.
NHỮNG BÀI THƠ HAY PHỔ NHẠC

Hoa rụng ven sông

Cập nhật: 16:53, 05/08/2022 (GMT+7)

Những ngày còn lưu lại ở một tỉnh lỵ nhỏ, tôi ngụ tạm ở nhà một người bạn. Ngôi nhà nằm chung trong xóm nhà sàn trên bờ sông Thạnh Trị - Mỹ Tho (Tiền Giang). Sau biến cố Tết Mậu Thân, xóm nhà sàn này có vài căn đã cháy rụi cùng với một số trụ điện, thân cây cổ thụ gãy đổ ngổn ngang trên đường Alexandre de Rhôdes- một trong những con đường đẹp nhất của Mỹ Tho ngày ấy.

Nhạc sĩ Phạm Duy.
Nhạc sĩ Phạm Duy.

Từ con đường này dẫn xuống ngôi nhà của anh bạn tôi, ngôi nhà may mắn còn sót lại trong lửa đạn, phải đi qua một cây cầu gỗ dập dềnh trên mặt nước và những lượn sóng. Đêm tôi nằm mơ màng nghe tiếng sóng vỗ dưới sàn nhà, mắt nhìn thấy bóng trăng treo ngang qua vuông cửa sổ mở ra hướng sông tôi cứ ngỡ mình đang ở trong một giấc mộng. Những ngày tôi lưu lại đó, con sông dường như vẫn chưa biết gì về sự có mặt của một người khách lạ, tới rồi đi như bao lần. Mỗi buổi sáng, buổi chiều và mỗi đêm khuya dòng nước bên dưới vẫn lặng lờ, bình thản khi trời không nổi sóng gió ầm ào, cuồng nộ.

Con sông không rộng lắm, nên tôi có thể nhìn thấy lờ mờ phía bên kia bờ hàng cây chạy dài ven sông với những tán lá xòe rộng che ngang mép nước giăng mờ sương đêm. Khi ánh trăng huyền ảo của một đêm rằm trãi xuống, mặt sông như được nuộm vàng, cây lá cũng vàng. Khi đó, cũng vừa kịp lúc mùa thu ở đâu đó đi vào tỉnh lỵ bằng những cơn gió nhẹ, thổi se se lòng người và lan man qua khoảng trống của một chỗ ngồi không còn hơi ấm quen thuộc của người yêu nên mang sự trống vắng dằn vặt từ trong mỗi cảm xúc dâng tràn.

Tôi đã sống trong tâm trạng bập bềnh đó trong suốt thời gian lưu lại ngôi nhà của người bạn để chờ ngày rời khỏi những kỷ niệm không thể nào quên. Đồng thời cũng để tiếc nhớ, hoài niệm về những hình ảnh của ngày tháng cũ với những yêu đương, đón đưa, hẹn hò… giống như những cánh hoa rơi rụng, nát vỡ tơi bời theo từng cơn gió cuốn trên mặt sông.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Hương hoa rơi vỡ, nát vụn theo gió cuốn có cả hương mùa thu chớm cho một mối tình vương vất, đeo mang khiến tâm hồn trĩu nặng u buồn. Tôi đã lưu lại tỉnh lỵ êm đềm này bằng cảm nhận của thứ thời tiết mùa thu đang tới, bóng trăng vừa tròn một đêm rằm, con nước dòng sông luôn khua sóng dưới sàn nhà và một tình yêu chao đảo, chông chênh trên những ngã đường cây lá đổ dài. Tôi đã bàng hoàng nhớ lại tà áo trắng của trưa nào theo boáng nắng bay vào ngõ, qua cầu. Rồi mái tóc dài của người con gái ấy thả rơi trên gối. Hương thơm mái tóc vướng lại, vướng cả nụ cười, ánh mắt, giọng nói… đã làm cho ngôi nhà trống trải trên sông ấy có chút hơi ấm, không còn lạnh lẽo nữa.

