Vĩnh biệt "Người đẹp Bình Dương"- Thẩm Thúy Hằng

Thứ Sáu, 09/09/2022, 15:36 [GMT+7]
In bài này
.

Minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng vừa qua đời ngày 6/9/2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Vẫn biết đây là quy luật của đất trời khi bà đã bước vào tuổi 83, tuy nhiên nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành cùng tài năng xuất chúng của nữ diễn viên có biệt danh “Người đẹp Bình Dương”, “Nữ hoàng của sân khấu đèn màu” suốt những năm 70, 80 của thế kỷ trước vẫn để lại rất nhiều nỗi lưu luyến, tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng nghiệp cũng như trong lòng người hâm mộ.

Minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng. (Ảnh tư liệu)
Minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng. (Ảnh tư liệu)

Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng có tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941, quê gốc Hải Phòng nhưng lại lớn lên tại vùng sông nước An Giang nên có thể nói nhan sắc của bà là hội tụ tinh hoa của hai miền quê vốn sản sinh nhiều gái đẹp. Ngay từ thuở còn đi học Thẩm Thúy Hằng đã được biết tới như một hoa khôi xinh đẹp nhất trường.

Năm 16 tuổi, Thẩm Thúy Hằng đã xuất sắc vượt qua hơn 2.000 thí sinh để giành về cho mình vai diễn Tam Nương, trong phim “Người đẹp Bình Dương” - một phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn, ra mắt công chúng năm 1958. Với tài năng thiên phú cùng nhan sắc “chim sa cá lặn”, Thẩm Thúy Hằng nhanh chóng vụt sáng ngay trong vai diễn đầu tiên này. Và cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã trở thành thương hiệu riêng của Thẩm Thúy Hằng, gắn chặt với sự nghiệp của bà. Chưa dừng lại ở đó, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục vào vai Chức Nữ trong phim “Ngưu Lang-Chức Nữ” do NSND Năm Châu đạo diễn. Vai diễn đã đưa tên tuổi Thẩm Thúy Hằng lên tới nấc thang cao nhất của danh vọng, đúng như một nhà phê bình từng nói: “Khán giả không thể quên nàng Chức Nữ đẹp lộng lẫy, sương khói đang bay về trời trong tiếng hát thánh thót như ngân lên từ những áng mây huyền ảo, thần tiên”.

Sau đó, Thẩm Thúy Hằng liên tục được các hãng phim săn đón, mời đóng vai chính trong nhiều bộ phim lớn khác và hầu như phim nào cũng thành công vang dội. Thẩm Thúy Hằng còn nổi tiếng với mức cát-xê cao không thể tưởng tượng; 1 triệu đồng cho một vai diễn (tương đương một ký vàng 9999 thời bấy giờ). Khán giả từ Nam ra Bắc, nhiều năm liền không ai là không biết tới Thẩm Thúy Hằng. Người hâm mộ ví bà là Marylin Monroe của Việt Nam. Và nói với nhau: “Nghe Khánh Ly, xem Thẩm Thúy Hằng”.

Với những đóng góp lớn cho điện ảnh cách mạng Việt Nam, năm 1984, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng đã vinh dự được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. 

10 năm sau khi gia nhập làng điện ảnh, năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là “Chiều kỷ niệm”. Bộ phim thành công rực rỡ khiến cho tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng càng thêm thăng hoa. Sau đó Thẩm Thúy Hằng tiếp tục sản xuất thêm nhiều bộ phim khác như: “Nàng”, “Ngậm ngùi”… Các bộ phim đều có doanh thu cao.

Dưới vai trò của một minh tinh màn bạc, bà đã từng tham dự các liên hoan phim quốc tế ở Hongkong, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Liên Xô… và đạt các giải thưởng lớn như: Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Đài Bắc; Ảnh hậu Á châu trong Liên hoan phim Á châu tổ chức tại Hongkong và Đài Loan năm 1972, 1974; Nữ diễn viên khả ái nhất tại Liên hoan phim Moskva và Tasken tại Liên Xô năm 1982...

Ngoài điện ảnh, bà còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban kịch Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian đó. Trong vai trò trưởng ban, Thẩm Thúy Hằng vừa viết kịch bản vừa dàn dựng vừa đóng vai chính, và có rất nhiều vở được dựng thành công như: “Người mẹ già”, “Suối tình”, “Đôi mắt bằng sứ”... Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng cũng tỏa sáng với vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở “Bóng chim tăm cá” của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga... Bà đã chứng tỏ mình là một nghệ sĩ đa năng. Ở cương vị nào bà cũng để lại dấu ấn, trên sân khấu nào cũng tỏa sáng.

Nổi tiếng vì nhan sắc và tài năng, Thẩm Thúy Hằng còn nổi tiếng hơn khi kết hôn với người chồng quyền thế và tài giỏi; Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, Nguyên Phó Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa những năm 60. Vợ chồng bà cũng nổi tiếng vì đã chọn ở lại Việt Nam sau ngày 30/4/1975. Ở thời điểm đó, một quan chức lớn và một nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Oánh-Thẩm Thúy Hằng chọn lựa ở lại với đất nước là một chọn lựa mang tính lịch sử. 

Sau năm 1975, khi tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh hăng hái đóng góp công sức vào tiến trình đổi mới đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiền tệ... trở thành đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, cố vấn kinh tế cho các chính khách lớn như: cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng tiếp tục là ngôi sao màn bạc với những bộ phim điện ảnh cách mạng như: “Như thế là tội ác”, “Ngọn lửa Krông Jung”, “Hồ sơ một đám cưới”, “Đám cưới chạy tang”, “Cho cả ngày mai”, “Nơi gặp gỡ của tình yêu”,... Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn dáng chú ý trong: “Cho tình yêu mai sau”, “Đôi bông tai”, “Hoa sim gai trắng”, “Biệt thự hoang tàn”...

Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” của đoàn kịch Kim Cương. Sau vai diễn Phồn Y trong vở Lôi Vũ trên sân khấu kịch, Thẩm Thúy Hằng chính thức giã từ sự nghiệp để lui về sống ẩn dật, lặng lẽ với thiền, kinh kệ, làm từ thiện xã hội tại một ngôi nhà trong hẻm Bình Qưới (Thanh Đa, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh).

Nhiều năm đã trôi qua, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều những gương mặt mới, trẻ trung, xinh đẹp, tài năng. Tuy nhiên nhan sắc và tên tuổi của “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng vẫn là một tượng đài lớn, một đẳng cấp vượt trội mà cho tới nay vẫn chưa một nữ diễn viên nào ở Việt Nam có thể vượt qua.

AN AN

 
;
.