậng nước.
Mới sáng sớm, bà Nhu hàng xóm đã lẹ làng vén hàng rào chui qua, thấy bà tôi lom khom tỉa luống đậu, bà Nhu cũng lấy cái bồ cào xới vạt đất chung quanh, thủ thỉ: “Chị Bốn nè, thằng Hiển nhà tui trên thành phố vừa làm xong cái nhà, chuẩn bị mừng tân gia”. “Cha mẹ ơi cái thằng giỏi thiệt, mới ra trường có vài năm!”. “Hôm kia nó về biểu tui lên thành phố ở luôn với vợ chồng nó, chị thấy sao?”. “Ờ, thì giàu cũng con út mà khó cũng con út, bà ở với nó cũng phải!” bà tôi quệt mồ hôi. Đoạn, bà Nhu vất cái bồ cào, lại gần bà tôi thẽ thọt: “Chị Bốn nè, hôm thằng Hiển về nhìn qua thấy sau hè chị để cái cối xay nó ưng lắm, nhà nó có cái vườn, nói để cái cối xay ở đó thì hay quá. Nó biểu tui hỏi chị coi để lại nó, nó gửi chị chút đỉnh ăn trầu”. Bà tôi dừng tay: “Thím nói hay! Cái cối của bà nội sắp nhỏ để lại, giờ không dùng nữa nhưng tui để đó cho con cháu nhớ!” nói đến đây giọng bà tôi rưng rưng: “Nhớ hồi mới về làm dâu, nhìn cái cối là tui sợ, tháng ba mươi ngày một mình tui xay, hết ngày tới đêm. Bà nội sắp nhỏ hồi đó có cái quán bánh xèo bên sông, lúc nào cũng đông khách, mẹ con tui cực chi mà cực!”. Bà Nhu cười gượng “Dạ, vậy tui nói lại để thằng Hiển biết chừng” bà nói rồi cúi xuống xới đất, loanh quanh một hồi kiếm cớ đứng lên, chui qua hàng rào về nhà.
Bên này bà tôi cũng dừng tay, lọ mọ ra sau hè dựng cái bồ cào, đến bên cái cối xay ngồi bà thụp xuống rờ rẫm hồi lâu, quay qua thấy tôi đứng xớ rớ, bà vẫy lại gần xoa cái đầu khét nắng: “Mai mốt lớn đi lấy chồng, bà cho cái cối làm của hồi môn”. Tôi nghe vậy ngửa mặt lên trời cười ngất.
Vậy là cái cối xay của bà tôi vẫn đứng yên ở đó, bất di bất dịch.
* * *
Buổi sáng đang lui cui quét lá sau hè, cô tôi ngẩng lên phát hiện cái cối xay đã biến mất. Đứng bên hiên tôi nghe cô gọi: “Na! Cái cối bà cho ai rồi à?”. “Con có biết đâu!” tôi ngơ ngác. “Chắc ai xin bà đem cho rồi, thiệt tình, để chi cho chật nhà!” cô tôi lẩm bẩm, vào bếp lấy cái nón đội đầu ra đồng, không quên quay lại dặn tôi thấy nắng lên nhớ phơi lúa ra sân.
Tôi chạy qua nhà con Mốc ngồi chơi cho tới khi mặt trời lên khỏi bụi tre, sực nhớ tôi chạy về bưng mủng lúa ra sân. Phơi xong mủng lúa, bà tôi cũng vừa về đến nhà, tay xách cái giỏ nặng trịch, mồ hồi mồ kê nhễ nhại. Trong khi tôi chạy u vô bếp pha cho bà ly nước chè, ngoài này bà lúi húi soạn các thứ rồi cầm lên gói bột trăng trắng đưa tôi: “Cất vô chạn bữa nào bà đúc cho ăn!”. Cầm gói bột sực nhớ đến cái cối sau hè, tôi hỏi: “Cái cối xay nhà mình bà cho bà Nhu rồi à?” “Hử? Cối nào?” bà tôi lui cui vô bếp liền quay lại. “Là cái cối sau hè nhà mình đó!”. “Bà có cho ai đâu?”. “Nhưng nó mất rồi, bà ra sau coi đi!”.
Bà tôi lom khom ra sau hè, đến chỗ để cái cối đá. Trống trơn.
“Sao vầy nè?” bà nhìn tôi. “Con có biết đâu, cô Út sáng nay quét sân mới biết mất”. Bà tôi yên lặng vào nhà, vừa lúc cô tôi từ ngoài đồng về, hớt hải: “Chớ cái cối sau nhà mẹ cho ai rồi à?”. Bà tôi yên lặng bần thần nhìn ra sân, cứ như ăn trộm vừa vào nhà rinh đi một tài sản quý. Cô tôi tránh nhìn bà, len lén ra hiên lẩm bẩm “Làng này xưa giờ đâu có trộm cắp gì. Hổng lẽ…” cô lom lom nhìn qua bên kia hàng rào nhà bà Nhu “Lấy gì không lấy đi lấy cái cối. Hổng lẽ…”. “Đừng nghĩ vậy mà tội nghiệp người ta con ạ!” bà tôi khẽ khàng.
