Bầy sẻ cũ
Ông Biên đạp xe về đến ngõ, chưa kịp dựng cái chân chống đã nghe tiếng bà Ngần lanh lảnh “Tôi đợi ông đứng rục hết cái chân!” vừa nói bà vừa te tái chạy lại đặt bao tấm vào giỏ xe ông Biên “Gớm, dạo này cái gì cũng lên giá! Những hai trăm đấy ông ạ!”. Ông Biên lập cập móc túi lấy tiền đưa bà “Đây, tôi gửi, lần sau đến bà cứ để ở cửa, hôm sau tôi ghé nhà bà trả tiền cho tiện”. Bà Ngần nhăn nhở cười rồi chạy đi.
Minh họa: MINH SƠN |
Ông Biên lọ mọ vào nhà kéo cái thùng sắt đổ tấm vào, vốc vài nắm mang ra vãi trên sân. Những tia nắng đầu ngày rọi xuống giàn chanh dây, ông đến bên cái chuông treo ở cửa giật liên hồi. Leng keng leng keng… lũ chim sẻ từ mái nhà sà xuống mổ tấm lia lịa. Ông Biên ngây người ngắm lũ sẻ. Sáng nào vãi tấm cho lũ chim ăn ông lại đứng ngắm say sưa, ông thuộc cả tính nết từng đứa. Con to nhất lúc nào cũng xù lông là con đầu đàn, luôn tỏ ra điềm đạm, vừa ăn vừa quan sát, khi trên sân chỉ còn vương lại một ít nó thôi mổ, bay lên giàn chanh dây đứng nhìn xuống như nhường nhịn. Rộn ràng nhất là lũ sẻ nhỏ, ăn bên này chưa hết đã bay sang bên kia tranh giành, có hôm bị mấy con sẻ lớn mổ lên đầu, chúng kêu chí chóe, nem nép tránh sang bên. Vào mùa, những quả chanh dây chín đỏ chốc chốc lại rơi bịch bịch xuống sân khiến lũ sẻ giật mình bay tán loạn rồi lại đáp xuống thản nhiên mổ tiếp. Loáng một cái mớ tấm hết nhẵn, lúc này ông mới thong thả ra góc ngã tư ngồi khề khà ly cà phê với mấy ông bạn già.
Bà nhà mất đã bảy năm, ông Biên sống một mình, có đứa con gái lấy chồng xa thỉnh thoảng về thăm bố. Từ dạo về hưu rảnh rỗi, ông nhận mối giao báo để kiếm thêm thu nhập. Mỗi sáng ông thức dậy từ sớm, đi nhận báo rồi giao cho các sạp dưới phố. Nhiều người bảo ông già rồi có phải nuôi ai đâu mà làm cho khổ. Ông chỉ cười, sao lại khổ khi vừa có thu nhập lại có cơ hội thể dục buổi sáng, đạp xe quanh thành phố, đến 6 giờ ra góc ngã tư ăn gói xôi sáng, nhâm nhi ly cà phê.
Hôm đang ngồi xem chương trình thời sự, nghe tiếng gọi ông nhìn ra thấy ông bạn già tay ôm chú chó nhỏ lông đen, chưa kịp mở cổng ông bạn đã hớn hở khoe “Con chó Phú Quốc nhà tôi tinh khôn lắm, vừa đẻ một đàn, tôi bắt ngay cho ông một con kẻo thằng Tuân nó mang đi cho hết”. Ông Biên thích thú ngắm chú chó có đôi tai vểnh lên trông tinh khôn, ngộ nghĩnh.
Ông bạn lại thủ thỉ “Ông sống một mình, có nó cho vui cửa vui nhà”. Ông Biên trầm ngâm hồi lâu rồi quay sang ông bạn “Ông mang về cho thằng Tuân nuôi, tôi già rồi ốm đau lúc nào chả biết, nhỡ ra có bề gì bỏ nó lại bơ vơ, tội nghiệp. Tôi đang nuôi mấy đứa này, cũng vui lắm!”. Ông Biên kéo bạn vào trong, lấy tấm ra vãi trên sân. Tiếng leng keng rung lên hai hồi đã thấy lũ sẻ sà xuống. Ông bạn trố mắt nhìn lũ sẻ, cười ha ha vẻ khoái chí “Để tôi đi mua cái chuông, ông chỉ tôi cách dụ dỗ chúng nó về”. “Đâu có, tự tụi nó về đấy!” ông Biên khoe, vẻ tự hào.