Ngôi nhà như một chứng nhân. Tình yêu đến như mùa thu chớm. Người đi thì làm sao ở lại? Những cánh hoa rơi vẫn cứ trôi trên sóng dập dềnh và nỗi nhớ vẫn cứ muôn trùng xuôi về biển thẳm mịt mờ. Lúc đó tôi mới cảm nhận rằng tình yêu của người giống như chỗ trọ sau những năm tháng phải tới lúc rời đi, mưa nắng vẫn cứ tơi bời, lòng người vẫn cứ chênh vênh như bóng trăng đổ xuống…

“Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời

Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi

Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi

Ngày như theo sông bóng xế tàn rơi”.

Thơ của Lưu Trọng Lư và nhạc của Phạm Duy đó, như thể những câu than thở của người khách hôm nào về với bến sông bất ngờ nhìn thấy hoa rụng tơi bời. Khoảnh khắc va chạm không gian, thời gian thành nhịp đập “Giờ đây” rất tự nhiên, không có biểu hiện gì như sự “Tiên đoán” cả. Tậm trạng ấy tôi hiểu được từ chính lòng mình đã từng khắc khoải, từng hụt hẫng khi lưu lại trên ngôi nhà trên sông ấy với nỗi lòng của người ở trọ, còn em là hình bóng của tình yêu đã ghé thăm, đã từng ngồi đối diện nhau trong cảm xúc nồng nàn xô ập tới. Còn dòng sông vẫn vô tư dâng nước, tiếng sóng vẫn rào rạt xô bờ và hoa tan tác vẫn theo gió đưa tới rơi rụng trong chiều tàn.

“Giờ đây” vừa là cảm xúc tâm trạng, vừa là “Xác định từ” ám chỉ thời gian để cơn mộng năm xưa trở về hiện tại cho tình yêu vỗ hết cánh bay thật cao, thật xa. Tôi đã bắt gặp đến hai lần “Xác định từ” thời gian để nói về hai trạng thái liên tiếp xảy ra: “Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời” - “Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi”. Hãy tưởng tượng anh là người trong cuộc khi trở về nơi ấy trong một buồi chiều tàn như thế, trong một hoàn cảnh như thế sẽ bàng hoàng biết bao nhiêu khi nhận ra trong bất ngờ một hình bóng cũ theo những cánh hoa tan tác rơi trên sông và cơn mộng ào về không tay nào che được qua một khoảng trống mênh mông. Lúc đó là lúc hiện tại không còn dĩ vãng và dĩ vãng đã chìm trong vô thức?

Hình như là như thế, nhưng hình như cũng không phải như thế. Hiện tại rõ ràng là hình ảnh một người yêu đã phụ bạc, tự làm bão tố cho một cuộc chia tay để lại cho ta nỗi đắng cay ngiệt ngã hơn những gì mà ta có thể tưởng tượng. Cảm giác này giống như ta bất ngờ bị chụp xuống một tấm lưới phũ phàng. Nếu ta được ngộp thở, chết lịm đi trong tấm lưới ấy chắc là một hạnh phúc để lìa khỏi những khổ đau, nhọc nhằn. Nhưng không, ta lại không thể được như ý nguyện mà dường như tấm lưới ấy đã hé mở cho ta một lối thoát đưa tới chút hy vọng mỏng manh tình yêu vụt cánh bay đi rồi sẽ vụt cánh trở về.

Quả thật tôi cũng từng trải qua tâm trạng của người bất ngờ bị chụp xuống tấm lưới phũ phàng ấy và đã với tay vào cõi tiếc nhớ, vọng tưởng. Đó là khi ta vội vã bước chân trên khoảng đường chiều lúc còn em để đưa đón, hẹn hò. Đó là một đêm có ánh trăng vàng rải xuống mặt sông và em đến bất ngờ không hẹn trước. Đó là nửa khuya những sợi tóc rối em trải ra trên cánh tay ta với mùi hương hoang dại lẫn với mùi da thịt ngọt ngào mê lịm đời người. Đó là khi những con đường mộng tưởng, những đêm sao sáng và nguyệt rằm vằng vặc giữa trời nước bao la. Đó là những lần tóc trãi, những lần hương bay đã thật sự đi vào cõi tiếc nhớ không nguôi.

