KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7)

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc!

Thứ Sáu, 15/07/2022, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng Bảy, tôi và nhà thơ Trần Thế Tuyển trở về Đền Liệt sĩ Long Khốt. Với Trần Thế Tuyển, Long Khốt-tỉnh Long An là chiến trường xưa của anh, nơi nhiều đồng đội đã ngã xuống, trận chiến giữa bộ độ ta và quân địch chà đi xát lại nhiều lần. Trên Đài tưởng niệm liệt sĩ vàng óng đôi câu đối-cũng là câu thơ hay của chính tác giả họ Trần:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia!

Đài Liệt sĩ Vũng Tàu. Ảnh: HOÀI ÂN
Đài Liệt sĩ Vũng Tàu. Ảnh: HOÀI ÂN

Tháng Bảy có một ngày  kỷ niệm-nói là một ngày để lấy dấu mốc nhưng trên thực tế  hoạt động kỷ niệm diễn ra cả tuần, cả tháng, thậm chí thường xuyên không ngơi nghỉ, hết sức có ý nghĩa. Đó là kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Toàn xã hội tri ân thực hiện “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” với những chiến sĩ và đồng bào đã “không tiếc máu đào” anh dũng hy sinh trên các chiến trường;  tri ân những thương binh đã bỏ lại một phần xương máu  trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hàng triệu thương binh, bệnh binh. Không có sự cống hiến, hy sinh to lớn đó sẽ không có độc lập tự do; không có Đại thắng mùa Xuân năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Giữa tháng Bảy năm 2022, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, Đại tá Trần Hồng điện thoại vào miền Đông Nam bộ cho tôi:

Ông vù ra Quảng Trị nhé,  có mặt tại nhà khách Đông Hà, để sáng sớm chúng ta đi thắp nhang viếng liệt sĩ-phóng viên báo Quân đội Nhân dân  Lê Đình Dư và các liệt sĩ đang an nghỉ tại nghĩa trang Quốc gia, nghĩa trang Đường Chín. Đúng hẹn, tác phong lính, không nói nhiều, hành trang gọn nhẹ,  mọi người có mặt, trong đoàn có thêm hai doanh nhân phối hợp tổ chức tặng quà cho các thân nhân liệt sĩ và thương binh nặng tại địa phương.  Quả là một hành động đẹp, một cử chỉ “đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, không ồn ào, không làm phiền ai, xuất phát từ nhịp đập nóng hổi của con tim.

Nhà thơ, nhà báo Đại tá Trần Thế Tuyển, tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, trước một vế câu đối do anh viết: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc”.
Nhà thơ, nhà báo Đại tá Trần Thế Tuyển, tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt, trước một vế câu đối do anh viết: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc”.

Một nhóm đồng đội khác, trong đó có ông Phạm Thân-nhà báo cao niên, con trai ông hy sinh tại chiến trường Bình Giã. Tháng Bảy, ông đã từ Hà Tĩnh về Bà Rịa-Vũng Tàu thắp nhang cho con và các đồng đội của con an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nằm cách trung tâm TP.Bà Rịa không xa. Từ nghĩa trang, ông chụp ảnh toàn cảnh nghĩa trang chuyển về quê nhà, kèm bài viết ngắn như là một cảm nhận, một lời nhắn gửi: “Một nghĩa trang đẹp, khang trang, nhiều cây xanh. Giữa trưa, nhiều tốp thân nhân các liệt sĩ đang quây quần dâng hoa bên các phần mộ được nâng niu chăm sóc mỗi ngày. Những người đã ngã xuống bên chiến địa. Và những người về đây trong tháng Bảy này cảm thấy rất ấm lòng”. Lời bình ngắn gọn-comment của tôi: “Trong kháng chiến, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những chiến trường ác liệt, nơi ngã xuống của hàng ngàn chiến sĩ giải phóng. Địa phương Anh hùng có bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ thì  có bấy nhiêu hoa viên đẹp, một trong những nơi đi đầu xây dựng, tôn tạo các Đền - Đài liệt sĩ. Đền liệt sĩ thành phố Vũng Tàu được đặt trên một ngọn đồi, địa danh du lịch biển, cách bãi biển Thùy Vân xinh đẹp sóng vỗ bốn mùa không đến năm phút vòng quay đều xe đạp…”.

Trên đất nước ta đã và đang có hàng chục triệu những tấm lòng thành, mọi lúc, mọi nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, người có công. Những ngày này, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên-Hà Giang, nay đã được tôn tạo thành hoa viên tâm linh đẹp; Nghĩa trang liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn; Nghĩa trang liệt sĩ ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, An Giang, Côn Đảo, Phú Quốc, Long Khốt và hàng chục ngàn nghĩa trang liệt sĩ khác trên mọi miền Tổ quốc hương khói nghi ngút, vòng hoa nối tiếp vòng hoa-từng đoàn người hành hương thực hiện truyền thống đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Đại tá Trần Văn Hồng (Trần Hồng) bên mộ liệt sĩ Lê Đình Dư, nhà báo chiến trường (nguyên PV báo QĐND) - tại Nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh (Quảng Trị), tháng 7/2022.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Đại tá Trần Văn Hồng (Trần Hồng) bên mộ liệt sĩ Lê Đình Dư, nhà báo chiến trường (nguyên PV báo QĐND) - tại Nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh (Quảng Trị), tháng 7/2022.

Nhà báo, nhà văn Trần Văn Hiền tại Nghệ An, người đã dày công đi tới nhiều nơi thăm hỏi, tìm kiếm tài liệu vốn rất ít ỏi để viết về liệt sĩ và thân nhân của họ. Những bài viết của ông mới lạ, ngồn ngộn chi tiết được in trên các báo, xuất bản thành tập sách riêng, như là một kỷ vật quý của non sông. Tháng Bảy linh thiêng, nhà thơ, nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, phóng viên TTX Giải Phóng, sau này ông là Tổng giám đốc TTXVN có những câu thơ thật hay lan tỏa trên mạng xã hội. Ông dành nhiều tình cảm trân trọng-tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, trong đó có gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Trần Mai Hưởng viết: Thiêng liêng hai chữ Vô Danh/Lòng dân ghi tạc sử xanh muôn đời/Ơn sâu nặng tựa biển trời/Với người ngã xuống ở nơi trận tiền/Còn lưu lạc một dòng tên/Danh xưng chung được khắc lên mộ  phần/Những người trung hiếu nghĩa nhân/Về với đất cũng lặng thầm vô danh…

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách lớn, huy động cộng đồng DN, sức mạnh toàn xã hội thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.  Dù đã hết sức cố gắng, “Đền ơn đáp nghĩa” vẫn còn là công tác lớn, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của toàn xã hội. Tri ân và chăm sóc các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công  là trách nhiệm và nghĩa vụ, là tình cảm  thiêng liêng của mọi người, mọi nhà!…

Tháng Bảy-2022

PHẠM QUỐC TOÀN

 
;
.