Khoảng sân trước nhà ông Biên nhỏ xíu, đủ trồng vài chậu lan, mắc thêm cái giàn cho chanh dây leo. Một ngày bỗng đâu đàn chim sẻ kéo về, chúng ríu rít trên mái hiên, miệng đứa nào cũng tha một cọng cỏ khô. Qua tuần sau ông nhìn lên, tổ chim đã xếp dày đặc dưới mái hiên, chẳng biết chúng làm từ bao giờ mà nhanh thế, những chiếc tổ bện bằng cỏ khô thật khéo. Hôm đó mưa to gió lớn, tổ chim bị giật tung, cỏ khô vương vãi, có cái tổ còn lăn lóc mấy quả trứng chim, nom tội nghiệp. Ông lọ mọ bắc cái thang trèo lên gắn tổ vào chỗ cũ. Vài tuần sau đã thấy đàn chim non chập choạng tập bay, những cái mỏ nhỏ xíu há ra đợi mẹ mang mồi về. Từ ngày đó ông đều đặn ra cửa hàng bà Ngần mua tấm, lũ sẻ đã quen, sáng nào cũng lượn trên mái hiên đợi ông, đứa rỉa lông, đứa mài mỏ vào cánh, có đứa gà gật ngủ trông đến buồn cười. Mỗi sáng tiếng chuông chưa hết gióng thứ ba lũ sẻ đã sà xuống mổ hết mớ tấm mới bay đi, chiều lại tíu tít rủ nhau về. Có hôm hết tấm, đến bữa lũ sẻ lượn quanh chờ đợi, có đứa dạn dĩ hơn, thấy ông về liền bay xuống đậu trên vai ông như nhắc nhở “Nay ông quên cho chúng con ăn đó nha!”.
* * *
Trời đã vào đông, những cơn mưa phùn lất phất như rây bột nhưng cũng đủ ướt áo. Con phố quen thuộc trong buổi sớm lặng yên, chốc chốc một gánh hàng rong lướt qua, để lại tiếng rao lanh lảnh. Ông Biên giao báo xong về đến nhà mới thấy lạnh buốt, chẳng kịp ăn gì, ông lên giường trùm chăn. Mở mắt ra trời đã chiều, mình mẩy đau nhức, ông nằm yên nghe đầu nóng ran. Nửa đêm gió cuộn về, những viên ngói vỡ xô vào nhau phát ra tiếng lục cục, ông ôm ngực ho sù sụ.
Tờ mờ sáng. Bà Lành còn ngái ngủ nhưng tiếng chổi quét đã loẹt xoẹt trên vỉa hè, vừa quét bà vừa ngóng ra đường lầm bầm “Giờ này còn chưa có báo, khách đến lấy gì bán”. Ông Mạnh chồng bà khom lưng thổi phù phù vào cái bếp than tổ ong “Đợi tí đã, gì mà nóng, lạnh lẽo thế này chắc ông cụ ngủ quên” ông Mạnh quay sang nhấc ấm nước sôi đổ vào bình ủ chè. Hai chú chạy grab ghé vào quán xuýt xoa vì lạnh “Cho hai ly đen ông chủ ơi! Có báo mới cháu xin luôn!” Bà Lành dừng tay pha cà phê, quay sang chồng lườm một cái rõ dài. Ông Mạnh vội vàng đứng lên khoác thêm chiếc áo ấm đi ra cửa “Bà trông quán, tôi chạy vào nhà ông Biên xem sao”.
Ông Mạnh vừa gọi vừa lay cánh cổng, không thấy ông Biên đâu. Cụ bà hàng xóm đang quét sân dừng lại bảo “Từ hôm qua đến giờ không thấy ông ấy đâu, mọi hôm giờ này giao báo về rồi”. Linh cảm có chuyện chẳng lành, ông Mạnh trèo qua hàng rào vào nhà đập cửa ầm ầm. Năm phút trôi qua ông Biên mới lọ mọ đi ra xô được cánh cửa rồi khuỵu xuống. Ông Mạnh lao vào, gọi thêm hàng xóm. Đưa được ông Biên vào bệnh viện, về đến nhà ông Mạnh đã thấy vợ đứng ở cửa lo lắng. Nghe chồng kể sự tình, bà giao lại quán cho chồng rồi vội vàng vào bếp bắc nồi cháo để kịp trưa mang lên bệnh viện cho ông Biên.