Bữa cơm dọn ra bà tôi ăn nửa chén rồi thả đũa xuống mâm, cô chú tôi thấy vậy ăn cũng không nổi. Mắt bà mênh mang ra đồng “Ngày mẹ về làm dâu nhà nội, cái cối xay đã ở chỗ kia…” bà rì rầm kể, từ chuyện có thai cha tôi đến tháng thứ chín bà vẫn ngồi xay bột, đến chuyện bà đẻ rớt cô tôi bên cái cối xay, kể một thôi một hồi bà bắt đầu sụt sịt “Hồi còn thầy, cứ tới mùa mưa thầy lại biểu mẹ đi ngâm gạo, thầy ưng ăn bánh xèo không ai bằng, mà bánh xèo đúc tép với mấy cái lá hẹ ngoài cái lu bể hái vô chớ có đâu tôm thịt như giờ” nhắc tới ông, bà tôi ôm mặt khóc tu tu, bao nhiêu kỷ niệm bà lôi ra kể hết, vừa chặm nước mắt vừa kể. Sợ bà xúc động sẽ không tốt cho sức khỏe người già, chú tôi vội trấn an “Thôi mẹ đừng khóc, để anh em con tìm!”.
Chú tôi bỏ việc, cô tôi bỏ ruộng đi quanh làng tìm cái cối cho bà nhưng không thấy đâu.
* * *
Ba năm sau.
Chuyện cái cối xay của bà tôi ai rồi cũng quên, cả bà tôi có lẽ cũng không còn nhớ. Người già quên quên nhớ nhớ. Cô chú tôi thấy vậy thở phào nhẹ nhõm. Dạo này chú tôi siêng về quê hơn, chú cho thợ tới đo đạc để chuẩn bị sửa lại cái nhà. “Mẹ ở vậy cũng được rồi, sửa sang chi cho cực” tôi nghe bà bảo vậy.
Ngày tốt đã có, thợ thầy đã chuẩn bị đâu vào đấy.
Đêm. Bà tôi ngủ, sáng hôm sau không còn dậy nữa. Người đầu tiên phát hiện là cô tôi. Nghe tiếng cô kêu lên thất thanh, mọi người chạy vào, tay bà tôi đã lạnh ngắt từ bao giờ. Bà đi từ đêm, gương mặt nhẹ nhõm, thảnh thơi. Lo cho bà yên nghỉ xong, chú tôi sửa soạn lên thành phố, việc sửa sang nhà cửa cũng thôi, chỉ còn dựng lại cái hàng rào.
Chú tôi cho người tới đo đạc. Mấy bác thợ đào đất chưa hết buổi đã phải dừng tay vì nhát cuốc động vào vật cứng. Một cái nắp hầm hiện ra. “Cái hầm từ thời chiến tranh để lại, thôi phá luôn đi!” chú tôi bảo. Mấy bác thợ nghe vậy liền phá bỏ miệng hầm, xong việc mặt trời cũng đã đứng trưa. Bỗng có tiếng một bác thợ la lớn “Trong hầm có cái gì nè!” bác lấy cuốc bẩy lên. “Ơ, là cái cối xay!” mọi người xúm lại. Cô chú tôi cũng sửng sốt khi cái cối lộ ra dưới nắng mặt trời, dưới cối là bốn con lăn để di chuyển được dễ dàng, cạnh đó một cái thùng sắt, bên trong có cái bình vôi, con dao xếp, cái nồi gang, mấy cái chén đất… Chung quanh yên lặng như tờ, tôi nhìn thấy trên gương mặt chú nỗi ưu tư, mắt cô thì dân dấn nước. Tìm kiếm một hồi, cô tôi mở cái bọc, trong đó một cái chang tóc, cái quai nón nhung đen. “Cái này của bà nội nè anh Ba!” cô tôi thầm thì.
Mấy bác thợ không ai bảo ai, lui ra góc vườn ngồi uống nước chè, có lẽ các bác muốn dành riêng cho người nhà được riêng tư trong khoảnh khắc này. Ngay trong ngày hôm đó cái cối xay của bà tôi được vần về bên hiên, chỗ bà cố tôi mấy mươi năm trước đã ngồi xay bột.
Đêm. Các bác các chú tôi kéo về ngồi chật ngoài hiên chuyện trò, mỗi người một chuyện ôn lại những kỷ niệm từ thời bà cố tôi. Cô tôi cũng góp vài câu rồi lặng lẽ vào bếp đong gạo đi ngâm, quay qua thấy tôi cô ôm vào lòng, rơm rớm “Ngày mai cô xay bột đúc bánh xèo ăn để đỡ nhớ bà!...”
V.N.G