.
Tạp bút của: HỘI AN

Nhà cũ

Cập nhật: 19:08, 24/06/2022 (GMT+7)

Tôi nhận lời mời của bà bạn già đi cà phê. Cuộc hẹn hò không chỉ hai người mà còn thêm mấy người bạn trong nhóm thể dục sáng. Thật tình cờ, cái quán bạn mời lại phải đi ngang qua căn nhà cũ.

Vừa bước chân vào con đường quen thuộc, lòng tôi đã bồi hồi. Bởi một thời tôi đã quá gắn bó với cái tên đường mà đã bao lần phải khai trong các thủ tục hành chính, trong giấy tờ tùy thân, trong giấy khai sinh cho con và cả khi gửi thư, gửi hàng gửi quà đi và đến. Tôi thuộc con đường đến mức có thể nhắm mắt mà đi chắc cũng không lạc. Từng ngõ hẻm, lối rẽ vào nhà nào, rộng hẹp ra sao, từng cái cây cao thấp lớn nhỏ, có hoa hay trái màu xanh hay nâu… bên lề đường nữa.

Nhớ một câu hát cũ: “Cuộc đời đó… có bao nhiêu mà hững hờ”. Phải, dù sao tôi đã gắn bó với căn nhà này trên hai chục năm. Hai chục năm, quãng thời gian tất bật mưu sinh với công việc khá vất vả để nuôi mình và con cái, cũng là quãng thời gian ghi dấu cả thành công và thất bại, để dần thấu cảm mọi được mất hơn thua ở đời.

Tôi cho xe chậm lại và dừng hẳn bên lề đường một lúc khi qua cửa. Căn nhà đã được sửa sang lại, đẹp hơn rất nhiều khi tôi còn là chủ nhân. Đã có lần, sau khi tôi chuyển đi, cô bạn hàng xóm gọi điện kể là nhà đó sửa nhà hết mấy trăm triệu. Thật lạ! Hình như tôi không nhìn rõ cánh cửa kính cường lực sáng choang sang trọng, hay khoảng sân rợp bóng cây hoa bao phủ. Bởi tôi đang nhớ về căn nhà cũ của mình ngày xưa.

Tôi nhìn thấy mấy cái giá sách bề bộn sách báo tạp chí mà biết nhà mới nhỏ hơn không chứa đủ, ông xã tôi đã hiến bớt cho một thư viện ở quê. Tôi nhìn thấy cái góc bếp thân thương gắn bó bao năm. Ở đó ngày bận bịu đi làm, chỉ chiều tối khi chồng con đã sum vầy, tôi gắng gỏi gém trong thu nhập khiêm tốn, lo cho con món cháo đủ chất, cho chồng đĩa mồi nhậu rượu đế cùng bạn. Hay hầm niêu cá nhỏ nhừ xương để không tốn tiền mà cả nhà đều ăn được. Nơi đó tôi đã luôn tay lau chùi dọn dẹp hàng ngày để dù đồ dùng dụng cụ làm bếp rẻ tiền vẫn luôn gọn gàng sạch sẽ.

Tôi nhớ cả những lối đi trong nhà, nơi hai đứa con tôi lẫm chẫm đặt những bước chân đầu tiên theo tay bố hay mẹ dắt. Đây là nơi hai đứa con tôi chào đời và lớn lên. Là nơi chúng khóc nhè dai dẳng khi đau bệnh, hát hò nghịch ngợm vang nhà cả khi ấu thơ. Phía trái phòng khách là cái bàn viết của chồng tôi. Anh là người viết nghiệp dư nên ngoài giờ đi làm là gắn bó với giấy bút và sau này là máy tính.

Tôi nhớ mình đã từng trân trọng những giờ phút sáng tạo trong cô đơn của chồng để giành lo hết việc nhà và con cái để anh được rảnh rang, để chăm sóc cho anh những điều nho nhỏ khi viết như ly nước, miếng trái cây.

Căn nhà tôi còn có một mảnh sân sau chút xíu để làm nơi thông khí cho cả nhà. Đây là nơi giặt giũ, phơi đồ để tôi bận bịu hàng ngày với nó. Ở đây cũng có vài chậu cảnh tí hon hiếm hoi giúp tôi và cả nhà thư giãn. Và nó làm tôi ghi dấu cả quãng thời gian dài bởi kỷ niệm bà mẹ chồng hiền lành của tôi để lại.

Bà ăn trầu nên tôi kiếm cho bà một cái ống bơ để nhổ quết trầu. Và bà cùng chiếc ống bơ hay hiện diện trên chiếc ghế thấp nơi cửa sân sau ấy với dáng ngồi nhẫn nại và già nua, mái tóc bạc trắng và khuôn mặt nhiều nếp nhăn khắc khổ. Bà thương con thương cháu, luôn ăn uống dè sẻn đến mức chồng tôi nhiều lần phát bực gắt gỏng. Bởi bà sợ làm khó cho con cái còn nghèo. Bởi bà biết chúng tôi nợ tiền cái nhà nhiều năm sau mới trả hết.

Và ngày tôi bận bịu đi làm để thằng bé con cho bà bế, bà té mà cố đỡ cháu nên bị gãy tay. Có thể sau này con tôi sẽ quên nhưng tôi cứ nhớ và thương mãi, cả bây giờ khi bà đã không còn nữa.

H.A

.
.
.