Cô con gái hay tin bố ốm vội xin nghỉ phép về chăm. Ở bệnh viện đến tuần thứ hai ông Biên khỏe hẳn. Ra viện, về đến nhà việc đầu tiên ông nhìn lên mái hiên, không có bóng dáng con chim sẻ nào. Ông cầm cái chuông rung lên, tiếng leng keng vang lên hết hồi này đến hồi khác lũ chim sẻ vẫn bặt tăm. Cô con gái thấy vậy dỗ dành “Bố vào nhà nghỉ ngơi đã, bác sĩ bảo bệnh viêm phổi của bố tái phát là không tốt đâu!”. Ông buồn bã đi vào, đến bên chiếc thùng đựng tấm thò tay vốc mớ tấm lên, lẩm bẩm “Tấm còn đầy ra đây, tại ông đi lâu quá!”.
Từng ngày trôi qua ông âm thầm đợi lũ sẻ. Hôm rồi nghe tiếng lích rích trước sân, ông mừng rỡ chạy ra nhưng không phải lũ chim, chỉ là hai chú chích mào ở đâu bay về đậu trên giàn chanh dây hót véo von rồi bay đi. Ông thẫn thờ vào nhà. Cô con gái đang sửa soạn hành lý, đến bên bố thủ thỉ “Con về lần này bàn với nhà con, sẽ đưa bố vào ở cùng chúng con, bố già rồi ở một mình con không yên lòng”. Ông Biên nhìn ra khoảng sân trầm ngâm “Bố sống một mình quen rồi, bao giờ bố ốm con hẵng về, bố ở cùng, thêm gánh nặng cho vợ chồng con”. “Bố đừng nghĩ quẩn, gánh nặng là gánh nặng thế nào? Chúng con phải có trách nhiệm với bố chứ?” Ông Biên tránh câu hỏi của con, lững thững bỏ vào phòng. Vừa đặt lưng xuống giường ông đã nghe tiếng con gái gọi giật “Bố ơi bố ra đây đi!”. Ông Biên nhúc nhắc đi ra đã thấy con gái đứng trước sân chỉ lên mái hiên “Bố xem kìa, có phải đàn chim sẻ của bố không?!” Nghe đến lũ chim, ông Biên nhanh nhẹn hẳn, vội vàng xỏ đôi dép đi ra. Trên cao, đàn chim sẻ ríu rít bay về, chúng xếp một hàng dài trên mái hiên í ới gọi nhau. Ông nhận ra con chim đầu đàn nhờ bộ lông xù.
Ông vội vào vốc tấm mang ra, tiếng leng keng rung lên, lũ chim sẻ đang ríu ran bỗng im bặt, chúng dừng lại nghển cổ lắng nghe. Dưới kia tấm vãi đầy sân nhưng không đứa nào sà xuống như mọi lần. Chúng lượn trên giàn chanh dây, có đứa sà xuống đậu lên vai ông. Lát sau chúng đồng loạt cất cánh lượn một vòng như tạm biệt ông rồi cả đàn bay đi mất hút.
Ông Biên ngơ ngẩn nhìn theo lũ chim rồi bần thần nhìn mớ tấm còn vương vãi đầy sân, buồn bã “Ông đi lâu quá, tụi nó quên tấm của ông rồi!”. Cô con gái từ xa lặng nhìn bố và lũ chim, cô đến sau lưng ôm bố, nắm bàn tay già nua đầy vết đồi mồi “Lũ sẻ trở lại thăm bố chứ có quên bố đâu, chúng đã trưởng thành, có thể tự tìm thức ăn cho mình khi vắng bố, bố phải vui lên!” Ông Biên quay lại nhìn con khẽ gật đầu. Miệng cười như mếu, ông ngước nhìn lên. Trong nắng sớm những nếp nhăn trên trán ông giãn ra, nhìn theo hướng đàn chim vừa bay đi ông lẩm bẩm “Lũ sẻ của ông ngoan quá! Biết ông về, rủ nhau đến thăm ông đây mà!”...
V.N.G