.
TẢN MẠN

Phòng họp báo Đảng ngày đó!

Cập nhật: 17:35, 17/06/2022 (GMT+7)

Ai cũng có những ngày vui, nhiều ý nghĩa. Người nào cũng có những kỷ niệm khó quên về nghề nghiệp, về cuộc đời, bạn hữu. Nhớ về kỷ niệm để thêm yêu, thêm nhớ, để tự nhắc nhở nghĩa vụ và trách nhiệm.

Nhà giáo, thầy thuốc, doanh nhân, công an, bộ đội, ngành dân vận, tuyên giáo, tổ chức cán bộ, cho đến phụ lão, thanh niên, thiếu niên nhi đồng, làm cha - làm mẹ…  đều có ngày kỷ niệm của riêng mình, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, vui như mở hội, tự nó nhắc nhở truyền thống vẻ vang và trách nhiệm xã hội cao cả của từng ngành, từng giới. Đến ngày lễ trọng, những bó hoa tươi thắm lại ào ạt đến, văn nghệ, liên hoan, họp mặt theo hội, theo nhóm, những lời chúc tụng… nổ  theo những chai sâm banh khai tiệc, dù to hay nhỏ, dù đông đảo hoặc gọn nhẹ, tùy điều kiện, hoàn cảnh từng nơi, từng lúc, từng địa phương,  từng hội đoàn thể.

Hằng năm, 21 tháng 6, kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày Bác Hồ sáng lập báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên ở Việt Nam để truyền bá tư tưởng, lý luận và hành động  cách mạng. Đó là ngày hội của các nhà báo và những ai gắn bó, yêu quý nghề báo. Và mỗi lần kỷ niệm, bao kỷ niệm đẹp lại hiện về, lao xao trong tâm trí mỗi người.

Kỷ niệm 80 năm ngày báo chí cách mạng, tháng 6/2005, anh chị em cựu sinh viên Báo chí – Xuất bản khóa 1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (1969 – 1973), tập trung tại trụ sở báo Đảng – Báo Nhân Dân, quây quần bên gốc cây đa Hàng Trống. Nhà báo Minh Sơn, Trưởng ban Liên lạc cựu sinh viên báo chí, lúc đó là Trưởng ban Thường trú báo Nhân Dân trân trọng  mời nhà báo lão thành Hữu Thọ, cựu Tổng biên tập báo Đảng, cựu Trưởng khoa báo chí (kiêm chức) đến gặp mặt và chia vui cùng các cựu sinh viên. Buổi họp mặt vừa bắt đầu, bên ngoài cựu sinh viên Tô Hà lò dò tới, nhà báo Minh Sơn  giới thiệu:

- Cựu sinh viên Tô Hà đã tới! Vậy là mọi người đứng dậy vỗ tay. Khi đã an tọa, nhà báo Hữu Thọ thấy lạ mà vui, vốn là cây bút tiểu phẩm, ông đứng dậy nở nụ cười hóm hỉnh hỏi:

- Tôi nói khí không phải, là các nhà báo, nhà văn chuyện gì cũng hay mà sao có người đi họp trễ lại đứng dậy vỗ tay rần rần để chào mừng?

Cả phòng họp im phăng phắc. Cựu sinh viên Báo chí  - Xuất bản Thu Viện làm việc tại Báo Thanh tra, nhanh ý và  từ tốn, đứng dậy:

-  Dạ, xin thưa, mấy năm trước Báo Nhân Dân có xã luận (tác giả bài xã luận chính là nhà báo Hữu Thọ) khuyến khích tập thể và các cá nhân lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Cựu sinh viên Tô Hà đã xin nghỉ công việc biên tập viên đứng ra lập công ty phát triển sản xuất, làm dịch vụ. Đồng môn Tô Hà của lớp làm kinh doanh giỏi nên các cựu sinh viên chúng em vỗ tay khích lệ và cũng bày tỏ sự khâm phục đấy ạ!

Nhà báo lão thành Hữu Thọ lại rất vui vẻ, ấm áp đứng dậy trao đổi:

- Tôi vẫn chưa thông, đang làm nghề, một nghề đặc thù thật vinh quang mà lại bỏ ngang nghề, đi kinh doanh, có nên không?

Nhà báo Minh Sơn, học trò của nhà báo Hữu Thọ tiếp tục cuộc trao đổi với thầy - sếp báo Đảng, cũng là luận bàn chung với các đồng môn Báo chí - Xuất bản:

- Dạ thưa, ý kiến của Thủ trưởng báo chí rất chí lí. Đúng là không nên bỏ ngang nghề làm báo, làm sách để đi kinh doanh, nhưng với chị Tô Hà thì lại rất đặc thù. Tô Hà của chúng em trốn nhà ra trận, vào tuyến lửa đạn bom, phục vụ chiến đấu. Khi trở về hậu phương mới đi học và làm nghề sách - báo, nhưng  làm kinh doanh cũng đắm say, hiệu quả và ra tấm ra món lắm ạ!

Cả phòng họp đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Nhà báo Hữu Thọ bước tới bên nữ đồng nghiệp trẻ xinh đẹp Tô Hà ngày ấy:

- Rất chúc mừng cựu sinh viên Báo chí - Xuất bản khóa 1, khóa đầu tiên đào tạo các nhà báo, nhà biên tập xuất bản bài bản, chính quy, chuyên nghiệp  xuất sắc, có quyết định chuẩn luôn!  Xin chào nữ biên tập viên đồng thời là nữ doanh nhân dũng cảm.

Nhà báo Hữu Thọ tuổi cao, nay đã về với thế giới người hiền. Chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh phòng họp Báo Nhân Dân năm đó thật vui vẻ, nồng ấm tình đồng nghiệp, nổi lên những tràng pháo tay kéo dài không ngớt…

HẢI VÂN

.
.
.