Và bây giờ thật sự là tên của một cõi không còn, không còn ta, không còn em, không còn quá khứ, không còn hiện tại, không còn tương lai… Không còn một mối tình tưởng như bất diệt.

“Còn đâu em ơi còn đâu ánh trăng vàng

Còn đâu ánh trăng vàng mơ trên làn tóc rối

Còn đâu em ơi còn đâu bước chân người mơ trên đường chiều rơi

Còn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng

Còn đâu sương tan trăng nội mơ màng

Còn đâu em ngoan tóc rối ngổn ngang

Tuổi em đôi mươi xuân mới vừa sang…”

Cõi không còn ấy là một cõi đau đớn nhất với hiện tại, nó đã thành phim của vô thức mà người đạo diễn là trí nhớ của ta. Lúc ta đứng, nó xao động cùng khắp mỗi cử chỉ. Lúc ta nằm, không thiếu chi loài côn trùng tấu lên bi khúc nhớ thương dưới chân cỏ quạnh. Sống như thế là ta đã sống với từng khoảnh khắc thời gian cao quý vụt mất. Những mộng trùm trên bông, những tình nhống trên gối mà ta cứ tưởng muôn đời được giữ mãi nhưng không ngờ tới một lúc nào đó cũng tan biến vào cõi hư không, vô thường của cộc sống nhân gian này.

“Còn đâu em ơi còn đâu giờ nhung lụa

Mộng trùm trên bông tình nồng trong gối

Còn đâu em ơi còn đâu mùi cỏ dại

Chút tình thơ ngây không còn trên đôi má…”

Ngày tháng trôi qua và một mối tình mất đi bao giờ cũng chứng minh bằng sự khờ dại ban đầu của hai người yêu nhau đầy lãng mạn, không toan tính cho mai sau bất cứ điều gì. Tình yêu mất bao giờ cũng là tình yêu thơ ngây, nhỏ bé nhưng lớn dần trong sự nhớ thương. “Chú tình thơ ngây” đã “Không còn trên đôi má”, có nghĩ là em đã lớn khôn ở một lần yêu khác. Nụ hôn lần thứ hai đã giết chết nụ hôn lần đầu. Bởi vì, trên đôi má em đã không còn dấu môi nụ hôn anh nữa, nó đã phai hết theo nắng mưa, gió bụi rồi.

Thơ và nhạc là một cõi muôn trùng. Đường bay của thơ và nhạc mênh mông quá, như không có điểm dừng cho sự thăng hoa sáng tạo của thi nhân và nhạc sĩ. Thơ có nhạc sẽ được chuyển hết cả lời và ý. Nhạc có thơ sẽ xôn xao những mộng và thực. Mộng là ánh trăng treo trên đầu ngọn  lá. Thực là con sông tơi bời hoa rụng. Và tôi đã sống với những ngày như thế đó trong ngôi nhà luôn được nhắc nhở bởi thơ và nhạc của Lưu Trọng Lư - Phạm duy qua ca khúc bất hủ “Hoa rụng ven sông”. Thơ và nhạc của thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa này đã nói hết giùm tôi mọi điều với một người con gái đã để lại từ trong xa thẳm của ký ức ngàn trùng một làn hương sâu đậm khó phai.

Nếu thơ là một bến bờ mà ta chỉ có thể đưa nhau tới được bằng cánh mộng thì nhạc là tiếng kêu cứu gần nhất khi ta yêu nhau nồng thắm hay tan vỡ phôi phai. Thơ của Lưu Trọng Lư không riêng gì bài “Hoa rụng ven sông” đã được nhạc sĩ Phạm Duy đưa đến gần với hạnh phúc, cho dù mất mát của hai người đã, đang và sẽ yêu nhau trong mỗi chúng ta khi còn nhịp đập trái tim và hơi thở nhân sinh trong cõi thế gian này.


TỪ KẾ TƯỜNG

.
.
.